Phim truyền hình Hàn Quốc: Rating không còn là yếu tố quyết định

28/07/2020 - 07:04

PNO - Nghịch lý của tác phẩm truyền hình Hàn Quốc hiện nay là dù thất thế tại quê nhà nhưng vẫn gây tiếng vang lớn ở thị trường quốc tế.

Lượng người xem không còn là nhân tố trọng yếu

Người xem từng là nhân tố chính, có tính quyết định trong việc đánh giá sự thành công hay thất bại của một bộ phim; quyết định việc có thể xuất khẩu tác phẩm ra thị trường nước ngoài hay không. Nhưng hiện nay, quy tắc này đã thay đổi nhờ các nền tảng phát trực tuyến như Netflix giúp những phim có rating thấp vẫn gây được tiếng vang trên thị trường quốc tế.

Đơn cử, bộ phim giả tưởng của nam thần Lee Min Ho Quân vương bất diệt hay tác phẩm hài lãng mạn  Điên thì có sao do Kim Soo Hyun thủ vai, xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng Netflix ở nhiều quốc gia châu Á và toàn cầu, dù chỉ có mức rating trung bình 6-8% tại xứ kim chi.

Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), xuất khẩu phim truyền hình đã mang về cho xứ kim chi 214 triệu USD trong năm 2018, tăng 19,2% so với năm 2017. Ngược lại, tại quê nhà, K-drama (phim truyền hình Hàn Quốc) đang cuống cuồng vì sự sụt giảm tỷ suất người xem đáng kể.

Vài năm trước, nhiều tác phẩm nổi tiếng thường đạt rating dao động khoảng 30% thì hiện tại, ngay cả những bộ phim có sức hút cũng chỉ vượt quá 15%, thậm chí phim Welcome của đài KBS còn đạt kỷ lục rating thảm bại khi chưa tới 1%. Dẫu có nhiều ngôi sao hạng A góp mặt cũng không thể cứu vãn tỷ suất người xem.

Điên thì có sao đang là bộ phim được khán giả toàn châu Á yêu thích.
"Điên thì có sao" đang là bộ phim được khán giả toàn châu Á yêu thích.

Các chuyên gia cho biết lượng người xem không còn là tiêu chí tuyệt đối đánh giá chất lượng một bộ phim, các đài truyền hình nội địa cũng bắt đầu hạ thấp mục tiêu rating (trước đó thường khuyến khích đơn vị sản xuất phim duy trì tỷ suất ở mức 20%), bởi họ đủ tỉnh táo để hiểu rằng ngành công nghiệp phim ảnh đã thay đổi.

Do đó, thay vì phấn đấu để tăng lượng người xem ở quê nhà, các công ty sản xuất đang tìm cách đa dạng hóa các nền tảng phát sóng bộ phim của mình nhằm tiếp cận khán giả toàn cầu. Đây được xem là công thức mới để duy trì sự thành công cho phim truyền hình K-drama.

Ngày nay, nhiều dự án phim đang tìm cách chuyển sang Netflix, nơi có nguồn tài chính dồi dào, không ngại đầu tư 100% tổng chi phí sản xuất lên tới hàng triệu USD cho kịch bản riêng biệt, tiềm năng phù hợp với khán giả quốc tế. Thông qua Netflix, các hãng phim còn có cơ hội giới thiệu phim của mình cho công chúng ở hơn 190 quốc gia.

Vì sao nhiều phim thất bại tại Hàn Quốc nhưng gây tiếng vang ở nước ngoài?

Gần đây, đài truyền hình trung ương lẫn tư nhân của xứ Hàn không đủ nguồn lực kinh tế. Họ thường chi trả khoảng 60-70% tổng kinh phí, còn lại là kêu gọi tài trợ. Hai năm trở lại đây, tình hình tài chính biến động càng gây nên không ít khó khăn. Do đó, các nhà đài có xu hướng bắt tay cùng Netflix hoặc các đối tác nước ngoài để "sống sót".

Lee Min Ho và Kim Soo Hyun là hai nam diễn viên sở hữu lượng người hâm mộ quốc tế  đông đảo.
Lee Min Ho và Kim Soo Hyun là hai nam diễn viên sở hữu lượng người hâm mộ quốc tế đông đảo.

Một quan chức hoạt động lâu năm trong ngành phim ảnh chia sẻ: “Các nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn có một tác phẩm rom-com (hài lãng mạn) Hàn Quốc với sự tham gia của một nam chính nổi tiếng và ưa nhìn để chiếu tại đất nước của họ. Sở thích của khán giả các nước khá khác biệt so với người dân Hàn, vốn đã yêu cầu các nhà sản xuất phim ngừng tập trung vào tác phẩm rom-com mà nên đa dạng các thể loại”.

Đây cũng chính là lý do vì sao dù không có nội dung đặc biệt nhưng dự án rom-com mới chuẩn bị lên sóng đài KBS với tên gọi Do Do Sol Sol La La Sol, do Go Ara và Lee Jae Wook đóng chính, vẫn được Netflix mua bản quyền phát sóng song song từ ngày 26/8 sắp tới.

"Khi chúng tôi cung cấp các thể loại khác như một bộ phim về y khoa, 90% người mua ở nước ngoài từ chối bất kể chất lượng ra sao. Có lẽ điều này xuất phát từ ảnh hưởng của những bộ phim hài lãng mạn Hàn Quốc như Hậu duệ mặt trời đã và đang làm dậy sóng khắp thế giới” - một chuyên gia nói với Korea Times.

Tương tự, nhà phê bình văn hoá Kim Hern-sik cũng chỉ rõ, người xem toàn cầu có những cảm xúc, gu thẩm mỹ khác nhau, đặc biệt, đa số khán giả rất thích câu chuyện tình nhẹ nhàng và cách nhân vật chính giải quyết xung đột. Chưa kể, tên tuổi của diễn viên hạng A góp mặt trong tác phẩm cũng được xem là yếu tố quan trọng thu hút sự theo dõi của họ.

Thất bại tại Hàn Quốc nhưng Quân vương bất diệt lại được khán giả thế giới yêu thích.
Thất bại tại Hàn Quốc nhưng "Quân vương bất diệt" lại được khán giả thế giới yêu thích.

Khán giả Hàn Quốc có xu hướng coi trọng chủ nghĩa hiện thực nên cảm thấy những phim giả tưởng như Quân vương bất diệt quá phi thực tế, nhưng công chúng quốc tế lại không bận tâm nhiều về vấn đề này. Bên cạnh đó, nhờ Netflix và các dịch vụ trực tuyến khác ngày càng phổ biến tại xứ củ sâm khiến giới trẻ thoải mái chọn lựa các bộ phim, chương trình giải trí nước ngoài như Mỹ, châu Âu, từ đó kéo theo sự sụt giảm rating nghiêm trọng.

Tất cả những điều này tạo nên một nghịch lý thú vị cho dòng phim truyền hình Hàn Quốc khi thắng thế tại thị trường nước ngoài nhưng lại ngậm ngùi khi bị khán giả quê nhà quay lưng.

Tuy nhiên, dù thị trường nội địa không còn mang lại doanh thu chính cho các đơn vị sản xuất phim, các nhà đầu tư vẫn không hề lơ là khán giả trong nước, họ luôn mong muốn cải thiện chất lượng tác phẩm để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi cao của người xem. 

Chung Thu Hương (theo Korea Times và Yonhap)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI