Phụ nữ Afghanistan có thể bị đánh đập chỉ vì cười nói lớn tiếng

08/08/2022 - 12:55

PNO - Phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan liên tiếp phải đối mặt với nhiều hạn chế hà khắc kể từ khi Taliban tiếp quản nước này cách đây một năm. Họ còn bị đẩy vào bước đường cùng khi rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính do khủng hoảng kinh tế.

 

 

 

Hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan phải liên tục đối mặt với những hạn chế khắc nghiệt nhất
Hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan liên tục đối mặt với những hạn chế khắc nghiệt nhất

Maryam (tên nhân vật đã được thay đổi), 10 tuổi, đang chuẩn bị kết thúc năm học lớp 6. Nhưng theo luật mới từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan, em phải chấm dứt con đường học hành trong vài tháng nữa.

Để có thể tiếp tục ở lại trường, Maryam đã lên kế hoạch… lưu ban. “Em không muốn trả lời đúng quá nhiều câu hỏi trong bài thi của mình. Em quyết định thi trượt để có thể học lại lớp 6”, Maryam chia sẻ.

Theo tờ The Guardian, Maryam chỉ là một trong hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan phải liên tục đối mặt với những hạn chế khắc nghiệt nhất do chính quyền Taliban áp đặt kể từ khi tiếp quản đất nước cách đây một năm. 

Họ không được học trung học. Đa số phải làm các công việc ngoài lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Khi ra ngoài, ngay cả khi chỉ đi trong một thời gian ngắn, họ buộc phải đi cùng với một người giám hộ nam, và phải che mặt ở nơi công cộng.

“Đã ba lần em chứng kiến cảnh phụ nữ bị đánh đập trong chợ. Một lần nọ, các cô gái bị đánh chỉ vì cười và nói lớn tiếng”, Farkhunda (tên nhân vật đã được thay đổi), 16 tuổi, kể lại. Em đã phải nghỉ học vào tháng 9 năm ngoái, và đang chống chọi với chứng trầm cảm.

Nền kinh tế Afghanistan đã sụp đổ sau khi nhiều nước áp đặt các lệnh cấm vận, và ngưng viện trợ, khiến nhiều người là trụ cột gia đình rơi vào cảnh thất nghiệp, đẩy phụ nữ và trẻ em vào đường cùng.

Gia đình của Sadar, người từng làm việc cho chính phủ trong lực lượng an ninh của Afghanistan, là một ví dụ. Sau khi bị chính quyền Taliban sa thải, vợ của Sadar phải ở nhà, trong khi anh tìm được một công việc lao động chân tay ở đường phố, nhưng chỉ được làm việc 1 ngày/tuần, với thu nhập 200 afghanis (khoảng 2 USD).

“Tôi chưa bao giờ làm việc này trong đời, và điều đó thật khó khăn đối với tôi, nhưng tôi cần phải cố gắng để lo cho gia đình. Hiện, chúng tôi thậm chí không có 1.000 afghanis trong nhà, trong khi mẹ tôi đang mắc bệnh tiểu đường, và chúng tôi không có tiền để mua thuốc cho bà ấy”, người cha có 4 con nhỏ buồn bã.

 Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI