Phụ nữ vô sinh có nguy cơ bị suy tim cao hơn

19/04/2022 - 13:16

PNO - Phụ nữ có tiền sử vô sinh tăng gần 20% nguy cơ bị suy tim, theo một phân tích dữ liệu của tổ chức Sáng kiến sức khỏe phụ nữ (WHI).

WHI là một dự án nghiên cứu sức khỏe dài hạn do Viện Tim, phổi và máu quốc gia của Mỹ (NHLBI) tài trợ. Trong một nghiên cứu tiền cứu, nhóm các chuyên gia do Emily S. Lau - một bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện đa khoa Massuchsetts, đồng thời là giảng viên y khoa tại Trường Y khoa Havard - dẫn đầu đã theo dõi sức khỏe của 38.528 phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh.

Phụ nữ có tiền sử vô sinh tăng gần 20% nguy cơ bị suy tim
Phụ nữ có tiền sử vô sinh tăng gần 20% nguy cơ bị suy tim

Những phụ nữ này tự khai báo vô sinh tại thời điểm đầu của quá trình nghiên cứu, và có độ tuổi trung bình là 63. Qua đó, các nhà nghiên cứu đã đánh giá mối liên hệ của vô sinh với nguy cơ suy tim tổng thể và suy tim ở các thể phụ.

“Vô sinh là một yếu tố sinh sản có nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch, nhưng lại thường bị đánh giá thấp, một phần là do có quá ít dữ liệu chính xác và toàn diện trong việc kiểm tra nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ có tiền sử vô sinh.

Trên thực tế, vô sinh ảnh hưởng đến hơn 14% phụ nữ ở Mỹ, và có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tổng thể khá cao, theo một số nghiên cứu, mặc dù đến nay vẫn chưa có sự nhất quán trong các dữ liệu chứng minh điều này”, các nhà nghiên cứu cho biết.

“Theo Cơ quan Đăng ký khai sinh y khoa Thụy Điển, những phụ nữ báo cáo vô sinh ít nhất 5 năm trước khi mang thai thành công có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn 19% so với những phụ nữ không có tiền sử vô sinh”, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.

Trong thời gian theo dõi trung bình 15 năm, 2.373 phụ nữ trong mẫu nghiên cứu phát triển chứng suy tim, trong đó 807 người bị suy tim giảm phân suất tống máu (HFrEF, còn được gọi là suy tim tâm thu), và 1.133 người bị suy tim phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF, còn được gọi là suy tim tâm trương).

Mối quan hệ giữa vô sinh và nguy cơ bị suy tim và và HFpEF vẫn tồn tại ngay cả sau khi bệnh nhân đã được điều chỉnh chứng kinh nguyệt không đều, mãn kinh sớm và bị bệnh tuyến giáp.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chứng suy tim tâm thu, việc điều trị tăng huyết áp, bệnh tiểu đường và tăng lipid máu (máu nhiễm mỡ) không có liên quan đến vô sinh. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa vô sinh và các yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch phổ biến.

Ersilia M. DeFilippis - tiến sĩ y khoa, chuyên gia cao cấp về bệnh suy tim tại Trung tâm y tế Irving thuộc Đại học Columbia, người không tham gia nghiên cứu - nhận xét rằng, những phát hiện nói trên cho thấy sự cần thiết phải tìm hiểu mức độ của nguy cơ bị suy tim theo giới tính, khi kết hợp với các yếu tố sinh sản khác, chẳng hạn như bệnh nhân có tiền sử tiền sản giật, bị tăng huyết áp trong thai kỳ và vô sinh.

“Ngoài việc đánh giá các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch truyền thống, cũng cần xem xét thêm những yếu tố khác, như độ tuổi mãn kinh, sự khó khăn trong việc thụ thai, số lần mang thai, những kết quả bất lợi khi mang thai, việc cho con bú và thời gian mãn kinh.

Ngoài ra, việc đánh giá rủi ro này cũng nên được lặp đi lặp lại, khi có thêm các thông tin cập nhật về sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Những hiểu biết theo một quá trình thời gian dài như vậy mới có thể giúp các bác sĩ đưa ra liệu pháp tối ưu cho việc chăm sóc sức khỏe tim mạch cho phụ nữ trong suốt cuộc đời của họ”, tiến sĩ DeFilippis khuyến nghị.

Nhất Nguyên (theo Healio)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI