Lập kế hoạch cuộc đời

Phải sắp xếp ổn thỏa mới yên tâm nằm xuống

11/12/2024 - 17:14

PNO - Ở tuổi 80, mặc dù còn khỏe mạnh, nhưng dì nói với tôi: “Chẳng biết đi lúc nào, nên cứ phải sắp xếp trước mọi thứ”.

Dì A. kể, dì đã làm sẵn di chúc và cũng chia sẻ thẳng thắn với 2 con trong những cuộc trò chuyện, rằng dì để lại 200 triệu đồng cho việc tang lễ, toàn bộ số tiền còn lại sẽ cho cháu nội duy nhất, và căn nhà cho 2 người con.

Để chi tiết hơn, dì A. căn dặn 2 con khi dì nằm xuống, chỉ cần mua áo quan loại ít tiền, mang đi thiêu và rải tro cốt trên biển là xong. Đám tang sẽ không nhận phúng điếu và cả hoa, vì hoa rồi sẽ bỏ đi ngay sau đó, tốn kém không đáng.

Cả điếu văn, dì cũng đã cẩn thận nhờ một người cùng thời viết trước. “Vậy mới yên tâm”, dì A. chân thành nói với tôi.

Khi còn minh mẫn, cha mẹ muốn tự lo cho cuộc đời mình đến phút chót (ảnh minh họa)
Khi còn minh mẫn, cha mẹ muốn tự lo cho cuộc đời mình đến phút chót (ảnh minh họa)

Có lẽ người già có nỗi lo lắng của họ, mà người trẻ hơn như tôi chưa mấy để tâm. Bởi do tính cách, hoặc nghĩ chuyện đó còn quá xa.

Tôi có cô bạn cùng tuổi, hoàn cảnh kinh tế tốt hơn tôi. Cha mẹ cô ấy có hẳn 2 căn nhà cho 2 đứa con nên tính cách của cô ấy theo xu hướng “làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu”.

Ở độ tuổi gần 30, khi chúng bạn tôi xông xênh đi du lịch khắp nơi, thấy tôi phải tính toán trong việc tích góp dành dụm cho việc mua nhà, để thoát đời sống ở trọ, đến mức từ chối tham gia những chuyến đi mà tôi cảm thấy chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của mình, cô ấy buông lời khó nghe: “Khi chết, bạn có mang theo được của cải, vật chất không?”.

Hẳn nhiên là không, nhưng thứ tôi hướng đến là có mái nhà che nắng che mưa cho mình. Điều cần thiết đó là để cho bản thân và cả người thân cũng yên tâm về tôi hơn. Khi đã chẳng làm gì nhiều được cho cha mẹ, thì việc ổn định bản thân mình đã là tốt rồi, tôi nghĩ vậy!

Thấy tôi chăm chỉ làm việc, cô ấy nói: “Cứ sống cho thoải mái đi, là cách yêu thương bản thân, chứ sống nay chết mai, đâu ai biết được. Tại sao sống mà cứ phải lo cho ngày mai?”.

“Sống thoải mái” như cô ấy nói là khi có tiền cứ chi tiêu, ăn xài, vì bản thân xứng đáng hưởng thụ những gì mình làm ra. Điều đó không sai. Nhưng ngoài chi tiêu, ăn xài, thì tôi còn phải tích góp để hướng đến việc mua nhà, rồi khoản phòng thân cho mình.

Hãy để những khoảnh khắc gia đình ấm áp nhất neo lại trong tâm trí mỗi người (ảnh minh họa)
Hãy để những khoảnh khắc gia đình ấm áp nhất neo lại trong tâm trí mỗi người (ảnh minh họa)

Cuộc sống đâu thể nói trước điều gì. Như cô bạn cùng thế hệ với tôi, đang mạnh khỏe, một ngày đột nhiên bị tai biến. Lúc nhập viện, bác sĩ tiến hành lọc máu vì nghi có chất độc trong máu. Cô ấy chưa có bảo hiểm y tế nên mỗi ca lọc máu tốn kém gần 20 triệu đồng. Tính ra, riêng tiền lọc máu để cứu sống cô ấy đã hết tiền trăm triệu đồng, chưa kể tai biến cần phục hồi rất lâu sau đó.

Nếu như bản thân không có tiền phòng thân, khi biến cố xảy đến, có phải rất khó khăn cho người thân không? Thậm chí, ngay cả khi nằm xuống, ít nhất cũng nghĩ đến những khoản chi trả để không ảnh hưởng đến người thân mình. Nhưng cô bạn tôi thì bảo: “Chết rồi thì còn biết gì nữa đâu?”.

Sau này tôi mới hiểu, mỗi người có mỗi lối suy nghĩ khác nhau. Mình chẳng cố lý giải làm gì, nhất là những người không đồng quan điểm với mình. Và một đặc điểm nữa là, người có điều kiện đủ đầy hơn, họ rất khó có sự thấu hiểu với hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Vậy nên khi nghe ai đó có kế hoạch chu toàn cho cuộc đời, cả khi nằm xuống, tôi rất ngưỡng mộ và luôn ủng hộ.

Ngoài kế hoạch tang lễ, dì A. còn dặn trước 2 người con rằng: “Một khi cơ thể mẹ đã không còn tự sinh hoạt được nữa, thì hãy để nó nghỉ ngơi, đừng cản trở mẹ”. Con gái dì nghe đến đó, hiểu ra ý bà, buông lời chọc vui: “Lúc nằm yên một chỗ rồi, mẹ biết gì nữa đâu mà đòi quyên sinh”.

Dì A. nói, ở tuổi của dì, đối diện cái chết rất bình thường. Khi mà bản thân đã trải qua mọi thứ, hiểu quy luật sinh lão bệnh tử thì sẽ dễ dàng đón nhận tất cả. Việc lên kế hoạch cho cuộc đời là thể hiện bản tính độc lập, có trách nhiệm với bản thân và người thân.

Dì còn nói, ngay cả cái chết, nếu có chọn lựa, như cách của nhà văn Quỳnh Dao, thì cũng hoàn toàn thông cảm được. Đừng nghĩ cái chết là tận cùng, mà ở những giai đoạn không thể cứu vãn được nữa thì nó là sự giải thoát, nghĩ lạc quan thì hành trình này khép lại để mở ra một hành trình khác tốt đẹp hơn.

Ban Mai (Quận Phú Nhuận, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI