Có những ngày không thể nào quên

20/02/2023 - 06:47

PNO - Ngày 17/2, Hội LHPN TPHCM tổ chức chương trình họp mặt, giao lưu các gia đình liệt sĩ, nữ cựu quân nhân, nữ cựu tù chính trị nhân kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968-2023). Cuộc hội ngộ sau 55 năm đã diễn ra rất xúc động.

Vẹn nguyên ký ức

“Hòa bình đã được gần 50 năm khiến tôi cảm thấy được khích lệ, hạnh phúc nhiều hơn. Càng hạnh phúc thì càng xúc động khi nhớ lại những đồng đội đã hy sinh. Tôi đã bất lực nhìn đồng đội và thủ trưởng của mình bị thương khi trong tay mình không còn 1 viên thuốc cầm máu, không còn 1 cuộn băng. Chúng tôi phải băng qua xác của các anh để tiếp tục bước tới hoàn thành nhiệm vụ” - bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) chia sẻ trong cuộc hội ngộ. 

Từ trái sang là các bà Vũ Minh Nghĩa, Trần Kim Cúc và Lê Hồng Quân - những nhân chứng sống của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968
Từ trái sang là các bà Vũ Minh Nghĩa, Trần Kim Cúc và Lê Hồng Quân - những nhân chứng sống của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Bà Nghĩa là nữ chiến sĩ duy nhất trong 15 chiến sĩ biệt động tham gia đánh dinh Độc Lập. Bà bùi ngùi nhớ lại: “Trong cuộc đời đi làm cách mạng, nguyện vọng của tôi là được cầm súng chiến đấu và lần này đã đạt được ý nguyện. Tuy nhiên, trước những nhiệm vụ quan trọng trong trận đánh lớn, tôi không khỏi lo lắng”. 

Đêm mùng Một - rạng sáng mùng Hai tết, 15 chiến sĩ biệt động đi trên 3 xe tải nhỏ và 2 xe máy tiến vào cổng sau dinh Độc Lập. Trận chiến đã diễn ra hết sức ác liệt nhưng đã không đạt được yêu cầu mong đợi, vì không nhận được tiếp viện theo kế hoạch. Trong tình thế khó khăn đó, chúng tôi đã bám chặt trận địa, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. 8 chiến sĩ hy sinh, số còn lại bị thương và sa vào tay giặc.

Ngoài dinh Độc Lập, các điểm đánh khác cũng diễn ra vô cùng khốc liệt. Nhắc lại, bà Lê Hồng Quân vẫn vẹn nguyên ký ức. Với vai trò là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Lê Thị Riêng, bà Quân đã tham gia đợt 1 của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân với 10 trận đánh, trong đó có trận phối hợp với lực lượng nội tuyến đánh vào một góc Quang Trung, giải phóng cho hơn 500 thanh niên bị bắt.

Sang đợt 2, Tiểu đoàn Lê Thị Riêng được giao nhiệm vụ cùng tiểu đoàn mũi nhọn hành quân từ ven đô đánh thọc vào quận Nhì (quận 1 ngày nay) - nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não của địch - và chi viện cho quận 4. 

Trận đánh kéo dài, ác liệt. Bà Lê Hồng Quân bị thương gãy xương cánh tay trái. Không để nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bà quyết định ở lại hút hỏa lực của địch để đồng đội rút lui. 

Nối tiếp trang sử hào hùng

Nối mạch hồi ức những ngày nổi dậy, bà Trần Kim Cúc xúc động kể lại: là một trong ba nữ chiến sĩ được phân công vận chuyển vũ khí chuẩn bị cho đợt 2 rồi được điều động về thành lập đội võ trang tuyên truyền phụ trách khóm 8 Cầu Kho, bà cũng trải qua những thời khắc đối diện cái chết. Thế nhưng, những lần may mắn thoát chết và bị bắt tù đày, được ở chung với nữ chiến sĩ cách mạng Lê Thị Riêng và bao tấm gương kiên trung đã truyền cho bà tinh thần tiến công cách mạng, chiến đấu và hy sinh. Đó cũng là sức mạnh để khi hòa bình lập lại, bà trở thành một cán bộ mẫn cán - nguyên Bí thư Quận ủy quận Tân Bình. “Sở dĩ tôi thoát chết khi tham gia cách mạng là do lòng tin của tôi đối với cách mạng rất lớn. Tôi tin đó là con đường chính nghĩa, chắc chắn sẽ thành công” - bà khẳng định. 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà cho các nữ cựu quân nhân, nữ cựu tù chính trị tham dự buổi họp mặt
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà cho các nữ cựu quân nhân, nữ cựu tù chính trị tham dự buổi họp mặt

Dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn chưa thôi trăn trở về sự phát triển của đất nước, của thành phố. “Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã qua và đây là giai đoạn kiến thiết đất nước, dù đường đi có khó khăn trắc trở, nhưng tôi mong các em hãy tin vào đường lối của Đảng. Thời kỳ các em bây giờ khác với chúng tôi ngày trước, điều kiện bây giờ đã tốt hơn nên chị em cần phải học tập không ngừng, dù làm công tác gì, kiến thức phải ngang tầm với dân. Phải xây dựng và lựa chọn mục tiêu để bám vào đó, kiên trì vượt qua khó khăn. Và trên hết, tôi mong mỗi cán bộ ngày nay phải rèn luyện phong cách, đạo đức của người cách mạng cho trong sạch để cùng với Đảng, Nhà nước phục vụ nhân dân” - bà Trần Kim Cúc nhắn nhủ.

Đáp lại sự kỳ vọng của một thế hệ vào sinh ra tử vì hòa bình và thống nhất đất nước, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TPHCM - khẳng định hành trang của thế hệ kế thừa chính là lòng yêu nước. “Với sự tin tưởng của các thế hệ đi trước, sự giao phó của Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng cháu xin hứa sẽ ghi nhớ sự hy sinh vô bờ bến của các bậc cha anh và cố gắng hết sức gìn giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp đó để quy tụ sự đoàn kết của cả dân tộc, của nhân dân thành phố trong sự nghiệp xây dựng và phát triển” - ông Nguyễn Hồ Hải nói. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI