Phim Việt hóa ăn khách, bước tiến hay bước lùi?

10/08/2022 - 07:40

PNO - Thời gian qua, phim Việt được làm theo bản quyền chuyển thể từ phim ngoại không chỉ bùng nổ số lượng (cả điện ảnh và truyền hình) mà còn gây tiếng vang về chất lượng hoặc doanh thu. Đây là điều đáng vui, nhưng chẳng thể vì vậy mà tự hào là phim Việt đang ngày càng tiến bộ.

Phá bỏ định kiến "remake" 

Sau Chìa khóa trăm tỷ Nghề siêu dễ, phim Việt năm nay vừa có thêm một tác phẩm làm lại (remake) ăn khách là Dân chơi không sợ con rơi. Bộ phim Việt hóa từ tác phẩm Instructions not Included của điện ảnh Mexico này vẫn vững vàng ở vị trí số 1 phòng vé suốt hai tuần liên tiếp, thu hơn 30 tỷ đồng (theo thống kê của Box Office Việt Nam) sau mười ngày trình chiếu.

Việc chuyển bối cảnh về miền Tây Nam bộ giúp phim Dân chơi không sợ con rơi gần gũi hơn với khán giả Việt
Việc chuyển bối cảnh về miền Tây Nam bộ giúp phim Dân chơi không sợ con rơi gần gũi hơn với khán giả Việt

Đáng nói, cũng thời điểm này, ngoài rạp có hai “bom tấn” ngoại được đánh giá cao về mặt chất lượng là Sát thủ đối đầu (Mỹ) và Alienoid: Cuộc chiến xuyên không (Hàn Quốc).

Ở màn ảnh nhỏ, bộ phim Thương ngày nắng về chuyển thể từ phim Hàn Mother of mine vừa kết thúc cũng tạo hiệu ứng dư luận rất tốt suốt 5 tháng phát sóng. Trước đó không lâu, một phim dài hơi dậy sóng không kém là Hương vị tình thân cũng là tác phẩm remake (bản gốc là phim Hàn Quốc My Only One). 

Thành công về mặt thương mại, lượng người xem (rating) của các phim Việt hóa thời gian qua cho thấy dòng phim này đã dần xóa bỏ định kiến trong mắt người xem. Trước đây, phim remake thường ít tạo cảm tình vì hàm lượng sáng tạo không nhiều. Nội dung phim bị sao chép một cách cứng nhắc, không phù hợp bối cảnh, con người, văn hóa Việt Nam, khiến khán giả khó đồng cảm. Một vài phim còn mắc lỗi chọn diễn viên chưa phù hợp, càng khó chạm đến cảm xúc người xem. Phim remake ăn khách vẫn có, nhưng đếm trên đầu ngón tay so với lượng phim remake ra rạp.

Nhưng hai ba năm trở lại đây, mọi chuyện bắt đầu khác. Trăm hay không bằng tay quen, các biên kịch Việt đã cao tay hơn trong khâu Việt hóa. Tính bản địa trong phim trở nên sắc nét, giúp sản phẩm remake “lột xác” so với bản gốc. 
Trong những bộ phim Việt hóa ăn khách, những chi tiết thuần Việt được cài cắm một cách tinh tế, nhuần nhuyễn.

Anh trai yêu quái, biên kịch đưa vào hình ảnh tô mì, cây khế trong vườn, tính cách nhiều chuyện của bà hàng xóm dì Tám… là những hình ảnh gần gũi, thân thương với người Việt. Sức mạnh Việt hóa của Tiệc trăng máu nằm ở những câu thoại “bắt trend”, từ ngữ gần gũi văn hóa mạng xã hội. Tay nghề Việt hóa của biên kịch phim Nghề siêu dễ còn nâng lên một bậc khi sáng tạo ra món cơm tấm sườn bò nướng vị phở hợp khẩu vị người Việt, thay cho món gà rán truyền thống của người Hàn trong bản gốc.

1.phim Nghề siêu dễ sáng tạo ra cả món cơm tấm sướn nướng vị phở đậm đà chất Việt
Phim Nghề siêu dễ sáng tạo ra cả món cơm tấm sướn nướng vị phở đậm đà chất Việt

Bằng cách đưa bối cảnh câu chuyện về miền Tây Nam bộ, tận dụng chất liệu đời sống của người dân miền biên giới Tây Nam, tôn vinh những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền này, phim Dân chơi không sợ con rơi mang đến cảm giác dễ chịu, gần gũi. Với phim Thương ngày nắng về, một số tình huống, chi tiết và cả cái kết của phim được thay đổi để bật lên tính nhân văn, phù hợp tâm lý người Việt. 

Không thể cứ vay mượn 

Hiện màn ảnh nhỏ phía Nam có một phim dài hơi đang phát là Giấc mơ của mẹ chuyển thể từ phim Hàn All about my mom. Các nhà làm phim phía Bắc đang làm phim Người vợ tốt làm lại từ phim Hàn The Good wife. Dòng phim remake đã, đang và sẽ là chỗ dựa cho các biên kịch cần những câu chuyện hay, nhà sản xuất cần sự an toàn khi đầu tư.

Tất nhiên sẽ không công bằng nếu đánh giá thấp dòng phim Việt hóa, coi thường những sáng tạo của ê-kíp Việt, cho rằng việc làm phim remake không có gì đáng ngợi khen. Nhìn lại những phim Việt hóa ăn khách có thể thấy, để chuyển thể thành công, đội ngũ làm phim phải dụng công rất nhiều. Để địa phương hóa bộ phim, tạo dấu ấn riêng nhưng không làm mất đi ý nghĩa cốt lõi của kịch bản, họ phải có vốn sống, sự am hiểu văn hóa phong phú. Đó đều là kết quả của cả quá trình nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, chứ không đơn giản.

Trailer phim Dân chơi không sợ con rơi: 

 

 

Làm phim remake là cơ hội để các nhà làm phim tiếp cận các kịch bản hay, lĩnh hội cách xây dựng tình huống, nhân vật độc đáo. Nhìn một cách tích cực là dịp cho người trong cuộc tự rèn giũa, nâng cao tay nghề. Cái hại chỉ xuất hiện khi phim ảnh trong nước bị lệ thuộc quá nhiều vào dòng phim này. Tín hiệu này hiện đã xuất hiện, khi hầu hết các phim truyền hình đình đám thời gian qua đều có xuất xứ từ kịch bản nước ngoài, và các nhà làm phim vẫn đang tiếp tục lao vào chuyển thể. 

Còn trên màn ảnh rộng từ đầu năm đến nay, đã có bốn phim remake ra rạp, trong khi cả năm 2019 - thời điểm dịch bệnh chưa hoành hành - chỉ có ba phim/năm và hai năm bùng dịch sau đó chỉ có hai phim/năm. 

Tình trạng phim Việt hóa ngày càng ăn khách tuy là điều đáng vui, nhưng cũng đem đến nỗi lo ngại các nhà sản xuất sẽ ngày càng bị cuốn vào guồng quay làm phim remake hơn là đầu tư cho những kịch bản thuần Việt. Dù có biến tấu, xào nấu hay đến đâu, thì về cơ bản, phim remake vẫn không thể xóa được dấu ấn của sự vay mượn.

Hay hơn bản gốc, đem hơi thở Việt vào phim thành công… không nên là mục tiêu lâu dài của phim ảnh Việt, mà phải là những kịch bản gốc, thuần Việt. Hy vọng sự bùng nổ của những bộ phim remake như vừa qua chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Sau khi lĩnh hội kỹ thuật làm nghề, các nhà làm phim trong nước sẽ tự tin cho ra đời những tác phẩm mới mẻ, mang bản sắc, chứ không phải vắt óc nghĩ cách biến cũ thành mới nữa. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI