Sân khấu kịch TP.HCM vẫn loay hoay tìm hướng đi

26/02/2022 - 11:06

PNO - Sau gần hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, sân khấu TP.HCM đã nhộn nhịp trở lại từ tết Nguyên đán 2022 với nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, người làm nghề vẫn thận trọng với chuyển biến tiếp theo của sân khấu kịch.

Vui nhưng chưa thể lạc quan

Sân khấu Idecaf trở lại sớm nhất, mở màn từ ngày 26/1. Các suất diễn xuyên tết đều được đặt hết vé từ sớm. Sân khấu Thế giới trẻ cũng kín ghế, các suất diễn kéo dài đến mùng 10 với hai suất/ngày. Mùa diễn tết 2022 của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ thật ấm cúng dù khán giả đến chỉ hơn nửa rạp. Tương tự, sân khấu Hoàng Thái Thanh hay Kịch Hồng Vân cũng đón nhiều khán giả trở lại dù chưa thể so với các mùa diễn tết hồi trước đại dịch.

Thực tế làm ấm lòng người làm sân khấu trong bối cảnh hiện nay, nhưng chưa thể nói được gì về tương lai của sân khấu kịch TP.HCM. “Nhiều năm nay, dù tình hình sân khấu ảm đạm, thì mùa tết vẫn luôn thắng. Muốn biết thể trạng nền sân khấu ra sao, thì cần chờ thêm một thời gian nữa, đồng thời xem những “món ăn” tiếp theo mà các sân khấu sẽ phục vụ”, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn nhận định. Dù thành công mùa kịch tết, nhưng sân khấu Idecaf chưa có kế hoạch dựng vở mới cho dịp lễ 30/4 và 1/5. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B - cho biết hiện không đủ lực để tái đầu tư vở diễn mới.

Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B nỗ lực “trẻ hóa” phong cách và thu hút nhiều người trẻ đến cộng tác
Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B nỗ lực “trẻ hóa” phong cách và thu hút nhiều người trẻ đến cộng tác

Hầu hết các vở diễn tết năm nay đều là vở “cũ mà như mới” khi bị gián đoạn vì dịch bệnh. Có những vở diễn qua hai năm, số suất diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn sẽ duy trì lịch diễn như thời gian qua, khi thời điểm này không dễ để đầu tư được một tác phẩm mới chất lượng. “Thành phố (TP) đã lâm bệnh nặng một thời gian dài, trong đó, sân khấu là một trong những ngành nghề chỉ mới gượng dậy, và tình hình phát triển hoàn toàn tùy vào “sức khỏe” của TP. Đến giờ, mọi hoạt động đều phải cẩn trọng, thì cả người làm sân khấu và khán giả đều cần thêm thời gian để phục hồi…”, đạo diễn Ái Như nhận định.

Người làm sân khấu đã rất nỗ lực kéo khán giả đến rạp, nhưng khó có thể cạnh tranh với các nền tảng giải trí số. “Khán giả yêu kịch ngày càng thu hẹp và với riêng 5B thì khó thể đòi hỏi ai cũng đến xem kịch trong một khán phòng thiếu tiện nghi”.

NSƯT Mỹ Uyên

Trước khi bước vào mùa diễn tết 2022, sân khấu TP.HCM đã có bước chạy đà ngoạn mục với 20 đơn vị, chủ yếu là sân khấu xã hội hóa, cùng hàng trăm diễn viên tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc (đợt hai). Liên hoan một lần nữa khẳng định nguồn lực biểu diễn luôn dồi dào, năng động và tươi mới của sân khấu TP.HCM. Tuy nhiên, hết liên hoan, chỉ còn khoảng năm, sáu sân khấu trụ lại, nhiều đơn vị biểu diễn chỉ “tạt ngang” liên hoan để tìm kiếm huy chương chứ không thực sự mặn mà với sân khấu.

Cần phải xốc lại

Sân khấu Hoàng Thái Thanh quan niệm làm hết cái nghề và cái tâm của mình. Còn thế nào là mới? Mỗi sân khấu có một xu hướng nghệ thuật riêng. Mới thì chính là ở mỗi tác phẩm. Nếu đã chọn cho mình một xu hướng, một dòng kịch thì chúng tôi vẫn phải theo đuổi và giữ gìn.

Đạo diễn Ái Như

Thẳng thắn nhìn nhận là vẫn chưa thấy được điểm sáng mới nào ở sân khấu kịch trong suốt đợt liên hoan, tác giả Vương Huyền Cơ nhận định những tín hiệu lạc quan từ liên hoan vừa qua hay mùa diễn tết không đồng nghĩa với sự khởi sắc của sân khấu kịch sau thời gian dài trì trệ. “Sân khấu đã bế quan khá lâu, liên hoan mở ra cơ hội để người nghệ sĩ thỏa nỗi nhớ nghề và trở lại với công chúng, nên ai cũng đầy nhiệt huyết. Nhân cơ hội này, chúng ta phải thổi bùng ngọn lửa nghề, phải có những tác phẩm hay hơn để khơi lại hứng thú của khán giả với sân khấu, thì mới tạo được chuyển biến. Nếu trở lại nhưng vẫn cứ như cũ, thì nhiệt huyết mấy cũng dần lụi tàn, công chúng cũng chẳng mặn mà với sàn diễn”, tác giả Vương Huyền Cơ chia sẻ.

Vở Sài Gòn có một ngã tư – để lại nhiều ấn tượng đẹp tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc (đợt 2) –
Vở Sài Gòn có một ngã tư – để lại nhiều ấn tượng đẹp tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc (đợt 2) – tiếp tục đến với khán giả trong mùa diễn Tết tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh.

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn dẫn chứng có hơn 20 web drama “oanh tạc” khắp mạng xã hội thời gian qua với rất nhiều gương mặt quen của sân khấu trong các vai lớn nhỏ, vậy thì: “Liệu mấy ai còn muốn đến sân khấu khi ở nhà có thể coi miễn phí các ngôi sao, cười rất đã, không thích cứ tua qua, mệt thì dừng, muốn coi tiếp lúc nào cũng được?”.

Sau đợt giãn cách, đời sống và tâm lý con người có nhiều biến đổi, người ta có xu hướng sống chậm rãi hơn, hướng đến những giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất. Sản phẩm sân khấu cũng phải đáp ứng sự thay đổi đó trong đời sống tinh thần, tâm hồn của khán giả. Thời gian qua, tác phẩm sân khấu đã có xu hướng quay về khai thác những chủ đề về tình cảm gia đình, những tình cảm đẹp sâu lắng trong tâm hồn con người nhiều hơn là những đề tài thực dụng như trước đây. Đây là những biến chuyển tích cực cần khuyến khích.

Đạo diễn - diễn viên Thái Kim Tùng

Nội dung tiếp theo

“Khi khán giả có quá nhiều sự lựa chọn, thì sân khấu muốn thu hút phải có sự khác biệt. Ngay cả Idecaf cũng đứng trước nguy cơ đóng cửa, nếu không tự đổi mới mình để giữ chân khán giả. Sân khấu TP.HCM những năm gần đây rất thụ động, người làm sân khấu cần phải năng động và dành cho sân khấu nhiều thời gian, tâm ý và sự sáng tạo hơn, nếu muốn tiếp tục duy trì hoạt động của loại hình nghệ thuật này”, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn nói.

Đạo diễn Ngọc Hùng cho rằng sân khấu TP.HCM vẫn đang “chậm rãi bước” và cần thêm thời gian để ổn định trở lại. “Tôi cho rằng sự lên xuống của sân khấu là một vòng tuần hoàn tự nhiên, và chính những nghệ sĩ, người làm sân khấu phải thấy rõ nhất những vấn đề tồn tại để tự xốc lại mình, xốc lại hoạt động sân khấu”, đạo diễn Ngọc Hùng cho biết. 

Ninh Lộc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI