“Pho sử” cho trăm năm

22/02/2023 - 10:30

PNO - Trong bộ bà ba đen, chiếc áo khoác xanh màu lính và chiếc khăn rằn quấn cổ, dì Tô Thị Tâm - ở khu phố 2, phường Tân Thới Nhất, quận 12 - xuất hiện trước hàng trăm đồng đội, đồng chí năm xưa và cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên.

Dì Tâm được mời đến dự lễ kỷ niệm 55 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 (do Hội LHPN quận 12 phối hợp Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến và Quận đoàn tổ chức) trong tâm thế người kể chuyện, thân tình và cởi mở. Ở tuổi 73, dù sức khỏe yếu, nhưng dì vẫn tranh thủ xuống hội trường để gặp gỡ từng cán bộ hội, ân cần trò chuyện.

Bà Tô Thị Tâm trong buổi giao lưu
Bà Tô Thị Tâm trong buổi giao lưu

Sinh ra trên quê hương Đại Lộc, Quảng Nam, nhưng sau năm lũ lụt Giáp Thìn (1964), cả gia đình dì dắt díu vào Sài Gòn. Tô Thị Tâm của tuổi 17 đã thoát ly, làm giao liên cho lực lượng vũ trang Phân khu 1, Sài Gòn - Gia Định.

Đến tuổi 18, dì vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, là nữ tổ trưởng tổ biệt động thành hoạt động tại chợ Tân Định. Ngụy trang thành những người bán báo, đậu hũ, cà rem, dì đi khắp phố nắm tình hình và cùng đồng đội lên kế hoạch cho các trận đánh. Cô gái 18 tuổi gan góc đã hoàn thành nhiệm vụ Mậu Thân. Nhưng đến năm 19 tuổi, trong một lần hành động, cô đã bị địch bắt. 5 năm bị giam cầm tại các nhà tù Thủ Đức, Chí Hòa, Côn Đảo, đòn roi nào cô gái ấy cũng từng nếm trải.

Bây giờ, dù già yếu nhưng cốt cách thì vẫn còn nguyên, bình dị mà quyết liệt, can trường. Cùng chồng, cũng là người lính biệt động năm xưa, dì Tâm dành nhiều tâm huyết cho người nghèo khó, gói ghém từng bao gạo, thùng mì, cuốn tập… mang đi tặng. 

55 năm kỷ niệm Mậu Thân cũng là 55 năm dì đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhìn lại quãng đời đã qua, dì hồn hậu: “Sinh ra trong lửa đạn, tôi đã được dạy trở thành một người lính. Ba tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, 2 người anh và em trai út lần lượt ra mặt trận, còn ở nhà má làm vách ngăn nuôi giấu cán bộ cách mạng. Tôi tin, nếu sống vào thời chúng tôi, các cháu bây giờ cũng sẽ hành động tương tự. Thanh xuân một lòng vì nước không có gì hối tiếc. Được mời dự buổi lễ này, tôi rất xúc động, bởi vì 2 lẽ: tôi nhớ đồng đội tôi, những người đang độ mười tám, đôi mươi đã hy sinh ngay trước mặt mình, và tôi tin vào lớp trẻ khi các cháu chịu ngồi lại lắng nghe người đi trước kể chuyện nghĩa là không bao giờ những năm tháng ấy bị lãng quên”. Dì Tâm khiến cả hội trường lặng đi. 

Chị Nguyễn Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp Thành, quận 12 - nói với chúng tôi, là một cán bộ hội thuộc thế hệ 8X đời cuối, chị trân trọng từng khoảnh khắc được gặp, được nghe các dì, các mẹ kể chuyện thời hoa lửa, bởi đó chính là những “pho sử” sống cho trăm năm, ngàn năm sau. Những buổi giao lưu trực tiếp này giúp hội thay đổi tư duy tuyên truyền. Sự xuất hiện của các “nhân chứng sống” trở về từ những cuộc chiến vệ quốc dễ chạm đến trái tim người nghe, từ đó thấm thía hơn những mất mát, hy sinh của ông cha và càng trân quý hòa bình. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI