Pinocchio (2022): Câu chuyện cảm động về tình cha con khiếm khuyết, sự sống và cái chết

27/02/2023 - 22:18

PNO - Một câu chuyện thuyết phục về người cha đau khổ và đứa con lệch chuẩn, và việc chúng ta trở thành người khi chấp nhận rằng một ngày rồi sẽ chết.

 

Với một tác phẩm thiếu nhi văn học Ý có đến 48 phiên bản chuyển thể, sức sống mới nào từ bộ phim stop-motion trên Netflix của vị đạo diễn lừng danh gốc Mễ lại thu hút đông đảo khán giả trên thế giới đến vậy? Câu trả lời nằm ở thông điệp thân thuộc được triển khai với màu sắc kinh dị, đầy những đau đớn nhưng nhiều cảm xúc và giá trị nhân văn. Một câu chuyện thuyết phục về người cha đau khổ và đứa con lệch chuẩn, và việc chúng ta trở thành người khi chấp nhận rằng một ngày rồi sẽ chết.  

Khi đứa con trai là sự cứu rỗi cho cuộc đời người cha 

Tình cha con nhiều rạn nứt giữa Geppetto và Pinocchio
Tình cha con nhiều rạn nứt giữa Geppetto và Pinocchio

 Điều gì hấp dẫn đằng sau câu chuyện mang hơi hướm cổ tích: một lão thợ mộc gọt đẽo ra chú bé người rối và nó có được sự sống lạ kỳ để trở thành con trai ông, nhưng ông lại không dạy bảo được nó bất cứ điều gì về thế giới, mà để cậu rối trải qua bao sai lầm, khoảnh khắc sinh tử để rồi chính nó phải ra tay cứu ông khi cả hai rơi vào bụng cá? Câu trả lời nằm ở đoạn cuối: cách cậu bé chấp nhận mọi nguy hiểm cha mình - người đáng ra phải đánh đổi cả tính mạng để cứu con trai trước. Dù ở bất kỳ phiên bản chuyển thể nào, Pinocchio vẫn mê hoặc người đọc hay người xem qua tình tiết này. Một câu chuyện mang motif siêu nhân dành cho bao đứa bé trai, nhưng lại lý thú khi nó được kể vào năm 1883, bởi một nhà văn - nhà báo người Ý và sau đó được đưa màn ảnh, khiến người xem luôn hồi hộp theo dõi: giữa cái không gian biển mênh mông, hai cha con làm cách để thoát khỏi bụng cá? Và rồi khoảnh khắc kỳ diệu ở đoạn kết của tiểu thuyết và phim Disney: Bà Tiên Xanh cầm đũa hoá phép cho Pinocchio thành người, và cậu vui sướng hát ca không ngớt.

Vẫn đi theo trình tự câu chuyện như trên, nhưng Pinocchio của Guillermo del Toro lại có sự sáng tạo riêng biệt. Một lão thợ mộc cộc cằn và nát rượu sau cái chết của cậu con trai ngoan ngoãn độc nhất trên đời trong bối cảnh Thế chiến Thứ nhất. Trong một đêm say khướt, ông tạo ra cậu rối Pinocchio trong sự giận dữ và nghỉ tay để chờ hôm sau làm tiếp, nhưng chưa kịp trở tay thì Vị Thần Sự Sống đã ban phép màu để cậu sống động, với lời gởi gắm “hãy bù đắp những ngày tháng đau khổ của ông lão.”

Và tình huống trớ trêu mà nhà làm phim “The Shape of Water" tạo nên cho cậu con trai mới của Geppetto: một chú rối không hoàn hảo như cậu con trai quá cố Carlo của ông nhưng lại gánh vác nhiệm vụ cứu rỗi tâm hồn ông. Một chú người rối bước đến nhà thờ làm náo nhiệt buổi cầu nguyện bằng câu hỏi tại sao mình thờ Chúa, khác với người anh yểu mệnh mải mê nhìn ngắm vẻ đẹp của tượng gỗ Chúa để rồi về với Chúa khi trận bom giáng xuống nhà thờ. Nhưng đến phân cảnh tên chủ rạp xiếc cố treo cậu lên giàn cột gỗ để đốt, tư thế mà cậu bị y cột lại lại giống với hình ảnh Chúa Jesus bị treo trên cây thập tự. Bằng một cách nào đó, del Toro dùng tôn giáo của ông - Công giáo để kể câu chuyện thiếu nhi theo cách riêng của mình.  

Sự hấp dẫn của câu chuyện về chú người rối còn nằm ở Geppetto. Chúng ta đều biết một đứa trẻ được sinh ra từ tinh tuý của người cha và người mẹ, nhưng chỉ có người mẹ mới là người trực tiếp chịu đau đớn để sinh đứa trẻ đó. Nhưng trong câu chuyện thiếu nhi có phần kinh dị này, người đàn ông lại trực tiếp tạo đứa trẻ, dù không phải bằng sự yêu thương trìu mến mà là một cú “trót dại". Trong sự xoay chuyển đột ngột đến vậy, làm sao một con người vẫn ám ảnh với quá khứ có thể chuẩn bị trước? Làm sao ông có thể tự phá “cái khuôn" mà ông đã có trước đó với đứa con trai quá đỗi hoàn hảo, gắn với những ký ức và món đồ hoàn hảo được?

Sự xuất hiện của Pinocchio là như thế: nhỏ bé, dị biệt nhưng tồn tại là để “phá cái khuôn” đấy. Mà nghịch lý ở đây: tự bản thân nghề thợ mộc đã là việc tạo ra rất nhiều cái khuôn, nó khác với việc sinh ra một con người. Và một sản phẩm từ gỗ tự bản thân phản ánh hết những kỳ vọng và cái thần của người thợ vào đó. Nhưng trớ trêu thay cậu người rối lại chẳng sở hữu bất kỳ cái thần và kỳ vọng của Geppetto.

Tuy nhiên, câu chuyện giữa lão thợ mộc và chú người rối ấy lại phảng phất với tình yêu thương giữa một người đàn ông và đứa bé trai bằng xương bằng thịt ở ngoài đời: người cha yêu thương và chiều chuộng đứa con trai thường khác với đứa bé gái, vì đứa trẻ là sự phản chiếu hình ảnh nghịch ngợm của họ thời thơ bé, là phản ảnh của tính cách, khát khao và kỳ vọng mà họ in lên người đứa trẻ. Nói cách khác, họ cưng nựng nó cũng là cách cưng nựng chính mình. Khi đứa bé thoát khỏi hình bóng họ hằng ảo tưởng, hay như trong phim, Pinocchio thoát khỏi tất cả mọi “cái khuôn" hoàn hảo - cái khuôn Carlo thì dĩ nhiên người cha chỉ có thể thấy đó là mớ thực thể nặng nề đeo đuổi quanh ông.

Trong bài phỏng vấn về lý do chuyển thể Pinocchio trên Telegraph, del Toro nhận định việc làm phim phản ánh “rất nhiều về những lần thất bại trong mối quan hệ của tôi với cha mình, và những thất bại khi bản thân là một người làm cha". del Toro ấp ủ bắt tay với Pinocchio từ khi cha ông qua đời. Và đạo diễn người Mễ đã thành công khi thể hiện sự đứt gãy ở tình cha con giữa người với rối, cũng như người với người. Đầu tiên là giữa Geppetto với Pinocchio, và sau đó giữa cặp cha con Podesta và Candlewick - người cha tạo cái khuôn cho con mình, và đứa con phải ép mình vào khuôn đấy. Và khi cả hai đứa đều không chịu được cái khuôn ấy nữa thì chúng chọn phản kháng và đối chất về công trình họ đang cố làm lên chúng, dẫn đến sự rời xa để cứu lại chính mình.

Chỉ đến khi Pinocchio ra đi, Geppetto mới nhận ra mình không cần tượng Chúa hay Mặt Trời để che chở ông nữa. Và rồi ông ra biển khơi chui vào bụng quái vật biển để đi tìm con trai. Phân cảnh Pinocchio cứu lấy cha, dù ở bất kỳ phiên bản chuyển thể nào vẫn là thứ đáng trông chờ nhất với khán giả khi xem. Một câu chuyện nghịch lý nhưng lại lý thú. Lý thú vì cha vốn là người tạo ra con, nhiệm vụ thông thường của cha là bảo vệ con trước thế giới xấu xa này. Trong bản thân câu chuyện, tự thân ông lão Geppetto đẽo gọt đứa con mình từ cái khuôn, từ vốn kiến thức mình sẵn có, chứ không phải nhờ một người phụ nữ nào khác mang nặng đẻ đau. Tự thân việc gọt đẽo vốn là sự kỳ công, đau đớn và mệt mỏi rã rời, và khi một chú người rối được tạo ra - chú đã mang sẵn “cái khuôn" và phản chiếu lại những tâm huyết, linh hồn người thợ mộc kiêm nghệ sĩ tạo ra. Thế nhưng điều ông Geppetto không lường tới là đứa con thoát khỏi cái khuôn mà ông tạo ra. Và câu chuyện cứu cha vẫn lôi cuốn người đọc ở điểm đó - một câu chuyện siêu nhân được kể theo cách riêng biệt, một người cha có cái khuôn bất lực khi rơi vào bụng cá, và một đứa bé học cách phá cái khuôn mà người cha tạo ra. Khi một đứa trẻ vượt ra khỏi cái khuôn có sẵn - những đẽo gọt, người chế tạo nó phải nhìn thẳng vào bản chất của nó, vào “cái khuôn" mà nó tạo ra cho nó - cái mũi dài để cứu ông, vào trái tim thực sự của nó. Nhưng thực chất để đạt cảnh giới ấy, việc người cha ra đi cứu con tự thân đó cũng là cách ông phá cái khuôn ru rú ở một chỗ của mình. Cha cuối cùng tự cứu mình và về với con. Họ đều phá đi cái khuôn bên ngoài để nhìn vào bên trong, và thực sự thành cha con của nhau.

Hữu tử để hiểu ý nghĩa sự sống và sự yêu thương 


 

Trong bộ phim kể về quá trình làm Pinocchio trên Netflix, del Toro đã chia sẻ trước màn hình rằng khán giả có thể xem phim này cùng Devil's BackbonePan's Labyrinth. Cả ba đều mang câu chuyện về việc tâm hồn thuần khiết của một đứa trẻ bị đem ra kiểm chứng trước biến cố và nó đã quay lại đối diện với nó bằng một mặt mạnh mẽ khác của mình. Trong Pan's Labyrinth, Ofelia đối diện một lần cận tử và may mắn trốn thoát, nhưng sau đó khi đối diện với viên đại uý, cô bé chấp nhận cái chết để bảo vệ cậu em trai mình, và để công lý được thực thi. Trong Devil's Backbone, Carlos và Jaime chọn trụ lại căn nhà cháy để chiến đấu trước Jacinto - kẻ sát nhân của trại trẻ mồ côi bất kể bao người thiệt mạng dưới bàn tay hắn. Cho trẻ con hiểu về cái chết đã là suy nghĩ thú vị, và những đứa trẻ đối diện với việc chết, hy sinh thân mình cho người khác lại có nét anh hùng - không chùn bước nhưng vẫn hồn nhiên.

Tuy nhiên, cả ba đều sở hữu điểm chung đặc sắc khác: những đứa trẻ đều có những trải nghiệm sém chết, cận tử và chứng kiến những cái chết trước mặt mình. Cái chết của những nhân vật trong Devil's Backbone lại nhuốm màu tàn khốc. Cái chết của Ofelia trong Pan's Labyrinth là một cái chết đẹp. Và với Pinocchio, del Toro đã nâng tầm câu chuyện về việc đối diện cái chết của đứa trẻ lên một tầm mới. 

Nếu cái chết trong Pinocchio bản gốc là sự thức tỉnh về lương tri để yêu cầu được sống của một đứa trẻ “tội lỗi". Thì việc 3 lần cậu bé đối diện với Vị Thần Cái Chết - mỗi lần cái chết đều đang một màu khác nhau - là cách cậu từ từ nhận thức thời gian là hữu hạn, hiểu rõ bản chất bất tử trong thân xác gỗ và cuối cùng giá trị của cuộc đời là cái hạn đấy - ra đi để vòng đời tiếp diễn. Cái chết trong phim vừa có sự đẹp đẽ, giải thoát, thảm khốc và có cả nuối tiếc.

Và chỉ khi chết, con người mới tìm thấy sự sống và yêu thương. Như Geppetto và chú dế Sebastian học được cách chấp nhận con người thật của cậu, và hiểu rằng “Memento Mori". Cái kết lắng đọng khiến khán giả hơi nhói về sự ra đi, nhưng sau đó vỡ oà về quy luật của cuộc sống, về sự hữu hạn của thời gian, và vòng đời mãi luân lưu.

 

Vĩnh Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI