Quy Nhơn hay Qui Nhơn?

31/08/2020 - 07:14

PNO - Chính quyền tỉnh Bình Định vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cho điều chỉnh tên thành phố Qui Nhơn thành Quy Nhơn. Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chuyện này.

Có người cho rằng: “Nếu viết Qui thì phải đọc thành cui, không phải quy nữa”. Ý kiến này không đúng, nó không giải thích được tại sao thúy và thúi chẳng hạn, đọc khác nhau, còn quy hay qui thì ai cũng đọc như nhau. 

Lý do thực ra đơn giản: trong thúy, thì âm đệm u được đánh dấu bằng y, do đó nếu viết i thì người đọc sẽ đọc thành thúi, tức u là âm chính, chứ không phải âm đệm. Còn trong qu, âm đệm u được đánh dấu bằng q. Như thế, nếu ở thúy, âm đệm chỉ có một lần đánh dấu (bằng y), thì ở quý, âm đệm được đánh dấu hai lần (bằng y và bằng q). Nếu bớt đi việc dùng y để đánh dấu âm đệm (tức là viết qui, chứ không phải quy) thì vẫn còn chữ q cho thấy u là âm đệm, để phát âm không nhầm quí với cúi.

Nói cách khác, viết quy hay qui chỉ là chuyện chữ viết, chứ không thành vấn đề về ngữ âm, như trường hợp thúy/thúi. Nói tóm lại, khi sự khác biệt về chữ không tạo ra sự khác biệt về âm, thì mới có tranh cãi về chữ viết.
Nhưng việc tỉnh Bình Định đề nghị viết Quy Nhơn thay Qui Nhơn, thì không phải là chuyện ngôn ngữ học, mà là chuyện hành chính.

Quy Nhơn hay Qui Nhơn?
Quy Nhơn hay Qui Nhơn, cần một quy định cấp quốc gia về chính tả trong văn bản hành chính

Quả vậy, tại Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 8/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, thì tỉnh Bình Định có đơn vị hành chính cấp huyện là Qui Nhơn, trong khi trước đó các văn bản của nhà nước (Quyết định số 41/HĐBT, ngày 24/8/1981 và quyết định số 81/HĐBT ngày 3/7/1986) đều ghi là Quy Nhơn.

Điều đáng nói là đối với trường hợp tương tự, ngay trong Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg có cả cách viết y lẫn i: 
39 trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong 21 tỉnh, thành được viết với y, như H. Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An), xã Đồng Quý (tỉnh Tuyên Quang), P. Tân Quý (TP.HCM), thị trấn Quy Đạt (tỉnh Quảng Bình)… và 11 trường hợp ở 8 tỉnh, thành viết i, như H. Phú Quí (tỉnh Phú Yên), xã Qui Hướng (tỉnh Sơn La)… Có khi sự không nhất quán đó thể hiện ngay trong cùng một tỉnh: ở tỉnh Tuyên Quang, có xã Đồng Quý, nhưng lại có xã Quí Quân; ở tỉnh Thanh Hóa, có các xã Cẩm Quý, Hoằng Quỳ, Hoằng Quý, Hóa Quỳ, Xuân Quỳ nhưng lại có xã Quí Lộc.

Có người cho rằng đây là tên riêng, nên “phải tôn trọng”. Quả là phải “tôn trọng” tên riêng: tên tôi là Quy, đó là tài sản của riêng tôi, không có lý do gì mà buộc tôi phải viết thành Qui. Đó là chưa kể nếu anh gửi tiền cho tôi qua ngân hàng, mà ghi tên tôi là Qui, thì rất có khả năng ngân hàng không cho tôi nhận tiền. Tuy vậy, đó là tên người. Còn nếu tên riêng là địa danh thì Nhà nước hoàn toàn có quyền quy định viết như thế nào.

Việc xử lý Quy Nhơn hay Qui Nhơn cần đặt trong tổng thể 50 trường hợp không nhất quán y/i trên đây. Có thể thấy người soạn thảo văn bản cấp quốc gia hoàn toàn không có ý thức về quy tắc chính tả có liên quan đến cách viết y/i, dẫn đến việc xử lý không nhất quán như trên. Do đó, cần một quy định cấp quốc gia về chính tả trong văn bản hành chính để tránh những sự cố tương tự.

Tiếc thay, cho đến nay, mới chỉ có văn bản cấp bộ, mới nhất là Quyết định số 1989/QĐ-BGDĐT ngày 25/5/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có đề cập vấn đề viết y/i đối với tên riêng với chỉ một câu: “Trường hợp âm tiết chứa âm i là tên riêng thì viết theo đúng tên riêng đó, ví dụ: bản Vy, Vi Văn Định, Nguyễn Vỹ, Thy Ngọc...”.

Như thế, quyết định này một mặt có phạm vi hiệu lực rất giới hạn (chỉ áp dụng trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông), mặt khác do không phân biệt nhân danh và địa danh, nên rất khó áp dụng ở cấp quốc gia. 

PGS-TS Hoàng Dũng

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI