Phiên tòa xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tạm dừng lần 2 vì xuất hiện chứng cứ bất thường

25/03/2021 - 15:44

PNO - HĐXX vụ án Dương Thị Bạch Diệp lại quyết định tạm hoãn phiên tòa để xem xét các chứng cứ hồ sơ vụ án có tình tiết, vấn đề cần làm rõ.

Ngày 25/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thành Tài và 8 đồng phạm.

Trong suốt hơn 2 ngày phiên tòa mở lại, sau khi tạm ngừng do sức khỏe của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp không đảm bảo, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã dành toàn bộ thời gian cho phần tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, giữa các luật sư của bị cáo, bị hại, người có nghĩa vụ liên quan để làm sáng tỏ vụ án.

Xuất hiện nhiều tình tiết mới

Với 9 bị cáo, trong đó có nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, sau phần tranh luận tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo với tội danh và mức hình phạt đối với từng bị cáo, chỉ đề nghị HĐXX bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ của một số bị cáo như các luật sư bào chữa có trình bày trong phần bào chữa.

Với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, HĐXX dành nhiều thời gian cho phần đối đáp giữa các luật sư các bên liên quan, tập trung làm rõ tình trạng pháp lý của các hợp đồng thế chấp căn nhà 57 Cao Thắng, trước và sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng căn nhà này cho Công ty Diệp Bạch Dương; tình trạng pháp lý của căn nhà 185 Hai Bà Trưng sau khi Công ty Diệp Bạch Dương được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu vào năm 2012 để làm rõ hành vi cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM truy tố và đề nghị mức án chung thân dành cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.

Trong phiên xét xử trước, bị cáo Diệp nhiều lần khẳng định hợp đồng công chứng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng giữa công ty Diệp Bạch Dương và ngân hàng Agribank là giả mạo, doanh nghiệp của bà không thế chấp, không vay khoản tiền này. 

bị cáo Dương Thị Bạch Diệp cung cấp các văn bản
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp cung cấp các văn bản đối đáp lại phần trình bày của đại diện ngân hàng Agribank chiều ngày 24/3 

Về điểm này, HĐXX đã được đại diện luật sư phía ngân hàng Agribank trình bản chính Hợp đồng công chứng thế chấp nhà số 57 Cao Thắng bản chính. Sau đó, HĐXX đã gửi văn bản và nhận được văn bản của Phòng công chứng số 1 để xác định lại văn bản công chứng này.

Theo văn bản của Phòng công chứng số 1, ngày 31/12/2008, Phòng có nhận Hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng giữa bên thế là Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương (do bà Dương Thị Bạch Diệp làm đại diện) và bên nhận thế chấp là Ngân hàng Agribank TP.HCM.

Phòng công chứng số 1 thông báo, hiện, ngoài lưu trữ bằng giấy tại kho lưu trữ còn lưu giữ trên hệ thống Master, chương trình được Bộ Tư pháp thiết lập.

Với ý kiến luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, cho rằng Hợp đồng công chứng tài sản số 57 Cao Thắng không có hồ sơ lưu trữ trên hệ thống Sở Tư pháp, văn bản Phòng công chứng số 1 xác định, tại thời điểm đó, TP.HCM chưa có phần mềm quản lý hồ sơ công chứng, lịch sử giao dịch dùng chung cho tất cả các tổ chức hành nghề công chứng tại TPHCM.

Trong phiên xử chiều ngày 24 và sáng 25/3, luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã trưng ra nhiều điểm bất thường, khác biệt trong hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi Công ty Diệp Bạch Dương hoàn tất việc hoàn công sửa chữa, xây dựng công trình nhà 57 Cao Thắng: biên nhận cấp đổi hồ sơ của văn phòng đăng ký đất đai có dấu hiệu không có trong tài liệu cơ quan điều tra thu thập; hồ sơ thế chấp Ngân hàng Agribank nói ghi nhận xác lập ngày 31/12/2008, nhưng hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai ghi ngày 7/1/2009…

Ngoài ra, luật sư Phan Trung Hoài bất ngờ cung cấp cho HĐXX một hợp đồng thỏa thuận 3 bên giữa Công ty Diệp Bạch Dương - Công ty Phan Thành (đại diện công ty thuê nhà làm trụ sở) – Agribank, ký ngày 18/8/2014 với nội dung thể hiện "ngân hàng đồng ý để bà Diệp cho Công ty Phan Thành thuê mặt bằng 185 Hai Bà Trưng". Đồng thời, hợp đồng còn thể hiện, nhà 185 Hai Bà Trưng đang là tài sản thế chấp tại Agribank.

Trong phần tranh luận với bằng chứng về thỏa thuận 3 bên được ký giữa Công ty Phan Thành, Công ty Diệp Bạch Dương và Agribank ngày 18/8/2014, về việc đồng ý cho thuê 185 Hai Bà Trưng, đại diện Ngân hàng Agribank khẳng định trong hợp đồng thế chấp tài sản trước đó, có điều khoản về việc Công ty Diệp Bạch Dương có quyền cho thuê, cho mượn tài sản bên thế chấp nếu được bên A tức ngân hàng Agribank đồng ý bằng văn bản.

Đại diện ngân hàng Agribank cho biết, căn cứ vào ý chí của thỏa thuận trên, ngân hàng ký xác nhận đồng ý chủ trương cho thuê 179bis, 181, 183, Hai Bà Trưng là tài sản Công ty Diệp Bạch Dương đang thế chấp tại Agribank. Việc tài sản 185, Hai Bà Trưng lồng vào, bởi lẽ về mặt chủ trương, ngân hàng đã thống nhất xuyên suốt và nhất quán, cho Công ty Diệp Bạch Dương được hoán đổi tài sản số 57 Cao Thắng, với điều kiện phải thế chấp tài sản 185 Hai Bà Trưng cho ngân hàng, thì ngân hàng mới giải chấp nhà 57 Cao Thắng.

“Vì vậy, việc ngân hàng Agribank chỉ thu 50% giá trị cho thuê của 3 khối tài sản Hai Bà Trưng sau khi được hợp khối mà công ty Diệp Bạch Dương đang khai thác sử dụng cho thuê là đã loại trừ tài sản số 185, Hai Bà Trưng”– Đại diện phía ngân hàng Agribank, cho biết.

Kết thúc phiên sáng, đại diện HĐXX cho biết, đến thời điểm này, các bên tham gia tranh luận chưa làm rõ được tất cả góc cạnh của một vấn đề và còn có nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Do đó, để đánh giá một cách toàn diện đối với các tài liệu đã xem xét công khai tại phiên tòa, các ý kiến tranh luận bổ sung cần được gửi văn bản cho HĐXX xem xét, để HĐXX quyết định  quay lại phần tranh luận hay có ý kiến tiếp theo đối với vụ án. Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra chiều mai 26/3.

Không có quy định về hoán đổi tài sản tư nhân với nhà nước

Trong phần đối đáp chiều ngày 24/3, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, tài sản 57 Cao Thắng là tài sản tư nhân đang thế chấp tại Agribank hoán đổi với tài sản 185 Hai Bà Trưng là tài sản nhà nước là trái pháp luật. Cụ thể vi phạm vào khoản 5, điều 6, Luật quản lý sử dụng tài sản công; Quyết định số 09/2008 của Quốc Hội, quyết định số 09 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính Phủ, khoản 5, điều 5.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, dẫn chiếu quy định, đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước sắp xếp lại, xử lý theo hình thức thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng trên đất của cơ quan hành chính sự nghiệp, công ty nhà nước được thực hiện thông qua hình thức bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. Điểm 2.8, mục 2, Thông tư 83/2007, Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện quyết định số 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ, quy định, đối với cơ sở nhà đất được giữ lại tiếp tục làm cơ sở làm việc theo khoản 5, quyết định số 09, phải sử dụng đúng mục đích, đúng quy định pháp luật. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản 185 Hai Bà Trưng là tài sản nhà nước hoán đổi, cấp cho Công ty Diệp Bạch Dương, là công ty tư nhân đã vi phạm quy định này.

Quan điểm trên của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM cũng được luật sư Lê Hồng Nguyên, đưa ra trong phần yêu cầu HĐXX tuyên hủy Quyết định 2015 và QĐ số 4679 của UBND TPHCM xác lập quyền sở hữu nhà nước và giao quyền sở hữu nhà đất số 57 Cao Thắng cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM.

Theo luật sư Nguyên, việc hoán đổi tài sản nhà nước với tài sản tư nhân là vi phạm Luật quản lý sử dụng tài sản công, vi phạm quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, khoản 5, điều 5: chỉ được cho tổ chức sắp xếp lại các tài sản nhà nước; bố trí sử dụng cho các đơn vị tổ chức hành chính sử dụng các tài sản của nhà nước một cách hợp lý, đúng mục đích, nếu bán hoặc chuyển nhượng phải qua đấu giá, không có quy định nào cho hoán đổi giữa tài sản nhà nước và tài sản tư nhân.

Nghị định 137/2006 của Chính phủ cũng nêu rõ, việc xác lập quyền sở hữu nhà nước chỉ có 4 trường hợp: Nhà vắng chủ; tài sản hợp tác với nước ngoài sau chấm dứt; tài sản tặng cho, di sản không có người thừa kế; tài sản cho, được tặng cho, hiến tặng, đóng góp của tư nhân cho nhà nước.

“Trong trường hợp này, nếu thực hiện trên thực tế với Công ty Diệp Bạch Dương thì chỉ nằm ở trường hợp 4 là tài sản tặng cho, hiến tặng, đóng góp của tư nhân cho nhà nước. Công ty Diệp Bạch Dương có văn bản nào giao cho nhà nước căn nhà số 57 Cao Thắng? Hoàn toàn không có. Công ty Diệp Bạch Dương chỉ có văn bản đề nghị hoán đổi; không có văn bản nào hiến tặng cho căn nhà trên cho nhà nước. Vì vậy UBND TPHCM lấy căn cứ nào để xác lập quyền sở hữu căn nhà 57 Cao Thắng?” – luật sư Lê Hồng Nguyên, phân tích.  

Hoài An

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu