Ông Đinh La Thăng hầu tòa tại TPHCM

14/12/2020 - 09:32

PNO - Sáng 14/12, Tòa án nhân dân TPHCM xét xử ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) và 18 bị cáo liên quan đến sai phạm tại cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Trong vụ án, ông Đinh La Thăng và 6 cán bộ Bộ GT-VT bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Còn Đinh Ngọc Hệ và 12 bị cáo khác bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, do mối quan hệ quen biết nên ông Đinh La Thăng đã giới thiệu 2 công ty của Đinh Ngọc Hệ tham gia đấu thầu và trúng thầu, sau đó Hệ chỉ đạo nhân viên chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong vụ án này.

Ông Đinh La Thăng hầu tòa tại TPHCM sáng 14/12/2020
Ông Đinh La Thăng hầu tòa tại TPHCM sáng 14/12/2020

Cụ thể: Với vai trò Bộ trưởng Bộ GT-VT, là người đứng đầu công tác quản lý tài sản tại Bộ GT-VT, trong đó có quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, ông Đinh La Thăng đã ký văn bản số 7331/BGTVT-TC gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp nhận lại Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM- Trung Lương và tiếp tục tìm kiếm đối tác nhằm bán quyền thu phí để thu hồi nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho Dự án.

Bị cáo Đinh La Thăng nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và quy định về việc chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn, cần tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hoá việc bản quyền thu phí. Tuy nhiên, tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao Bộ GT-VT thực hiện việc bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM- Trung Lương, xuất phát từ mối quan hệ quen biết từ trước với Đinh Ngọc Hệ, ông Đinh La Thăng đã điện thoại cho bị can Dương Tuấn Minh - Tổng giám đốc Công ty Cửu Long thuộc Bộ GT-VT giới thiệu để công ty của Đinh Ngọc Hệ tham gia mua quyền thu phí, dù ông Thăng biết công ty này đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính.

Để triển khai tổ chức bản đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM- Trung Lương, ngày 3/10/2013, bị cáo Đinh La Thăng ký Quyết định số 3050/QĐ-BGTVT về việc thành lập Hội đồng bán đấu giá và Tổ thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá. Ông Đinh La Thăng biết toàn bộ hoạt động triển khai xây dựng Đề án, kết quả bán đấu giá quyền thu phí thực hiện không đúng quy định của pháp luật thông qua các tài liệu do bị can Nguyễn Hồng Trường -  Thứ trưởng Bộ GT-VT được giao trực tiếp phụ trách.

Vì vậy, cáo trạng xác định bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ các sai phạm của các cán bộ tại Bộ GT-VT trong việc tổ chức bản đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ, gây hậu quả thất thoát cho Nhà nước 725.325.876.000 đồng (trên 725 tỷ đồng).

Các luật sư tham gia vụ án trước giờ xét xử
Các luật sư tham gia vụ án trước giờ xét xử

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định hành vi của bị cáo Đinh La Thăng là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và chịu trách nhiệm chính trong vụ án.

Bị cáo Đinh La Thăng có 6 luật sư (LS) bào chữa gồm: LS Trương Trọng Nghĩa, LS Nguyễn Hồng Hà, LS Ngô Minh Hưng ( Đoàn LS TPHCM); LS Hoàng Văn Hướng, LS Hoàng Văn Doãn, LS Nguyễn Văn Túy ( Đoàn LS Hà Nội).

Dự kiến, vụ án sẽ được xét xử từ 14/12 đến 25/12/2020 tại Tòa án nhân dân TPHCM.

Hiếu Nguyễn - Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI