Rất khó xảy ra khan hiếm gạo

25/03/2020 - 07:03

PNO - Tổng cục Hải quan vừa gửi công văn hỏa tốc yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố ngưng xuất khẩu gạo từ ngày 24/3 theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Ông Trần Ngọc Trung - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát, chuyên xuất khẩu gạo đồng thời là một trong những đơn vị chủ lực cung ứng gạo cho TPHCM - cho biết, ông không bất ngờ với chỉ đạo này. Theo ông Trung, Việt Nam không thiếu gạo nhưng hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, không biết sẽ kéo dài đến lúc nào nên việc ngừng xuất khẩu sẽ bảo đảm an ninh lương thực trong nước, giúp dân yên tâm. 

Ông Trung thông tin, vài tuần trước, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại với những ca nhiễm mới, lượng gạo tiêu thụ tại TPHCM tăng vọt. Tuy nhiên, ông khẳng định, rất khó xảy ra tình trạng khan hiếm gạo vì hiện nguồn cung gạo từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn rất dồi dào. Lượng gạo tồn kho của Vinh Phát còn 50.000 tấn; nếu nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng đột biến, doanh nghiệp ông có thể chuyển nguồn gạo xuất khẩu sang phục vụ thị trường trong nước. 

Quyết định ngưng xuất khẩu gạo đưa ra trong thời điểm giá lúa gạo tại Đông bằng sông Cửu Long tăng cao
Quyết định ngưng xuất khẩu gạo đưa ra trong thời điểm giá lúa gạo tại Đông bằng sông Cửu Long tăng cao

Khi tái xuất hiện các ca mắc COVID-19 tại TP.Hà Nội, xuất hiện tình trạng đổ xô tích trữ lương thực. Ngoài mì gói, thực phẩm chế biến, gạo cũng là mặt hàng được nhiều người tích trữ. Những ngày gần đây, đã xuất hiện những thông tin rằng, lượng gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng vọt, giá gạo xuất khẩu cũng tăng cao nhất trong vòng 4-5 năm qua.

Thực tế, trong hai tháng đầu năm 2020, Trung Quốc nhập hơn 66.000 tấn gạo, trị giá hơn 37 triệu USD, đứng thứ tư trong số các nước nhập gạo từ Việt Nam. Số lượng trên không phải nhiều nhưng tốc độ tăng trưởng (lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tới 594,5% so với hai tháng đầu năm 2019) khiến nhiều người nhầm tưởng lượng gạo xuất sang nước này rất lớn. 

Philippines đang là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất từ Việt Nam với trên 357.000 tấn trong hai tháng đầu năm, trị giá gần 155 triệu USD, tăng 13,4% về lượng và 23,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; Iraq đứng thứ hai với 90.000 tấn, trị giá gần 48 triệu USD; Malaysia đứng thứ ba với hơn 94.000 tấn, trị giá hơn 40 triệu USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, thời gian gần đây, Trung Quốc mua gạo từ Việt Nam nhiều hơn, có thể do nhu cầu lương thực từ nước này tăng sau thời gian chống chọi với dịch COVID-19, nhưng số lượng 66.000 tấn là không nhiều. Trước đây, có thời điểm Trung Quốc nhập cả trăm ngàn tấn/tháng. Hơn nữa, nước này chủ yếu nhập tấm, gạo nếp chứ không phải loại gạo thông thường nên không ảnh hưởng nhiều đến thị trường nội địa.

Mặt khác, theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù bị hạn, mặn, sản lượng lúa vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn xấp xỉ 11 triệu tấn (khoảng hơn 3 triệu tấn gạo), đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Năm nay, sản lượng lúa cả nước dự kiến khoảng hơn 43 triệu tấn, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu gạo trong nước, vẫn còn dư khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Theo số liệu từ VFA, giá gạo Thái Lan xuất khẩu cũng tăng mạnh từ 460-467 USD/tấn lên 470-495 USD/tấn, mức cao nhất trong hơn sáu năm qua. Tuy nhiên, hạn hán tại nhiều vùng canh tác của Thái Lan khiến nhiều nhà máy xay xát từ chối bán ra do không chắc chắn về nguồn gốc. Điều này có thể khiến gạo Việt Nam càng thêm được giá.

Quyết định ngưng xuất khẩu gạo có thể khiến người trồng lúa lo lắng, bởi giá lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trong nhiều ngày qua. Việc ngưng xuất khẩu có thể dẫn đến việc các đầu mối ngưng thu mua và giá có thể sụt giảm.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Trung, việc tạm ngưng xuất khẩu gạo sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả, vì yếu tố quyết định giá là thị trường lúa gạo thế giới. Hơn nữa, nếu một vài tuần tới, dịch bệnh COVID-19 được khống chế, các hoạt động sản xuất, thương mại được khôi phục, có thể hoạt động xuất khẩu gạo cũng sẽ trở lại bình thường. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI