Quay về nơi nền văn minh nhân loại mới bắt đầu

06/05/2024 - 07:17

PNO - Indonesia là đất nước được tạo thành từ hàng ngàn hòn đảo, nhiều sắc tộc và vô số truyền thống. Sự đa dạng, phong phú về văn hóa của quần đảo vẫn được gìn giữ ở nhiều làng quê trên cả nước, trong đó có làng cổ Wae Rebo hơn trăm năm tuổi.

Làng Wae Rebo gồm những ngôi nhà lợp cọ, hình nón, cao 15m
Làng Wae Rebo gồm những ngôi nhà lợp cọ, hình nón, cao 15m

Làng cổ Wae Rebo nằm trên đảo Flores, Indonesia, ở độ cao 1.100m so với mặt nước biển. Để đi đến nơi, cách duy nhất là cuốc bộ 3-4 tiếng. Nhưng trước khi đến được làng Denge để đi bộ vào làng Wae Rebo, du khách phải đi ô tô 7-8 tiếng xuất phát từ thị trấn cảng nổi tiếng Labuan Bajo. Đường đi có một số đoạn rất xấu. Thế nhưng, vượt qua hành trình vất vả ấy, hiện ra trước mắt du khách là ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà hình nón nằm ẩn mình giữa lớp màn trắng mờ ảo của những đám mây.

Wae Rebo là một trong nhiều ngôi làng của người Manggarai nhưng là ngôi làng duy nhất được xây dựng theo phong cách Mbaru Niang truyền thống còn sót lại. Nhờ bảo tồn tốt, Wae Rebo đã được UNESCO trao giải thưởng Di sản châu Á - Thái Bình Dương về Bảo tồn Di sản Văn hóa vào năm 2012. Đến thăm làng Wae Rebo, du khách sẽ có cảm giác như đang du hành ngược thời gian, quay về nơi nền văn minh nhân loại mới bắt đầu.

Những ngôi nhà trong làng được bố trí theo hình bán nguyệt. Thiết kế hình nón biểu thị sự đoàn kết của người dân vì nó bắt đầu từ một điểm chung và lan rộng ra. Nhà được lợp bằng vỏ cây cọ. Màu xám đen của cọ phản ánh tuổi của ngôi nhà. Nhiều thế kỷ trước, đây từng là một trong những loại nhà phổ biến nhất. Tuy nhiên, ngày nay, Wae Rebo là nơi duy nhất còn tìm thấy loại nhà này.

Cận cảnh một ngôi nhà
Cận cảnh một ngôi nhà

Mỗi ngôi nhà là nơi ở của 6-8 gia đình. Họ sống cạnh nhau trong những căn phòng nhỏ liền kề ngăn cách bằng rèm để tạo sự riêng tư. Các gia đình dùng chung lò sưởi lớn được xây giữa sàn và những chiếc trống thiêng treo phía trên. Trống là phương tiện để người dân giao tiếp với linh hồn tổ tiên. Mỗi nhà gồm 5 tầng. Tầng đầu tiên là nơi sinh sống. Tầng thứ hai là nơi cất giữ vật dụng và hàng hóa. Tầng thứ ba chứa hạt giống. Tầng thứ tư dự trữ lương thực và tầng thứ năm là nơi cúng kiếng.

Làng chỉ có khoảng 1.200 người, sống bằng nghề bán các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, vani và quế trồng quanh làng. Nơi đây, sắn và ngô là nguồn thức ăn chính còn cà phê là mặt hàng quan trọng đối với sinh kế. Cà phê Arabica là đặc sản của làng. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngửi và nhâm nhi một tách cà phê Arabica giữa không khí se lạnh, ngắm nhìn khung cảnh tuyệt vời của những ngọn đồi và thung lũng. Nửa đêm thức dậy, ngồi bên một tách cà phê nóng và ngước nhìn bầu trời đêm có lẽ là cách tuyệt vời để tận hưởng buổi tối không điện, không sóng điện thoại, không internet. Điện ở làng chỉ thắp sáng từ 18g đến 22g. Du khách đến đây đúng nghĩa được rời xa thế giới văn minh, tìm đến chốn bình yên.

Du khách đến làng sẽ trải qua nghi lễ chào đón do trưởng làng tổ chức và đóng góp một số tiền tượng trưng (1-2 USD) cho buổi lễ này. Tiền thu được chuyển vào quỹ do các thành viên cộng đồng quản lý để duy trì nhà cửa và khuôn viên, tài trợ việc học hành của trẻ em, duy trì lương hưu cho người già… Nếu đến vào ngày 15 và 16/11 hằng năm, du khách sẽ có dịp chứng kiến lễ hội Penti - một buổi lễ quan trọng với người dân bản địa, nhằm tạ ơn Chúa ban cho mùa màng bội thu và cầu mong một năm mới thịnh vượng, sức khỏe dồi dào.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsaigonanvatvi /strCate=saigonanvat
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEangididauvi /strCate=angididau