Phải tử tế với dân!

17/08/2016 - 10:03

PNO - Sở Nội vụ TP.HCM vừa cho biết, kiểm tra tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính sáu tháng đầu năm 2016, nhiều sở ngành đã có thư xin lỗi đối với những hồ sơ giải quyết trễ hạn.

Theo đó, Cục Thuế TP đứng đầu về số lượng thư xin lỗi người dân. Cục này đã phải gửi tới 4.087 thư xin lỗi vì đã và đang giải quyết trễ hẹn hồ sơ. Sở Y tế gửi 134 thư xin lỗi, Sở Du lịch gửi 10 thư, Sở Tài nguyên và Môi trường có năm thư xin lỗi. Riêng tại các quận, huyện, UBND quận Bình Tân đã phải gửi tới 4.557 thư xin lỗi về việc giải quyết hồ sơ trễ hạn. Trong số đó, các thư xin lỗi chủ yếu liên quan đến Văn phòng Đăng ký đất đai.

Cách đây vài hôm, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã mời hàng chục người dân, nhiều báo, đài và đại diện địa phương đến công trường xử lý rác Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn) để trực tiếp tham quan khu xử lý, nghe nhân viên trình bày từng công đoạn của lò đốt rác y tế, các hồ chứa và việc xử lý nước rỉ rác. Cuối buổi tham quan còn công bố thành lập một tổ giám sát nhân dân - để giám sát các hoạt động của nhà máy, với nhiều người dân làm tổ viên. Động thái này không chỉ xoa dịu dư luận mà còn giúp công ty lấy lại lòng tin của người dân.

Phai tu te voi dan!
Đại diện Công ty Môi trường đô thị TP. HCM cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến của người dân

Bãi rác Đông Thạnh hoạt động từ năm 1991, như một giải pháp để lấp đầy những “hố tử thần” mà địa phương đã cho các cá nhân, tổ chức khai thác lớp đất mặt bán đi. Trước khi có bãi rác, nơi đây là một khu dân cư yên bình. Rồi rầm rập ngày đêm, các đoàn xe ben mang rác từ khắp nơi về khiến những con đường nông thôn trở nên nhầy nhụa, mà nói như một lão nông thì “giống như đầm chăn vịt”. Ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi, tiếng ồn khiến người dân không chịu nổi, phải lập hàng rào chặn xe, yêu cầu đóng cửa bãi rác. Năm 2002, bãi rác Đông Thạnh chính thức ngừng hoạt động. Đất đai, nhà cửa quanh khu bãi rác có giá trở lại, đường sá sạch sẽ, nhà cửa tươm tất hơn.

Bất ngờ, đến năm 2006, bãi rác lại tiếp nhận phân hầm cầu, bùn thải và xà bần… rồi xác heo, gia cầm và cả những phi vụ chôn lén chất thải nguy hại, bùn thải có thuốc trừ sâu. Nhiều vụ đổ thải liên tiếp bị cảnh sát môi trường bắt quả tang. Đỉnh điểm của bức xúc là vào năm 2011, Tổng cục Môi trường cấp phép cho công ty này thí điểm lắp đặt một lò xử lý chất thải y tế, chất thải công nghiệp nguy hại với công suất 21 tấn/ngày.

Lại tái lập cảnh những đoàn xe chở chất thải nguy hại ngày đêm chạy vào bãi rác, khu dân cư hứng chịu mùi khói khét lẹt. Nước rỉ rác được một đơn vị bên trong bãi rác xử lý đổ ra bọng xả, thỉnh thoảng lại quá tải, vỡ bọng tràn ra, khiến cây cối, hoa màu của người dân chết trụi. Những khu vườn hoa mai, hoa lài thơm ngát có giá trị kinh tế cao giờ toàn cỏ dại. Người dân lại phản ứng, lần này là kêu cứu khắp nơi với những bệnh án, những hình ảnh tang thương, những gia đình kiệt quệ kinh tế, những đứa trẻ đau đớn vì bệnh tật…

Bức xúc dồn nén hơn 10 năm chưa được giải quyết, cứ tưởng buổi gặp gỡ giữa đại diện bãi rác với người dân sẽ căng như dây đàn. Vậy mà, bên cạnh những lời chỉ trích rất “rát” của người dân vẫn có những góp ý chân tình, lời cám ơn vì công ty đã có cách làm công khai hơn. Cựu chiến binh Trần Văn Ước, người vác đơn tố cáo khắp nơi, thẳng thắn nói: “Tui mừng vì lãnh đạo công ty đã chịu lắng nghe, trao đổi với người dân. Lẽ ra việc này phải làm sớm hơn, các anh phải công khai thông tin, quy trình xử lý rác để người dân giám sát, cùng nhau gìn giữ môi trường”. Cô Nguyễn Ngọc Diệp cũng bày tỏ rất chân tình: “Mấy chú đừng buồn dân chúng tôi, chúng tôi cần môi trường sống trong lành. Khi mới về đây, các chú hứa sao thì phải làm đúng. Người dân chịu khổ nhiều rồi”. Sự tự tế của người dân là đây!

Con người dù nghèo hay giàu đều có quyền được sống và hít thở bầu không khí trong lành. Không ai muốn mình sống cạnh một bãi rác, nghĩa trang hay khu công nghiệp (KCN) vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống. Quy hoạch phát triển chung của thành phố về bãi rác, nghĩa trang, KCN… với những lời hứa của các doanh nghiệp “đảm bảo môi trường trong lành, sạch sẽ…” và đã có hàng ngàn hộ dân vui vẻ nhận số tiền bồi thường đất đai, hoa màu thấp hơn giá trị thực tế với mong muốn địa phương phát triển hơn, đường sá, trường học mọc lên, con cháu họ có cơ hội làm việc trong những nhà máy hiện đại, hướng đến một tương lai tốt đẹp.

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã bội tín. Có quá nhiều bài học thực tế từ vụ xả thải của Vedan, Sonadezi (Đồng Nai) hay công ty Hào Dương bức tử sông Đồng Điền (TP.HCM); vụ ô nhiễm làm cá chết, cây trắng lá ở KCN Lê Minh Xuân (TP.HCM)… Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp đã không hề tử tế với người dân.

Trong bài “Làm ăn hay làm người”, tác giả Giản Tư Trung viết: Nghề quan trọng nhất trên đời này, theo nhà tư tưởng vĩ đại thời khai sáng Jean Jacques Rousseau, là “nghề làm người”! Một khi đã làm được người thì không gì là không thể làm được. Khổng Tử, một người thầy lớn trong lịch sử phương Đông, khuyên: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác". Còn người phương Tây thì quan niệm: “Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình”. Tất cả đều hướng tới giá trị của con người: sống phải hữu ích, vô hại. Cổ nhân đã dạy “mục đích lớn nhất và quan trọng nhất của con người sinh ra trên đời, đó là sống cho ra một con người!”. Như vậy “làm người” hay “làm ăn” quan trọng hơn?

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI