Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và NSƯT Thành Lộc: 'Chuyện đóng cửa sân khấu cũng có thể xảy ra'

17/02/2017 - 14:38

PNO - Tự hào, hãnh diện và có cả ray rứt... là cảm xúc của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và NSUT Thành Lộc khi ngoái nhìn về chặng đường 20 năm của sân khấu IDECAF.

Sân khấu (SK) IDECAF đang bước vào tuổi 20. Hai người khai sinh SK này là Huỳnh Anh Tuấn và Thành Lộc, mới ngày nào “trẻ trai” sôi nổi, nay đã ở tuổi trung niên tĩnh tại. Huỳnh Anh Tuấn vốn là thầy giáo dạy toán, lý, rẽ sang nghề múa rối với mục tiêu theo đuổi lý tưởng giáo dục trước khi bén duyên với SK kịch.

Thành Lộc là ngôi sao SK từ khi còn rất nhỏ, từng “sáng” ở nhiều sàn diễn trước khi giao duyên với Huỳnh Anh Tuấn sáng lập SK IDECAF. Cuộc trò chuyện này như cái ngoái nhìn về chặng đường 20 năm qua, có vui, có buồn và có những lo âu, trăn trở cho hành trình đang chờ phía trước.

Nhiều tự hào, lắm ray rứt

- Với các anh, việc thành lập SK IDECAF là sự mở đầu, tiếp nối hay đoạn kết hành trình làm nghề?

- Huỳnh Anh Tuấn: Tôi vẫn mặn mà hơn với SK thiếu nhi, coi đó là việc thiêng liêng, SK múa rối của tôi đến nay đã được 34 năm. Tôi làm SK người lớn là chuyện ngẫu nhiên, do bạn bè rủ. Với tôi, đây là sự tiếp nối.

- Thành Lộc: Tôi gặp SK IDECAF như một mối nhân duyên mới để mở ra một trang khác trong sự nghiệp của mình, đó là hoạt động nghệ thuật theo phương thức công ty tư nhân, mình làm chủ tư duy sáng tạo nghệ thuật của mình. Tôi chưa nghĩ đó là điểm kết thúc, nhưng cũng chưa nghĩ mình sẽ tiếp tục đến bao lâu.

Ong bau Huynh Anh Tuan va NSUT Thanh Loc: 'Chuyen dong cua san khau cung co the xay ra'
 
Ong bau Huynh Anh Tuan va NSUT Thanh Loc: 'Chuyen dong cua san khau cung co the xay ra'
 

- Điều gì làm các anh tự hào và điều gì khiến các anh ray rứt?

- Huỳnh Anh Tuấn: Tự hào thì nhiều, mỗi sản phẩm thành công theo một mô hình, chủ đề mới là niềm tự hào, cho thấy sự sáng tạo liên tục của các nghệ sĩ đã ít nhiều làm thỏa mãn được cơn khát món ăn tinh thần của công chúng. Điều ray rứt là thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận người xem chưa được nâng cao để cảm thụ được hết cái đẹp mà các vở diễn của chúng tôi mang lại. Những vở tốt bị lạnh lùng, những vở xàm xí lại được tung hô.

- Thành Lộc: Tôi chỉ thấy mừng và hãnh diện chứ không tự hào, hai điều đó khác nhau. Hãnh diện vì sự nỗ lực đã được đền đáp. Mừng vì vẫn còn bên mình những nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, chịu khó hy sinh nhiều thứ để nuôi dưỡng niềm đam mê và bảo tồn những giá trị nghệ thuật chân chính, tử tế.

Điều làm tôi ray rứt là đến giờ, thu nhập của nghệ sĩ vẫn còn quá thấp so với những gì mà họ đem lại cho SK này. Điều này, lực bất tòng tâm vì số ghế của khán phòng chỉ có thế, giá vé xem kịch thuộc loại rẻ bèo mà so với thu nhập của người dân lao động thì lại vẫn cao. Rồi thì cơ ngơi chúng tôi đã bắt đầu lạc hậu, nghèo nàn; diễn viên không còn toàn tâm toàn ý với đơn vị mình như ngày họ mới ở điểm xuất phát.

- IDECAF được xem là SK xã hội hóa thành công nhất bởi có số lượng khán giả luôn vượt trội và ổn định. Vì các vở diễn ở đây biết dựa theo thị hiếu khán giả hay có sự đồng điệu giữa nghệ sĩ và người xem?

- Huỳnh Anh Tuấn: Chúng tôi gần như bắt khán giả đi theo mình, đồng điệu với mình chứ không chạy theo thị hiếu. Khi dựng vở, bao giờ chúng tôi cũng có chủ đích, thỉnh thoảng có một vài mảng miếng cho khán giả “dễ thở” là thủ pháp dàn dựng. Chúng tôi tự hào vì có số lượng khán giả đồng điệu, song hành với mình trong suốt hơn 20 năm.

- Thành Lộc: Câu hỏi cũng gần như là lời giải đáp rồi. Kịch mục cũng giống như thực đơn của một nhà hàng vậy, có món này món kia để dung hòa khẩu vị thực khách. Kinh doanh nghệ thuật phức tạp hơn một chút, đó là phải biết cân bằng tiêu chí để khán giả kiểu nào cũng chịu mua vé xem là thành công. Tuy vậy, cũng cần phải khoanh vùng khán giả trong khả năng dung hòa có thể, để xác định đẳng cấp nghệ thuật của đơn vị mình. Chúng tôi muốn làm ra những sản phẩm có chất lượng nhưng phải dễ bán vì đó chính là nồi cơm chung của mọi người trong công ty.

- Nhiều nghệ sĩ gạo cội có sức hút đã lần lượt rời SK IDECAF, lực lượng diễn viên trẻ bổ sung hiện nay có thay thế được?

- Huỳnh Anh Tuấn: Quy luật tre già măng mọc là lẽ tự nhiên. Các anh chị lớp trước vì nhiều lý do riêng đã không còn hợp tác nữa là điều đáng tiếc. Song lực lượng mới lại làm cho SK luôn trẻ, phù hợp với xu thế khán giả luôn đổi mới, trẻ hóa của SK chúng tôi. Tất nhiên, các bạn ấy chưa thể so sánh được với bậc đàn anh, đàn chị nhưng vẫn thay thế được vai trò của họ trên sàn diễn trong khả năng
có thể.

- Thành Lộc: Trong nghệ thuật trình diễn luôn có tính kế thừa. Việc các nghệ sĩ gạo cội tách ra riêng để thành lập những đơn vị nghệ thuật mới chính là thành công trong sự nghiệp của họ. Đó là tín hiệu vui, nhờ vậy, mới có cơ hội cho những người trẻ xuất hiện và định hình diện mạo của mình.

Thì ngay tôi đây, cũng phải chia tay SK 5B mới có công ty Thái Dương bây giờ để nuôi dưỡng biết bao nhiêu tài năng SK mới hiện nay đó thôi. Tất cả đều là nhân duyên và tôi thuận theo điều đó. Diễn viên tiền bối hay hậu bối gì thì cũng đều có ưu và khuyết. Khi làm quản lý rồi, tôi mới thấy hết họ từ chuyên môn cho đến nết ở. Theo họ, tôi bị bạc tóc nhiều!

- Không ít người cho rằng SK IDECAF thời gian sau này thiên về náo kịch, ít có vở sâu lắng. Hướng đi của SK đã thay đổi, hay phải làm vậy để giữ khán giả?

- Huỳnh Anh Tuấn: Chúng tôi phải thay đổi chút ít để phù hợp với khán giả hiện nay. Đó là chuyện rất bình thường bởi phải xoay chuyển để đón nhận khán giả đến với mình. Khó khăn từ lâu của chúng tôi khi dựng vở mới là thiếu những kịch bản mang tính khám phá, sáng tạo để phù hợp với khán giả hiện nay. Người xem bây giờ rất nhạy với các vấn đề xã hội, họ cập nhật thông tin hằng ngày, trong khi SK lại bị chậm, lạc hậu.

- Thành Lộc: Ai nói náo kịch  không có chiều sâu, là nói càn. Làm náo kịch khó lắm, náo kịch mà hay lại càng khó hơn. Vừa rồi, chúng tôi làm vở Chúng ta là gia đình, phóng tác từ một vở kịch cổ điển Pháp nổi tiếng, có một khán giả vào hộp thư facebook của tôi phang ngay: “Kịch dở hơi!”. Nhưng với khán giả hiểu biết về văn học và SK Pháp, lại khen lâu rồi mới được xem một vở kịch có câu chuyện thú vị
như vậy.

Ong bau Huynh Anh Tuan va NSUT Thanh Loc: 'Chuyen dong cua san khau cung co the xay ra'
Ông bầu của sân khấu IDECAF - Huỳnh Anh Tuấn

Càng khó khăn, càng nuôi hy vọng

- Hiện không thấy các anh dựng vở lịch sử như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử… nữa, có phải vì áp lực doanh thu?

- Huỳnh Anh Tuấn: Một vở kịch lịch sử chỉ được đánh giá là thành công khi nó làm được việc mượn chuyện xưa nói chuyện nay. Món ăn này rất cần cho khán giả và chúng tôi, khi dựng vở lịch sử không hề nghĩ đến lợi nhuận, sẵn sàng bù lỗ. Nhưng những kịch bản như vậy hiện rất thiếu người viết. Chúng tôi luôn dành nhiệt huyết cho dòng kịch này song vẫn chờ kịch bản. Hễ có kịch bản hay là chúng tôi dựng ngay.

- Thành Lộc: Ngay cả chuyện phục hồi những vở lịch sử hay của chúng tôi để khán giả mới được xem, còn làm không xong đó chứ. Diễn viên trẻ bây giờ thích đóng phim hơn diễn kịch. Kịch bản lịch sử hay để dàn dựng rất hiếm vì nó phải đảm bảo tính hấp dẫn đảm bảo thu hút khán giả mua vé (đạo diễn chỉ là người bồi đắp chiếc áo bên ngoài, kịch bản văn học mới là chính yếu).

Điều này thì đội ngũ tác giả hiện nay chưa đáp ứng được. Tôi là người thích dựng, thích diễn kịch lịch sử nhưng chưa ưng ý kịch bản nào gần đây cả. Tôi muốn đặt vấn đề với lịch sử hơn là minh họa lịch sử. Nhưng điều đó trong bối cảnh xã hội ta thì chỉ có mơ thôi. Dĩ nhiên tuổi thọ vở kịch lịch sử không dài, vốn bỏ ra nhiều mà việc thu hồi lại vốn là hiếm có. Vậy nên chúng tôi làm hài kịch kiếm tiền để lâu lâu nuôi dưỡng nghề nghiệp bằng cách làm một vở lịch sử cho thỏa như trước đây từng làm.

- Các anh đã có nhiều thành công, song cũng có một số dự án thất bại, điều đó có làm các anh nản chí?

- Huỳnh Anh Tuấn: Chúng tôi không gọi là thất bại mà là chưa thực hiện được. Tôi vẫn đang tiếp tục suy nghĩ  để thực hiện cho được đề án này. Còn Nhà hát Nón Lá ở Cung Văn hóa Lao Động TP.HCM với mục đích đưa chương trình nghệ thuật dân tộc phục vụ du lịch chưa hoạt động được thường xuyên vì chưa tìm được khán giả. Thời gian khách du lịch lưu trú ở TP quá ngắn.

Tôi dự định sẽ chuyển nơi này thành nhà hát thiếu nhi, chuyên diễn các chương trình nghệ thuật cho trẻ em. Dù còn nhiều điều chưa theo ý mình, song tôi không nản chí, khó khăn chỉ làm cho mình nuôi hy vọng. Tôi muốn đóng góp nhiều điều có ích cho xã hội theo khả năng mình có nên cái gì chưa làm được thì tìm mọi cách làm cho được. Tôi sống lạc quan, không bỏ cuộc, không buông tay, luôn hy vọng vào một ngày mình sẽ làm được cái mình muốn.

- Các gameshow SK trên truyền hình gần đây khiến dư luận bức xúc. Nó có ảnh hưởng thế nào đến sàn diễn?

- Huỳnh Anh Tuấn: Ảnh hưởng trực tiếp là làm cho thẩm mỹ khán giả bị hạ thấp rất nhanh vì lượng “bạn xem đài” rất đông. Đây là sản phẩm giải trí tại nhà miễn phí, khiến người ta cảm thấy “làm biếng” ra ngoài đến những nơi giải trí khác, trong đó có các nhà hát, SK.

Đây là thách thức cho những người sáng tạo muốn giữ SK tồn tại. Phải làm cái gì mới hơn, hấp dẫn hơn, đồng thời vẫn giữ được những chuẩn mực về thẩm mỹ. Không biết có ai nghe không, nhưng nếu kiến nghị, tôi mong những người có trách nhiệm quản lý văn hóa của Nhà nước phải lăn xả để hiểu công chúng, hiểu người làm nghề muốn gì, có “trách nhiệm” nhiều hơn nữa để “lèo lái” đường hướng hoạt động văn hóa đúng như ý nghĩa tốt đẹp của nó là nhận thức, giáo dục, giải trí cho công chúng.

- Thành Lộc: Vở diễn SK muốn có giấy phép công diễn phải tiến hành phúc khảo trình duyệt, mỗi đêm diễn hiệu ứng chỉ cho một khán phòng vài trăm người xem. Một gameshow hài hước lên sóng cho mấy chục triệu người xem. Tôi cảm giác dường như quản lý ngành văn hóa đã bất lực với chất lượng thẩm mỹ của những “đại gia” này. Tôi không đòi dẹp bỏ vì đó là nồi cơm của nhiều người. Tôi chỉ kêu gọi là nghệ sĩ thì phải biết trọng nghề và trọng chính mình.

Ong bau Huynh Anh Tuan va NSUT Thanh Loc: 'Chuyen dong cua san khau cung co the xay ra'
Một cảnh trong vở diễn Ngũ quý kỳ phùng của sân khấu IDECAF (Ảnh: Thảo Vân)

- Thời trẻ sôi nổi đã qua, dấu ấn tuổi tác có “gây phiền phức” đến công việc? Các anh có chuẩn bị đội ngũ kế thừa để SK IDECAF được tồn tại lâu dài?

- Huỳnh Anh Tuấn: “Phiền phức” nhất là cho mình cảm giác mọi cái bị chậm lại. Chẳng hạn như tư duy khó đổi mới, không sát với yêu cầu xã hội. Chúng tôi đang chuẩn bị lực lượng trẻ kế thừa để SK IDECAF sống được càng lâu càng tốt.

- Thành Lộc: Tôi không lo ngại chuyện mình còn đứng trên SK nữa không vì… sẽ còn đứng lâu nữa. Tôi yêu nghề diễn viên nên khó bỏ, với lại tôi đóng vai già từ hồi 22 tuổi nên bây giờ đóng vai già thì khán giả lại thấy tôi trẻ. Từ sau những thành công nhất định trong nghề đạo diễn với các vở diễn trước, tôi đã bắt đầu thấy thích công việc này và chắc chắn đây sẽ là công việc cho tương lai khi tôi không còn làm diễn viên nữa. Công ty chúng tôi vẫn đang có nhiều lớp đào tạo diễn viên tại chỗ, chuẩn bị cho sự kế thừa. Kế thừa được hay không còn tùy thuộc vào nỗ lực của họ.

- Nếu doanh thu tiếp tục khó khăn, liệu các anh có đóng cửa SK?

- Huỳnh Anh Tuấn: Điều đó cũng có thể xảy ra nếu khán giả không còn đón nhận mình nữa. Chúng tôi không thể sống được nếu thiếu khán giả.

- Thành Lộc: Doanh thu của chúng tôi vẫn tốt, nhưng tôi thực lòng không thích có đến hai SK cùng hoạt động song song. Xưa nay đã không thích như vậy rồi vì nó chia trí chia lực của chúng tôi dữ lắm, ngân sách thu chi cũng nặng nề hơn. Nếu gom lại thành một, tôi ưng hơn. Chuyện giữ lại và ổn định thế nào, ban giám đốc chúng tôi sẽ có chiến lược rõ ràng nhưng đóng cửa SK thì không bao giờ. Ờ, nhưng mà chuyện gì cũng có thể xảy ra cả.

Cát Vũ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI