Phụ nữ nước ngoài nói về ngày 8/3 ở Việt Nam

08/03/2021 - 13:06

PNO - Nhiều quốc gia trên thế giới không tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nên một số phụ nữ nước ngoài tỏ ra bỡ ngỡ với ngày này ở Việt Nam.

Phụ nữ là “siêu chiến binh”

Samantha Morgan chưa bao giờ mừng ngày Quốc tế Phụ nữ ở Úc, quê hương cô. Cô không biết nhiều về ngày này, thậm chí còn nghĩ 8/3 là một ngày lễ của riêng cho phụ nữ Việt Nam. Cô nghĩ rằng, phụ nữ Việt thật may mắn vì có ngày này. 

Samantha Morgan dạy ở Trường mầm non Kidzone Kindergarten ở P.Thảo Điền (TP. Thủ Đức). Từ sáu năm nay, vào ngày 8/3, cô đều tham gia lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ cùng các thầy cô và các bé trong trường. Samantha chia sẻ: “Năm nào, các bé cũng tự tay vẽ những gì mình yêu thích để trang trí thiệp tặng tôi. Các tranh vẽ thật ngộ nghĩnh và những lời chúc thật dễ thương. Năm nào tôi cũng đính những tấm thiệp này lên tường nên đến giờ, bức tường phòng tôi ngày càng kín những tấm thiệp”. 

 

Samantha Morgan với ngày 8/3 tại trường mầm non nơi cô dạy
Samantha Morgan với ngày 8/3 tại trường mầm non nơi cô dạy

Samantha nghĩ gì về ngày này? “Trong ngày này, phụ nữ Việt Nam đang được và bị “nuông chiều”. Họ được tặng hoa, quà và những buổi tối ở nhà hàng sang trọng. Điều này giống như một sự “lừa phỉnh” cho những gì họ chịu đựng vào những ngày khác trong năm”. Cô kể, đã chứng kiến rất nhiều hình ảnh nữ siêu chiến binh (wonder woman) trong cuộc sống hằng ngày phải gánh vô số áp lực để làm tròn bổn phận của mình. Họ bận rộn với công việc ở cơ quan nhưng lại tiếp tục chăm sóc con cái, nhà cửa từ sáng đến tối mà vẫn phải giữ ngoại hình cho vừa mắt chồng. 

“Đối với tôi, phụ nữ Việt là những người cần mẫn nhất, những chiến binh mạnh mẽ nhất, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn. Chứng kiến nhiều phụ nữ lớn tuổi vẫn phải còng lưng đẩy xe ve chai giữa trưa nắng gắt để mưu sinh, tôi thấy họ quá phi thường. Tôi thấy phụ nữ luôn phải vật lộn với sự phân biệt đối xử” - Samantha nhận xét. Chứng kiến một số thực tế đáng buồn khác, ở trường, Samantha dành nhiều thời gian để nói chuyện với các bé lớp Lá về quyền tự chủ. Cô chỉ cho các bé cách nói không khi người khác tiếp xúc quá gần mà mình không thoải mái. 

Năm nay, do dịch bệnh, trường mầm non nơi Samantha dạy không tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ hoành tráng như trước. Mỗi lớp, chỉ có buổi tiệc bánh giữa cô và trò cùng những câu chuyện cô đọc cho chúng về gương những phụ nữ trong lịch sử đã dám đứng lên đấu tranh chống lại những áp bức bắt nguồn từ sự phân biệt giới tính. Hành động của họ đã mở ra con đường cho phụ nữ ngày nay có cuộc sống hạnh phúc hơn. 

Samantha là một phụ nữ yêu thích mô tô địa hình, môn thể thao mà phái nam chiếm số đông. Cô cũng chia sẻ điều này với các em nhỏ và lồng vào mong muốn của mình rằng, khi lớn lên, chúng dám vượt qua định kiến “con gái không được làm điều đó”. Cô kể cho các bé về việc mình đã mừng ngày của phụ nữ theo cách riêng như thế nào. Chủ nhật trước ngày 8/3, cô đã dẫn một đoàn mô tô phân khối lớn gồm nhiều bạn nữ người Việt và người nước ngoài xuất phát từ TPHCM đến tỉnh Bình Dương. Cô gọi ngày này là “Wonder Women Work the Dirt Day”, tức là Ngày nữ siêu chiến binh chinh phục gió bụi. 

Chia sẻ với học trò, cô mong truyền cho các bé tính kiên định tạo ra những ước mơ riêng cho mình mà không e ngại rào cản giới tính. Samantha tin rằng, nhờ nền giáo dục ngày càng được cải tiến mà cuộc sống của phụ nữ đã được thoải mái hơn trước rất nhiều. Vì vậy, khi đứng lớp, cô cũng cố gắng tiếp tục vai trò này, giáo dục thế hệ tương lai bằng những mẩu chuyện đơn giản nhất về quyền bình đẳng. 

Mừng ngày 8/3 theo kiểu Kazakhstan ở Việt Nam

Dariya Kham ăn mừng ngày Quốc tế Phụ nữ cùng con gái bằng món quà bí mật mà cô đã chuẩn bị từ lâu. Sáng 8/3, con gái của cô nhận món quà được đặt ở đầu giường từ khuya hôm trước. Muốn con mình trân trọng giới tính mà mình được sinh ra, Dariya kể cho con về phong tục của quê hương Kazakhstan của mình trong ngày này.

Dariya Kham xem ngày 8/3 là dịp chia sẻ tình cảm  với người thân, đồng nghiệp nữ
Dariya Kham xem ngày 8/3 là dịp chia sẻ tình cảm với người thân, đồng nghiệp nữ

Dariya Kham xa gia đình và bạn bè, đến Việt Nam từ nhiều năm trước. Mỗi buổi sáng 8/3 hằng năm, qua tin nhắn, cô gửi cho mẹ và nhiều phụ nữ thân thiết những lời chúc nồng ấm để bày tỏ lòng yêu thương và nỗi nhớ đến họ. Ngày 8/3 là một ngày trọng đại ở Kazakhstan. Dariya chia sẻ: “Truyền thống kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ được khởi nguồn từ Liên Xô. Tuy Liên bang Xô Viết đã sụp đổ 30 năm trước, nhưng hiện nay, những nước ở khối này vẫn giữ truyền thống ăn mừng ngày của phụ nữ. Ở Kazakhstan, chúng tôi vẫn xem ngày này là ngày lễ quốc gia”.

 Theo thời gian, ngày 8/3 đã phai dần màu sắc tuyên truyền ban đầu. Hiện nay, ngày này trở thành một sự kiện để cùng chia sẻ tình yêu thương. Vào ngày này, mọi người chuẩn bị quà tặng cho những người phụ nữ thân yêu của mình. Đó là những người mẹ, người bà, người dì và con gái của mình. Ở trường học hay công sở, phụ nữ cũng trao quà cho nhau. 

Ngày này, cô cũng chuẩn bị quà cho con gái và bạn bè của mình ở TPHCM. Công ty nơi cô đang làm việc có tới 50 phụ nữ, cô và đồng nghiệp đã chuẩn bị quà để ai cũng nhận được niềm vui trong ngày này. Không chỉ vậy, Dariya còn mong muốn kèm theo thông điệp chia sẻ. Cô mang theo những hộp bánh cookies do các em gái cơ nhỡ trong nhà mở Little Rose Shelter làm để tặng đồng nghiệp. 

Dariya thấy cách người Việt Nam kỷ niệm ngày phụ nữ cũng giống ở nước cô. Nhưng ở Kazakhstan, phụ nữ thường dành món quà mà mình được tặng để chia sẻ cho người xung quanh. Là người thường xuyên làm từ thiện, cô luôn tìm cơ hội kể về việc mình làm để truyền cảm hứng cho mọi người. Cô cho hay, sẽ tặng lại quà mình nhận trong ngày 8/3 cho những ai cần.

“Tôi từng được tặng một bộ dụng cụ chăm sóc tóc và đã tặng nó cho dì mình. Tôi cũng tặng bộ kem dưỡng da mà dì tặng tôi cho một người bạn. Tôi thấy điều đó không có gì sai trái. Tôi sẽ không tích trữ nhiều thứ mà mình chưa cần trong khi có những người khác đang cần chúng” - Dariya cho rằng, đây là cách để ngày 8/3 ý nghĩa hơn.

Cô tâm tình: “Tôi nghĩ rằng, kỷ niệm đến từ giây phút mình tặng quà cho người mình quý mến. Đó là những giây phút chúng ta trao đi những tình cảm trân trọng. Những món quà ấy sẽ thay tôi nói lên tình cảm đến người thân và đồng nghiệp, đặc biệt là giúp con gái nhỏ của tôi hiểu và hạnh phúc khi được là phụ nữ”. 

Mỹ Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI