Sổ tay:

Quyền lực ảo, trả giá thật

12/05/2025 - 13:45

PNO - Ngày 8/5, Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Lê Việt Hùng (trú tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hùng cũng là chủ các kênh Facebook và TikTok thường xuyên đăng tải các clip với nội dung thể hiện sự chống đối với lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.

Từ đầu năm 2025 đến nay, hàng loạt tiktoker đình đám đã lần lượt bị xử lý hình sự. Mai Văn Dưỡng - chủ kênh “Dưỡng Dướng Dường phong thủy” - bị khởi tố vì lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) bị bắt vì sản xuất hàng giả là thực phẩm. Bùi Phương Nam (Nam Birthday) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Giang (Hưng Yên) khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra hành vi chống người thi hành công vụ. Đậu Thị Tâm - chủ tài khoản TikTok, Facebook “Đậu Thanh Tâm” - thường đăng các video clip có nội dung xuyên tạc, bịa đặt việc khám, chữa bệnh của một số bệnh viện tại Hà Nội; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan chức năng và lãnh đạo các cấp... - bị Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam để điều tra. Điểm chung của họ là lạm dụng niềm tin của cộng đồng mạng để trục lợi, thao túng dư luận, thách thức pháp luật.

Tiktoker bị bắt
TikToker Lê Việt Hùng vừa bị khởi tố,bắt giam. (Ảnh: Bộ Công an)

Những cá nhân này thường bắt đầu từ các video đời thường, chia sẻ trải nghiệm cá nhân, tâm sự, bình luận thời sự… Khi lượt theo dõi tăng lên, họ dần tin rằng mình “có tiếng nói”, có thể định hướng xã hội, vượt trên pháp luật hay thao túng cơ quan chức năng. Từ phát ngôn lệch chuẩn, họ trượt dài trong ảo tưởng.

Điều nguy hiểm là những nội dung ngông cuồng ấy không chỉ dừng lại ở những clip vài phút. Nó ảnh hưởng thật đến nhận thức người xem, đặc biệt là nhiều người trẻ thường xem TikTok, YouTube… như “giáo trình đời sống” để học cách ứng xử, yêu đương, làm đẹp, mua sắm, chăm sóc sức khỏe…

Các nội dung sai sự thật, quảng cáo lố, bôi nhọ người khác chẳng những vi phạm pháp luật mà còn đe dọa nền tảng đạo đức xã hội, bóp méo nhận thức và kích động hành vi lệch chuẩn. Hệ lụy không chỉ là cá nhân sai phạm mà là niềm tin công chúng bị đánh cắp, hình ảnh, uy tín cơ quan công quyền bị bóp méo, danh dự người dân bị xúc phạm công khai.

Việc cơ quan chức năng liên tiếp khởi tố, bắt tạm giam các tiktoker trên còn là động thái kịp thời nhằm thiết lập lại trật tự trên không gian mạng. Dư luận đồng tình và xem đây là hồi chuông cảnh tỉnh cần thiết cho giới sáng tạo nội dung: sức ảnh hưởng càng lớn, trách nhiệm càng cao chứ đó không phải quyền lực để lạm dụng.
Đã đến lúc cần những chế tài mạnh hơn nữa để ngăn ngừa, xử lý hậu quả các sai phạm nói trên. Việc sửa đổi luật, siết chặt quản lý nội dung, minh bạch hóa quảng cáo và nâng cao trách nhiệm nền tảng mạng xã hội là điều cấp thiết.

Bên cạnh đó, mỗi người dùng mạng xã hội cũng cần tỉnh táo, đừng nhấp vào để tăng lượt xem cho những nội dung lệch chuẩn, phản cảm chỉ vì tò mò hay giải trí.

Nguyễn Thị Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI