Phá hỏng hệ miễn dịch vì tăng cân quá đà trong mùa dịch

03/08/2021 - 08:58

PNO - Nhiều gia đình có tâm lý bồi bổ để nâng cao sức đề kháng trong mùa COVID-19, nhưng trong thực tế, bồi bổ quá mức có thể gây ra tác động ngược.

Trong khi nhiều gia đình có tâm lý bồi bổ để nâng cao sức đề kháng trong mùa COVID-19 thì thực tế, các chuyên gia lại chỉ ra, bồi bổ quá mức có thể gây ra tác động ngược.

Tăng phổ biến từ 3 - 5kg 

Sau hơn ba tháng cậu con trai ở nhà học online tránh dịch, chị N.T.T. (TP.Hà Nội) bất ngờ khi thấy quần áo của con đã chật cứng. Khi đứng lên bàn cân, cậu bé đã tăng tới 5kg. Dù mới 10 tuổi, song cậu bé đã nặng tới 50kg. Bản thân chị T. vì sắp xếp làm việc ở nhà để trông con cũng tá hỏa khi mình cũng tăng 2kg.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn (trái) khuyến cáo, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, hạn chế vận động, căng thẳng, stress… là những nguyên nhân khiến nhiều người tăng cân trong mùa dịch (ảnh mang tính minh họa)
Bác sĩ Trương Hồng Sơn (trái) khuyến cáo, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, hạn chế vận động, căng thẳng, stress… là những nguyên nhân khiến nhiều người tăng cân trong mùa dịch (ảnh mang tính minh họa)

Tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết, gần đây, có nhiều gia đình như chị T. đến khám vì tăng cân mất kiểm soát. Từ sau tết tới nay, do dịch bệnh nên trẻ em, người lớn phải học tập và làm việc tại nhà. Việc thay đổi chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thiếu hụt các hoạt động thể chất… là những nguyên nhân khiến cả trẻ em và người lớn đều tăng cân. Phổ biến là các trường hợp tăng từ 3 - 5kg, cá biệt có một số trường hợp tăng từ 9 - 10kg trong thời gian từ tết tới nay.

Căng thẳng, stress cũng là một trong những yếu tố nguy cơ khiến tăng cân, đặc biệt ở người lớn. Ở nhà quá lâu trong một không gian chật hẹp, ít giao tiếp khiến nhiều người có cảm giác buồn chán và tìm tới đồ ăn như một cách giải tỏa tâm lý.

“Có bệnh nhân sau khi tăng cân quá nhanh, ngồi rà soát lại camera trong ngày thì phát hiện mình mở tủ lạnh tới… 20 lần. Lại có những người lo lắng thái quá về dịch bệnh, sợ giãn cách xã hội nên mua thật nhiều đồ ăn cất trong tủ lạnh. Tuy nhiên, thực phẩm hầu hết phải sử dụng trong khoảng năm ngày nên lại phải cố chế biến thật nhiều món, ăn thật nhiều đồ… khiến chế độ dinh dưỡng mất cân bằng”, bác sĩ Trương Hồng Sơn chia sẻ.

Viện trưởng Viện Y học ứng dụng khẳng định, COVID-19 đang tác động tới vấn đề kiểm soát cân nặng. Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu nghiên cứu nào về tác động của các đợt dịch gây ra, song tại Ý và Nhật Bản, đã có thống kê, khoảng 1/3 dân số bị tăng cân trong mùa dịch. 

Theo giáo sư Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, trong mùa dịch, nhiều phụ huynh có xu hướng bồi bổ quá mức cho con với hy vọng tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, đây lại là sai lầm nghiêm trọng. Với trẻ thừa cân, béo phì, nạp năng lượng quá mức có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ miễn dịch. Với trẻ cân đối, được nuông chiều thói quen ăn uống trong giai đoạn này có thể tạo thành đà tăng cân trong thời gian tới. Việc thừa cân không chỉ gây khó khăn cho tim, não mà còn khiến sự tăng tiết hoóc-môn mất kiểm soát. Do đó, không những không nâng cao mà khả năng phòng bệnh của hệ miễn dịch còn bị phá hỏng.

Tìm việc nhà để cả gia đình cùng vận động 

Để khắc phục tình trạng tăng cân, béo phì trong thời gian nghỉ dịch, giãn cách, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng để xây dựng bữa ăn hợp lý cho gia đình. Đối với trẻ em, nên tham khảo tháp dinh dưỡng cho từng độ tuổi để đáp ứng nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở mức hợp lý, đủ chất nhưng không dư lượng. 

Với trẻ thừa cân, béo phì, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn, mà phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển, đồng thời ăn hạn chế các loại chất béo, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo và nước ngọt. Ngay cả trong thời gian giãn cách, hạn chế ra ngoài, các gia đình vẫn có thể khuyến khích, tăng cường hoạt động thể dục trong nhà để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo và tạo sức bền cho trẻ.

“Bữa ăn cần cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng, đủ nhu cầu về năng lượng khẩu phần từ các chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Tỷ lệ các chất đạm, chất béo từ nguồn động vật và thực vật cân đối hợp lý. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bằng các thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít chất béo, ít đường và muối”, giáo sư Nguyễn Gia Khánh khuyến cáo.

Đặc biệt, để hạn chế các hoạt động ngồi một chỗ trong thời gian dài như ngồi xem ti vi, video, trò chơi điện tử… theo giáo sư Nguyễn Gia Khánh, các gia đình nên cùng con trẻ làm công việc nhà như chăm cây, trồng rau, lau dọn nhà cửa, bưng bê đồ đạc nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe từng thành viên…

Bác sĩ Trương Hồng Sơn cũng lưu ý, nhiều người có quan điểm, để duy trì cân nặng, tránh tăng cân thì cần “nói không” với tinh bột. Tuy nhiên, thực tế, chế dộ dinh dưỡng lành mạnh lại phải đảm bảo cân bằng giữa các thành phần protein, lipid và tinh bột. Trong đó, tinh bột nên chiếm khoảng 50-60% tổng năng lượng. Ngoài ra, nên bổ sung protein từ cá bởi trong cá có Omega-3 và các loại chất béo không no. “Không chỉ tăng cân quá đà mà nếu giảm cân đột ngột cũng khiến cho hệ miễn dịch của bạn bị suy giảm”, bác sĩ Trường Hồng Sơn nhấn mạnh. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI