Quận 12 dùng rô-bốt quản lý hành chính?

25/03/2018 - 07:48

PNO - Thông tin UBND Q.12 sắp có rô-bốt tự động trả lời thắc mắc về thủ tục hành chính tạo nên những luồng ý kiến trái chiều, trong đó có ý kiến lo ngại, rô-bốt không phù hợp thay thế cán bộ trong làm việc với người dân.

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó chủ tịch UBND Q.12. Ông Tú cho biết:

Quan 12 dung ro-bot quan ly hanh chinh?
Cán bộ Q.12 đang giải quyết hồ sơ nhà đất

- Ô Thực ra, thông tin như trên là chưa đầy đủ. Việc hướng dẫn, hỗ trợ thông tin và tiếp nhận, trả hồ sơ hành chính vẫn do cán bộ công chức đảm trách. Chúng tôi chỉ đang thử nghiệm ứng dụng “trả lời tự động qua giao diện tin nhắn nhanh” (chatbot), được tích hợp trên trang mạng xã hội Facebook để trả lời nhanh chóng các thắc mắc về thủ tục hành chính.

Chatbot là một ứng dụng trả lời tin nhắn tự động, khá quen thuộc trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm… nhưng còn khá mới mẻ trong lĩnh vực quản lý hành chính. Ưu điểm của ứng dụng này là có thể trả lời (bằng tin nhắn) ngay lập tức những thắc mắc đơn giản của người dân, chẳng hạn như “hồ sơ cần nộp khi đăng ký hộ kinh doanh”, “thời gian thụ lý hồ sơ”, “dịch vụ công trực tuyến”... Ban đầu, chúng tôi tập trung vào hướng dẫn hồ sơ thủ tục hành chính, về sau mới bổ sung nhiều thông tin khác với mục tiêu hạn chế tối đa sự phiền hà cho người dân.

- Nếu chỉ hướng dẫn hồ sơ thủ tục hành chính đơn giản, người dân có thể tra cứu thông tin trên Google, liệu có cần đến chatbot?

- Ô Tất nhiên, mọi thứ đều có thể tra cứu trên trang Google, nhưng thông tin mà chúng ta nhận được rất rối rắm, người dân không thể biết được đâu là thông tin chính xác, được cập nhật gần đây nhất. Nếu sử dụng chatbot thì người dân sẽ nhận được thông tin vừa chính xác, kịp thời, vừa tiết kiệm thời gian. Thực tế thì thông tin trên chatbot đang chạy thử nghiệm, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân. 

- Liệu ứng dụng mới này có giúp rút ngắn hành trình ngược xuôi bổ sung hồ sơ hành chính hay không, khi mà vẫn còn tình trạng “dưới chỉ lên, trên chỉ xuống”?

- Ô Thực tế, ứng dụng này chỉ giúp công khai, minh bạch thông tin thủ tục hành chính, còn hành trình ngược xuôi của người dân vẫn phụ thuộc vào cách xử lý của cán bộ.

Để hồ sơ thủ tục hành chính được hoàn chỉnh nhanh chóng, không bị dồn ứ, người dân không phải chờ đợi lâu, chúng tôi đã tổ chức lực lượng Đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ người dân tại trụ sở hành chính quận, hướng dẫn lấy số thứ tự, hoàn chỉnh hồ sơ, truy cập internet miễn phí, tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến… Việc này cũng giúp hạn chế nạn “cò” ở nơi tiếp nhận hồ sơ.

Chúng tôi cũng đã chấn chỉnh một số bất cập trong cách tiếp nhận hồ sơ. Trước đây, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tách biệt với bộ phận chuyên môn xử lý hồ sơ thủ tục hành chính (quản lý đô thị, môi trường…). Cách làm này gây kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân.

Nay, chúng tôi phân công cán bộ tại các phòng ban chuyên môn luân phiên xuống tiếp nhận hồ sơ theo lĩnh vực phụ trách để hướng dẫn tốt hơn, giải quyết hồ sơ nhanh hơn. Ngoài ra, chúng tôi thấy rằng, việc niêm yết các biểu mẫu hành chính đôi khi lại chỉ mang tính hình thức; thực tế, người dân ít khi đọc các biểu mẫu, thậm chí có đọc cũng không biết điền thế nào cho đúng. Vì vậy, chúng tôi vừa đưa các biểu mẫu, vừa có lực lượng hỗ trợ để việc hoàn chỉnh hồ sơ nhanh chóng và dễ dàng hơn. 

- Phải chăng khi được chọn thí điểm xây dựng đề án “Đô thị thông minh” thì Q.12 mới triển khai kế hoạch đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính?

- ÔKhông đâu. Việc đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin là việc làm xuyên suốt của chúng tôi từ nhiều năm qua. Trước khi có đề án “Đô thị thông minh”, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp chính quyền điện tử, trong đó có ứng dụng HCMC One được tích hợp trên điện thoại thông minh (smartphone).

Với ứng dụng này, người dân có thể phản ánh và góp ý với chính quyền về an ninh trật tự, hạ tầng giao thông, môi trường, trật tự đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm, hành chính công, đánh giá cán bộ... bằng thao tác gửi ảnh và lựa chọn nội dung phản ánh; HCMC One sẽ tự định vị sự cố, chuyển cho bộ phận phụ trách xử lý.

Ngoài ra, từ giữa năm 2016, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện việc số hóa dữ liệu công dân quận 12 để phục vụ công tác quản lý dân cư, hình thành và khai thác cơ sở dữ liệu về lưu trú và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tiến tới quản lý công dân bằng mã định danh.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính là điều rất đáng hoan nghênh. Nhưng người dân cũng mong chờ sự thay đổi trong thái độ phục vụ của cán bộ vì chính cán bộ là người trực tiếp làm việc với người dân chứ không phải máy móc. Ông nghĩ sao về điều này?

- Chúng tôi rất xem trọng vấn đề này và có nhiều nỗ lực để công tác tiếp dân ngày càng tốt hơn. Tất nhiên, việc ban hành “bộ quy tắc ứng xử của cán bộ” là cần thiết, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào ý thức của mỗi cán bộ công chức.

Vì vậy, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đồng thời cũng giúp cán bộ tự hóa giải căng thẳng trong công việc. Ngoài ra, chúng tôi cũng có hệ thống camera giám sát, có ứng dụng đánh giá cán bộ công chức để tạo nên những thay đổi tích cực nhất. 

Xuân Lộc (thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI