Phát triển đô thị vệ tinh: “Thập diện mai phục” đường vào nội đô

22/06/2016 - 06:24

PNO - Sau một thời gian TP.HCM thực hiện kế hoạch giãn dân ra ngoại thành, hàng loạt đô thị vệ tinh đua nhau mọc lên. Thế nhưng, do phát triển thiếu đồng bộ, khiến các đô thị này đang dần bị biến thành… ốc đảo.

Phat trien do thi ve tinh: “Thap dien mai phuc” duong vao noi do
Do phát triển thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông không theo kịp, khiến các đô thị  vệ tinh đang dần bị biến thành… ốc đảo.

Sau một thời gian TP. HCM thực hiện kế hoạch giãn dân ra ngoại thành, hàng loạt đô thị vệ tinh đua nhau mọc lên. Thế nhưng, do phát triển thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông không theo kịp, khiến các đô thị này đang dần bị biến thành… ốc đảo.

Dân ngoại thành khốn khổ vì... kẹt xe

7g sáng ngày 20/6, hàng nghìn xe gắn máy, ô tô, xe tải, container xếp hàng gần 1km trên đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ bệnh viện Nhà Bè đến cầu Rạch Đỉa 1, H.Nhà Bè). Xe buýt, ô tô chạy lấn vào làn đường xe hai, ba bánh. Xe gắn máy chạy tràn lên vỉa hè nhưng vẫn không thoát được. Nửa tiếng sau, lượng phương tiện càng xếp hàng dài hơn. Nhiều xe gắn máy liều phóng lên lối đi bộ trên cầu để lưu thông bất chấp nguy hiểm, nhưng vừa qua cầu Rạch Đỉa 1, điểm kẹt xe tại góc đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, Q.7 lại tiếp tục “ngáng chân” họ.

Mất hơn nửa tiếng chúng tôi mới qua được đoạn đường chỉ khoảng 1km này nhưng chưa kịp “thở”, chúng tôi lại “đụng đầu” điểm kẹt xe tiếp theo còn “khủng” hơn. Hàng nghìn phương tiện nhích từng chút một từ góc đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập (Q.7) đến cầu Kênh Tẻ (Q.4) kéo dài hơn 2km.

Bất lực, nhiều phương tiện quay đầu rẽ sang đường Dương Bá Trạc (Q.8) và đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) để sang Q.1, nhưng đến cầu Kênh Xáng (nối Q.8 với khu dân cư Trung Sơn, H.Bình Chánh) họ lại phải tiếp tục xếp hàng vì kẹt xe, mất gần 15 phút mới qua được đoạn đường chỉ khoảng 200m. Đến cầu Nguyễn Văn Cừ, (nối Q.1 với Q.8) tình hình cũng không khác cầu Kênh Tẻ. Ở phía bên kia, đường Nguyễn Tất Thành còn kẹt xe nghiêm trọng hơn.

Trong lúc này, những phương tiện di chuyển từ khu Nam Sài Gòn sang Q.5 cũng khổ không kém. Cầu Nguyễn Tri Phương (nối Q.8 với Q.5) vừa “mở mắt” ra đã kẹt. Từ hướng khác, những phương tiện chọn Quốc lộ 50 (H.Bình Chánh) để đi cũng mất hơn 30 phút để thoát qua đoạn kẹt xe trên đường Tùng Thiện Vương (Q.8) và cầu Chà Và (nối Q.8 với Q.5) chỉ dài khoảng 1km. Buổi chiều (từ khoảng 17g - 19g) tình hình lặp lại như cũ ở chiều ngược lại.

Ở khu Đông, người dân cũng không sung sướng hơn. Hàng ngày (từ khoảng 7g - 9g), hàng nghìn phương tiện cũng nhích từng chút trên Quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức) sang cầu Bình Triệu (nối Q.Thủ Đức với Q.Bình Thạnh) để vào trung tâm TP. Sáng 1/6, chứng kiến cảnh kẹt xe ở khu vực này chúng tôi thật sự “choáng”. Từ 6g, các phương tiện lưu thông trên đường Đinh Bộ Lĩnh (đoạn trước bến xe Miền Đông) đã bắt đầu “giẫm chân” tại chỗ. Khoảng 30 phút sau, kẹt xe kéo dài ra tận cầu Bình Triệu.

Đến khoảng 7g, kẹt xe kéo dài ra tận Quốc lộ 13. Khoảng 10g, các phương tiện giãn dần, tình hình mới khả quan hơn. Cách đó không xa, cư dân ở hướng Q.2, Q.9 cũng đang “vật lộn” với nỗi khổ kẹt xe trên đường Nguyễn Thị Định và đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2) để qua cầu Giồng Ông Tố vào trung tâm TP.

Phat trien do thi ve tinh: “Thap dien mai phuc” duong vao noi do
Kẹt xe đang là vấn nạ của các thành phố lớn

Cầu đường trên "giấy", đô thị vệ tinh thành "ốc đảo"

Sau hơn chục năm phát triển, các đô thị vệ tinh của TP.HCM đã hình thành với hàng trăm dự án chung cư, cao ốc, dịch vụ đi kèm nhưng hạ tầng giao thông vẫn phát triển lẹt đẹt. Cục diện quá chênh lệch giữa giao thông và đô thị khiến tình hình kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.

Khu Nam TP.HCM gồm quận 4, 7, H.Nhà Bè, Cần Giờ và một phần Q.8, H.Bình Chánh có các dự án bất động sản mọc lên dày đặc. Chỉ một đoạn đường khoảng 5km trên đường Nguyễn Hữu Thọ qua địa bàn Q.7 và H.Nhà Bè đã có không dưới 30 dự án đất nền, chung cư chi chít hai bên đường. Vừa qua cầu Kênh Tẻ (phía Q.7) là hàng chục bloc chung cư của Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Hoàng Anh Gia Lai với gần 20.000 căn hộ. Phía sau các chung cư này còn có hàng nghìn nhà phố, biệt thự.

Cạnh đó ba trường đại học: Cảnh sát, RMIT, Tôn Đức Thắng với hàng chục nghìn sinh viên. Đối diện là hai trung tâm thương mại: Lotte và Vivo City kéo theo một lượng người không nhỏ thường xuyên đi lại, mua sắm, vui chơi giải trí. Cách đó không xa, khu dân cư Trung Sơn với quy mô dân số hơn 3.000 người. Bên kia cầu Rạch Đỉa, dãy chung cư của Hoàng Anh Gia Lai quy mô hơn 5.000 người.

Cạnh đó là khu đô thị Dragon City, hàng loạt chung cư của công ty M.I.K và Hưng Lộc Phát với quy mô gần 10.000 người. Ngoài ra, khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Hiệp Phước với hàng triệu công nhân đang làm việc. Trên đường Huỳnh Tấn Phát và Lê Văn Lương số lượng cao ốc cũng dày đặc không kém.

Trong khi đó, nhiều năm qua, các công trình phát triển, mở rộng, nâng cấp cầu đường ở khu vực này gần như “bất động”. Đường Lê Văn Lương (nối Q.7 với H.Nhà Bè) quy hoạch mở rộng lên 40m hơn chục năm qua vẫn còn “trên giấy”. Trên đường này, hàng loạt cầu cũ, yếu lắp ghép bằng sắt chỉ rộng khoảng 3m vẫn chưa thể thay thế.

Xe tải nặng, ô tô không qua được phải dồn vào đường Nguyễn Hữu Thọ và đường Huỳnh Tấn Phát gây quá tải. Tương tự, để giải quyết kẹt xe tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, khoảng 5 năm trước, dự án xây dựng hầm chui và cầu vượt đã được lên kế hoạch, nhưng đến nay vẫn còn đang chọn chủ đầu tư. Dự án xây cầu Kênh Tẻ 2 nằm trong dự án trục đường Bắc - Nam quy hoạch gần chục năm, hiện vẫn chỉ là bản vẽ.

Ở phía Đông, cầu Giồng Ông Tố (Q.2) được xem là lối thoát chính cho các phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Thị Định và Nguyễn Cư Trinh vào trung tâm TP nhưng quá chật hẹp. 15 năm trước, cây cầu này đã quy hoạch xây mới, mở rộng nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh. Trong khi đó, Quốc lộ 13 nối Q.Thủ Đức với Q.Bình Thạnh đã có dự án mở rộng hơn 15 năm qua, nay vẫn “nằm yên”.

Đừng đổ lỗi cho tiếu tiền!

Theo tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân (chuyên gia kinh tế bất động sản), ở đâu cũng vậy, hạ tầng giao thông phải đi trước phát triển đô thị, nhưng chúng ta lại làm ngược lại: cấp phép đầu tư dự án nhà ở xong mới lo làm cầu đường. Mà cầu đường lại làm quá chậm. Bên cạnh đó, đô thị vệ tinh lại phát triển không đồng bộ. Các đô thị chỉ lo phát triển nhà ở, “quên” phát triển trường học, bệnh viện, dịch vụ ngành nghề đi kèm để tạo công ăn việc làm và phục vụ cho cư dân ở đó.

Điển hình, rất nhiều dự án phát triển nhà ở quy hoạch đầy đủ trường học, siêu thị, khu vui chơi giải trí… nhưng các chủ đầu tư bán nhà xong rút đi, các cơ sở, dịch vụ còn lại không thèm đầu tư. Cơ quan quản lý lại không nghiêm khắc chế tài. Hệ quả, cư dân sống ở đô thị vệ tinh nhưng công ăn việc làm, vui chơi giải trí vẫn “rút” vào nội thành. Như vậy, mục tiêu giãn dân của TP chỉ mới thành công một nửa.

Theo tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông), các sở, ngành đừng đổ lỗi cho thiếu tiền, thiếu vốn, vì vốn đầu tư không bao giờ đủ, quan trọng là chúng ta xài tiền thế nào. Đó là trách nhiệm của người quản lý nhà nước phải cân đong đo đếm cho hợp lý. Đầu tư để phát triển kinh tế là cần thiết nhưng phải ưu tiên phục vụ nhu cầu xã hội. Chỗ nào cần, tập trung vốn đầu tư. Chỗ nào chưa cần, hoãn lại. Chẳng hạn, hiện cầu Thủ Thiêm 1 còn vắng phương tiện, chúng ta đã vội làm cầu Thủ Thiêm 2 có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ, trong khi rất nhiều cầu, đường khu Nam đang quá tải. Rất nhiều dự án khác cũng vậy.

Trong một buổi làm việc gần đây với các sở, ngành TP, các chuyên gia quy hoạch cao cấp của Tập đoàn Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) cho rằng, khi thực hiện quy hoạch phân chia vùng đô thị TP.HCM đồng nghĩa với việc mỗi vùng phải đóng vai trò như một khu kinh tế, bao phủ một vùng có cự ly bán kính từ 30 - 50km quanh trung tâm TP.

Nhưng việc phát triển đô thị vệ tinh hiện nay cho thấy TP vẫn chưa tập trung vào điểm này. Dân số giãn ra ngoại ô nhưng lại vẫn phải làm việc tại trung tâm TP, trong khi hạ tầng giao thông vào khu vực này lại không được mở rộng. Điều này chắc chắc sẽ tạo ra tình trạng tắc nghẽn giao thông không còn cách giải quyết. Vì vậy, bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, TP phải xem lại việc quy hoạch phát triển đô thị.

Sẽ đầu tư cấp bách hàng loạt dự án giao thông kết nối đô thị vệ tinh với trung tâm thành phố

Trong văn bản trả lời báo Phụ Nữ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM thừa nhận, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị, tốc độ tăng phương tiện và dân số của TP. Nguyên nhân, do tốc độ phát triển các dự án dân dụng quá nhanh, nhưng quy hoạch và phát triển dự án giao thông còn chậm, do thiếu kinh phí.

Trong thời gian qua, Sở GTVT đã điều chỉnh tổ chức giao thông tại số vị trí thường xảy ra ùn tắc giao thông để giảm ùn tắc. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài là phải đầu tư phát triển các dự án giao thông. Sắp tới, Sở GTVT sẽ đưa các dự án kết nối đô thị vệ tinh với trung tâm TP vào danh sách các dự án đầu tư cấp bách.

Cụ thể, tháng 8/2016, xây dựng thêm một nhánh cầu Nguyễn Văn Cừ nối Q.4 với Q.1; tháng 11/2016 xây dựng thêm nhánh cầu Nguyễn Tri Phương nối Q.8 với Q.5; xây dựng mới cầu, đường Nguyễn Khoái (nối Q.4 với Q.7); xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (nối H.Nhà Bè với Q.7); mở rộng Quốc lộ 13 (nối Q.Thủ Đức với Q.Bình Thạnh); xây dựng nút giao thông An Phú (Q.2); xây cầu Thủ Thiêm 4 (nối Q.2 với Q.7)...

Thu Hồng (ghi)

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI