Rước họa vì... làm tóc

19/01/2018 - 16:58

PNO - Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một bệnh nhân nữ 26 tuổi bị phỏng với diện tích khá rộng và sâu sau khi uốn tóc hơi nước. Các bác sĩ phải cắt lọc vết thương, ghép da cho bệnh nhân.

Gần Tết, làm đẹp trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều phụ nữ. Chăm sóc da, tóc là một trong những ưu tiên hàng đầu của chị em. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo một số điểm cần lưu ý nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra khi làm đẹp. 

Ruoc hoa vi... lam toc
Năm 2017, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận sáu trường hợp phỏng da đầu do làm tóc.

Trước tết dương lịch 2018 vài ngày, chị L. (ngụ Gia Lai) đến tiệm để làm tóc. Chị muốn thay đổi kiểu tóc để đón năm mới và dự tiệc cuối năm. Tóc chị được uốn vào ống hơi nước, hóa chất kèm theo trong máy nhiệt theo hơi nóng xòa vào da đầu chị.

Tuy nhiên, chị L. vẫn nghĩ sức nóng tỏa ra là bình thường nên khi phát hiện thì một vùng đầu rất lớn đã bị phỏng, máu ra nhiều. Ngày 26/12/2017, chị được Bệnh viện Gia Lai chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán hoại tử da đầu, vùng chẩm và thái dương trái do phỏng nước sôi. 

Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân được điều trị bằng cách cắt lọc hoại tử và ghép da. Tuy nhiên, vùng da hoại tử được chẩn đoán vĩnh viễn không thể mọc tóc trở lại.

Đầu tháng 10/2017, khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 26 tuổi bị phỏng với diện tích khá rộng và sâu sau khi uốn tóc hơi nước. Các bác sĩ phải cắt lọc vết thương, ghép da cho bệnh nhân.

Đánh giá về trường hợp này, bác sĩ Hiệp cho biết, dù vết thương có thể lành nhưng vùng da bị tổn thương sẽ không thể mọc lại tóc một cách tự nhiên. Thay vào đó, để tóc mọc được, bệnh nhân sẽ phải mất ít nhất ba tháng, trải qua ít nhất hai ca mổ. Các bác sĩ sẽ đặt túi giãn da vùng đầu bệnh nhân nhằm tạo ra phần da đầu vừa đủ để ghép vào vùng tổn thương.

Ruoc hoa vi... lam toc

Bệnh nhân này chia sẻ trước đó vài tuần, chị đi uốn tóc tại một salon lớn ở Bình Phước. Sau khi tẩm thuốc uốn tóc, học viên cuộn tóc chị vào các lô và gắn với dây dẫn nhiệt. Trong lúc uốn, chị thấy một lô tóc bị sút ra, ống dẫn nhiệt phà hơi nước vào da đầu khiến phỏng rát nên dừng ngay việc uốn tóc, về nhà tự cắt tóc để vệ sinh vùng phỏng.

Vốn là bác sĩ nên khi xác định tình trạng của mình, chị đã đến bệnh viện để được điều trị. Sau vài tuần, thấy vùng da đầu bị phỏng đóng vảy, bệnh nhân tưởng vết thương đã ổn. Tuy nhiên, sau khi lớp vảy bong tróc, chị phát hiện dưới lớp vảy đóng mủ nên nhanh chóng đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

Trước đó, tại Bệnh viện Trưng Vương, các bác sĩ khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ cũng điều trị cho hai bệnh nhân bị phỏng nặng vùng đầu và tai sau khi đi hấp dầu. 

Bác sĩ Hiệp phân tích: "Thông thường khi đi uốn tóc, ngoài nhiệt độ để uốn, người ta thường sử dụng một số hóa chất nên tổn thương thường kết hợp giữa phỏng do nhiệt và phỏng do hóa chất. Để làm lành vết thương đã là vấn đề khó khăn nhưng trong những trường hợp như thế này, vấn đề thẩm mỹ thường rất quan trọng.

Bệnh nhân L. do tổn thương quá rộng nên việc có lại tóc sau này như người bình thường rất khó. Khi vết thương lành, bệnh nhân sẽ được đặt túi giãn da nhưng do diện tích phỏng quá lớn nên không hy vọng nhiều".

Thận trọng trong mùa làm đẹp

Thỉnh thoảng Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận một số trường hợp bị phỏng da đầu do sự cố khi làm tóc, đặc biệt là vào những ngày cận tết. Chúng tôi khuyến cáo chị em khi đi uốn, duỗi tóc phải cẩn thận, nên đề nghị kiểm tra dụng cụ kỹ lưỡng. Nếu phát hiện bất thường, cảm thấy nóng, đề nghị dừng lại ngay. Bên cạnh đó, có thể yêu cầu cơ sở thẩm mỹ hạn chế sử dụng hóa chất đi kèm.

 Bác sĩ Ngô Đức Hiệp 
Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy

Thiên Trúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI