Phải làm sao để kiềm hãm thói mua sắm Tết vô tội vạ của vợ?

25/01/2022 - 09:32

PNO - Anh nói rằng ngày thường cô ấy cũng thế, thì có lẽ chuyện lên kế hoạch chi tiêu trong nhà, anh nên làm từ cả trong năm, chứ đừng đợi Tết!

Chị Hạnh Dung thân mến,

Thật ra câu chuyện này lặp đi lặp lại có đến hàng chục năm rồi chị ạ. Năm nào hết Tết vợ tôi cũng bảo: Năm sau không mua sắm nhiều như thế nữa. Tốn tiền quá chừng mà rồi cái gì cũng thừa mứa ê hề, nửa ăn nửa bỏ".

Năm nào nghe vợ hứa hẹn thế, tôi cũng mừng. Vì quả thật là ngày thường vợ tôi đã hay mua, đồ ăn tươi sống trong tủ lạnh và đồ khô trong các tủ luôn ở vào tình trạng nghẹt cứng. Cái tính đó đến Tết càng khủng khiếp.

Ngày trước, khi mà chợ búa có khi đến mùng 8, 9 mới khai trương thì chuyện đó là cần thiết. Thế nhưng bây giờ, tôi thấy chỉ qua mùng Một là khắp nơi đã bắt đầu mở cửa, chợ, siêu thị, quán ăn nhà hàng... Việc gì mà phải tích trữ đến như thế?

Mà nhà tôi từ gần chục người, nay không còn được phân nửa, đi học xa, mua nhà ra riêng hay đi du lịch đến hết Tết. Chục ngày Tết nhà chỉ có hai ba người, đều là trung niên, ăn gì mấy đâu? Thế nhưng, hình như nếu cái tủ chưa đầy ắp như mọi năm thì cô ấy chưa yên lòng.

Hôm nay mới 23 Tết, mà tôi thấy trong bếp, đã có hai thùng đủ các loại bánh mứt, hạt dưa, hạt bí, hạt macca... , tủ lạnh thì nào dưa món, hành, kiệu, xúc xích, giò chả các loại... Ngày nào cô ấy cũng đi làm về trễ khoảng một hai tiếng. Cô ấy lượn mọi cửa hàng và về đến nhà tay xách, nách mang.

Tôi phải làm sao để "thắng" cô ấy lại đây chị Hạnh Dung? Nhìn đời sống nhiều người xung quanh vẫn còn đang khó khăn sau dịch, kinh tế trong nhà cũng không phải là thư thả như nhiều năm trước, tôi thật vừa giận, vừa tiếc, vừa xót.

Nhưng hễ nói ra là cô ấy lại phân tích đủ lý do vì sao mua món này món kia. Rồi thì cãi nhau...

Xin chị giúp tôi một lời khuyên.

Hoàng Hùng

Anh Hoàng Hùng thân mến,

Cho anh lời khuyên chứ Hạnh Dung cũng phải "sờ lại gáy" của mình đây. Bởi vì bệnh mua sắm quá tay trong ba ngày Tết này nhiều phụ nữ mắc phải lắm.

Phụ nữ ai cũng lo xa, cũng muốn cả nhà có cái Tết đủ đầy, muốn người đến chơi, thăm nhà cảm nhận được sự sung túc, ấm no của gia chủ.

Rồi thì lúc mua, có khi cũng nghĩ coi chừng dư, nhưng lại chặc lưỡi: "Thôi, mỗi năm Tết có một lần. Thoải mái chút, ra Tết mình... tiết kiệm lại". Rồi thì, xung quanh cứ ào ào không khí mua mua bán bán, không vững tâm một chút là bị... lôi cuốn theo ngay. Bao nhiêu lý do thế, nên anh thông cảm cho chị nhé.

Nhưng, thông cảm thì thông cảm, chứ cũng phải tốp bớt lại, để tránh lãng phí vô ích. Dù rằng việc này rất khó, vì quá chừng "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" cho cái bệnh mua sắm Tết phát triển. Hạnh Dung đề ra mấy giải pháp, anh cứ thử mọi cái xem thế nào nhé. 

Thí dụ, anh nói với chị cả hai cùng nhau lập kế hoạch từ trước Tết, cho anh có cơ hội nhắc nhở chị điều gì cần, điều gì không. 

Năm nay chưa kịp thì năm sau nhé, anh ghi nhớ những món gì phải bỏ đi, để năm sau nhắc nhở chị một cách chi tiết hơn: "Em có nhớ món này, món này năm ngoái, năm kia, năm kìa đều phải bỏ không? Năm nay đừng mua nhé".

Khiến chị xao lãng bằng một kế hoạch mua sắm nào đó khác, phù hợp với kinh tế gia đình hơn: "Năm nay mình ăn Tết tiết kiệm chút, để dành tiền ra Giêng mua cái này cái kia nhé".

Giới hạn số tiền sẽ chuẩn bị để tiêu Tết lại trong một khoản mà anh thấy là hợp lý và tuyên bố sẽ "phạt" chị nếu chị vượt quá con số đó. 

Thủ thỉ với chị: "Chi tiêu tiết kiệm một chút, mình dành khoản nho nhỏ để làm từ thiện cho ai đó, nơi nào đó còn nghèo quá em ạ. Tết này, bà con còn khổ sở chật vật lắm, vì mới qua dịch. Mình lãng phí quá, anh thấy lương tâm không đành..."

Và vì anh nói rằng ngày thường cô ấy cũng thế, thì có lẽ chuyện này anh nên làm từ cả trong năm, chia sẻ kế hoạch chi tiêu, nhắc nhở vợ, thỉnh thoảng làm bộ... cáu một chút, giận bừng bừng một chút, có khi cũng hữu hiệu đấy anh ạ.

Đấy, bao nhiêu cách, anh chọn lấy một hay tấn công bằng tất cả mọi cách đều được. Còn nếu chẳng cái nào thành, mà kinh tế gia đình cho phép xông xênh, thì... thôi, anh chép miệng giùm Hạnh Dung một tiếng: "Một năm mới Tết một lần, để cô ấy thoải mái chút vậy".

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI