Ông chồng ba không

08/11/2022 - 05:37

PNO - Dân cư quanh cái chợ này truyền miệng nhau, khen anh chồng “hay ghê”, “không bị bệnh sĩ diện đàn ông, chứ mấy ông nhà mình dễ gì!”.

Quầy thịt đặt ngay trước hàng ăn sáng. Đứng quầy là một người đàn ông trẻ, lanh lợi, sáng sủa. Theo ứng xử của những vị khách đi chợ thì có lẽ anh đứng đó chưa lâu. 

Thường, người ta mua thịt thì chỉ chăm chăm nhìn tới nhìn lui để lựa chọn thịt, “chốt đơn” rồi chủ quầy lẹ làng xắt xắt, gói gói, “thương vụ” kết thúc. Nhưng ở quầy này, nhiều người hay nhìn lên ông chủ và hỏi:

- Nay bán đây luôn à?

- Con trai mà biết bán thịt luôn à?

- Trẻ mà giỏi quá ta!

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Anh chỉ độ ngoài 30. Đàn ông bán thịt trên đời này không thiếu. Nhưng dường như ông nào cũng bay nhảy chán chê, đi làm đủ thứ nghề rồi mới quay về quầy thịt nào đó. Nên chi, hình ảnh một “cậu trai trẻ”, lại nhìn có vẻ hiện đại như anh đứng chỗ này khiến người ta thắc mắc. Nhưng hễ được hỏi, anh luôn trả lời:

- Em bán thay vợ vài bữa thôi!

Cả xóm chợ bắt đầu tò mò về cô vợ. Chưa ai từng thấy cô ấy đứng quầy bao giờ. Thỉnh thoảng, cô vợ tạt ngang, nhưng chỉ như… khách mua thịt. Khi ngồi lại lâu hơn, cô trở thành… khách của quầy ăn sáng, quầy chè, quầy rau.

Nhìn cô không ra dáng bà chủ quầy thịt, còn anh chồng lại chẳng giống một người bán thay.

Đến chừng tháng thứ ba, anh chủ hàng thịt đã quen mặt hầu hết phụ nữ đi chợ ở khu này. Ai cũng có thiện cảm và tin tưởng bởi sự lanh lẹ, chu đáo của anh. Ai hay mua món gì, anh đều nhớ. Anh từ tốn và cẩn thận làm hài lòng cả những bà nội trợ khó tính nhất.

Một bữa, quầy thịt đang đông đúc, bà Tư đứng chờ một chặp rồi nói:

- Thằng nhỏ này xắt thịt khéo thiệt bây ơi! Khéo mà chu đáo vậy, chắc vợ mê lắm hả con?

Chị khác nói thêm vô:

- Vợ mà mê đã không cho đi ra chợ bán thịt vầy!

Anh chủ hàng thịt tay vẫn thoăn thoắt, nói:

- Ơ, được vợ mê thì vẫn phải đi kiếm sống chứ?

Thấy anh có vẻ cởi mở, các chị lao xao: 

- Hổm rày bán vậy chắc giành luôn hàng thịt của vợ rồi phải không?

- Hay cưới thêm cô nữa cho cổ bán thịt giúp?

Anh cười:

- Vợ chồng ai làm được gì thì làm, cuộc sống khó khăn mà! 

Rồi như được chạm đúng tâm tư, anh kể, anh học đại học xong, vừa tìm được việc là đòi cưới cô người yêu từ thời phổ thông. Khi ấy gia đình ngăn cản dữ, nhưng anh quyết cưới. Trước khi đồng ý hôn sự, ba anh nói:

- Cuộc sống gia đình sẽ rất khó khăn, nếu con nhắm con đủ trách nhiệm để gánh vác thì cưới. Không thì khoan. Có ba thứ cần vượt qua là sĩ diện, sự lười biếng và ý tưởng buông xuôi. Nếu vướng vào một trong ba thứ hôn nhân không thể bền vững. 

Nói rồi, ba anh cho con trai ba ngày để suy nghĩ. “Hồi đó yêu vợ quá, nên dù có 100 thứ cũng phải vượt qua chứ đừng nói gì ba thứ” - anh nói. Và thế là họ cưới nhau.

Cưới xong, cô vợ về phụ trách quầy thịt của mẹ ruột, còn chồng vẫn là kỹ sư xây dựng mới vào nghề. Việc bán thịt tuy chẳng oai oách với ai, nhưng thu nhập gấp bốn lần lương kỹ sư của anh. 

Cuộc sống ổn thỏa cho đến khi vợ sinh con đầu. Đứa bé xáo tung lịch sinh hoạt của cả nhà với những pha khóc đêm triền miên. Cả hai vợ chồng đều mất ngủ, sức khỏe sa sút. Vợ nghỉ sinh khiến tài chính gia đình cũng hạn hẹp. Đến khi cô vừa quay lại quầy thịt thì lại… “vỡ kế hoạch”, cô có thai đứa con thứ hai với những trận ốm nghén. 

Vợ anh căng thẳng tột độ. Quầy thịt ở chợ đóng cửa lâu ngày cũng mất gần hết khách. Cô vợ bị rối loạn lo âu, từ ngày này qua ngày khác chỉ sợ không có tiền nuôi con. Khi ấy, anh thừa biết lương kỹ sư xây dựng không có kinh nghiệm không thể nào nuôi sống gia đình có hai con nhỏ. 

- Lúc khó khăn nhất, em lại nhớ lời dặn của ba. Phải có ba không: không sĩ diện, không lười biếng, không buông xuôi để vượt qua thử thách này - anh kể.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Anh nhận ra, mình phải bằng mọi giá kiếm được những đồng tiền lương thiện để nuôi sống gia đình. Vậy là anh tạm gác giấc mơ làm kỹ sư xây dựng, thay vợ đi bán thịt - cái nghề có sẵn của gia đình, mà thu nhập tạm ổn. Vợ anh phụ chồng tìm một điểm bán mới, chuẩn bị mọi thứ để chồng đứng bán như mọi người đã chứng kiến mấy tháng qua. 

Ai nghe chuyện cũng tiếc cái nghề kỹ sư của anh. Bà Tư còn nói, nhìn nó trẻ trung phong độ vầy, làm kỹ sư thì oai phải biết. Anh cười:

- Tạm thời phải kiếm tiền cái đã, mốt vợ sinh con xong thể nào bả cũng sẽ ra tranh chấp cái quầy thịt này. Lúc ấy thì lại đi làm kỹ sư!

nh nói với vẻ hớn hở, yêu đời. Câu chuyện anh chủ quầy thịt được vén màn với một sự thật rất bình thường, không… giật gân. Nhưng nó khiến người trong khu dân cư quanh cái chợ này truyền miệng nhau hoài. Anh chủ được khen “hay ghê”, “không có bị bệnh sĩ diện đàn ông, chứ mấy ông nhà mình dễ gì!”.

Nhưng tựu trung, việc anh làm vẫn giản dị đến mức đơn sơ: luôn nghĩ về trách nhiệm gánh vác gia đình và đặt gia đình lên trên hết trong mọi giai đoạn. 

Tùng Minh

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI