Nữ tiếp viên hàng không học cách chống “bạo hành”

28/06/2016 - 09:35

PNO - Mới đây, hãng East Star Airlines (Trung Quốc) thử nghiệm huấn luyện kỹ năng như quân đội cho 20 nữ tiếp viên.

Họ cũng lấm lem nơi thao trường, mặc quân phục, vác vật nặng để rèn thể lực, học ứng phó với khủng bố và trấn áp hành khách ưa bạo lực, hoặc quá khích trên máy bay. Điều này, nhằm thích ứng với những hành động ngoài tầm kiểm soát của hành khách Trung Quốc (TQ) đang dần gia tăng.

Nói đến chuyện “điên rồ” của ngành hàng không, dường như TQ ghi tên mình vào sách kỷ lục thế giới. Đầu tháng 3/2016, một hành khách kéo cần chốt cửa thoát hiểm để “đón gió cho đỡ ngột ngạt” trong chuyến bay của hãng China Southern Airlines, chuẩn bị cất cánh tại thành phố Thành Đô. Báo hại chuyến bay hoãn cất cánh trong một giờ và việc kiểm tra an ninh thực hiện lại từ đầu. Năm 2015 cũng xảy ra sự cố tương tự với hai hãng hàng không Xiamen Airlines và China Eastern, khi hành khách mở cửa thoát hiểm, làm đường trượt đệm hơi sơ tán bung ra giữa đường băng, họ đều viện cùng một lý do là “để thoáng khí và tiết kiệm thời giờ xuống máy bay”.

Nu tiep vien hang khong hoc cach chong “bao hanh”
Tập huấn tự vệ chống lại tình huống bạo loạn trên máy bay

Không chỉ kém hiểu biết về văn hóa hàng không, hành khách TQ còn nổi tiếng với những “trò lố”. Năm 2015, chính quyền Thái Lan bắt giữ 30 khách du lịch TQ vì họ hát quốc ca TQ và từ chối lên máy bay sau khi chuyến bay bị trễ lịch cất cánh. Mới đây nhất vào trung tuần tháng 6/2016, hãng Hainan Airlines ghi nhận hai sự việc hành khách tấn công phi hành đoàn, một tại sân bay quốc tế Bắc Kinh và một tại tỉnh Sơn Tây, cả hai đều do bất đồng trong việc xếp chỗ ngồi trên máy bay

TQ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về văn minh hàng không. Lời giải thích đơn giản nhất là một số người TQ hoàn toàn thiếu kinh nghiệm bay. Họ không đọc thông báo an toàn trước chuyến bay, và không hiểu tính nghiêm trọng của việc tự ý mở cửa thoát hiểm. Nhưng, suy cho cùng, tầng lớp nhà giàu mới nổi tại TQ vẫn bị chỉ trích vì lối suy nghĩ “ta đây”, “vô phép vô tắc” của mình.

Bên cạnh đó, số lượng hành khách của hàng không TQ phát triển nhanh chóng. Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không dân dụng TQ (CAAC), số lượng hành khách tại các sân bay TQ đạt mốc 915 triệu vào năm 2015, tăng 10% so với năm 2014. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế dự đoán TQ sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường vận tải hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Ngày càng đông hành khách, trong lúc nhà chức trách hàng không dân dụng chưa tháo gỡ hết khó khăn ở khâu quản lý, các hãng hàng không luôn quá tải, dẫn đến “truyền thống” chậm trễ đứng đầu thế giới. Thực tế, mọi sân bay tại TQ đều có tỷ lệ trễ chuyến vượt quá 50%.

Tuy vậy, vấn đề văn minh hàng không tại TQ được xem là nguyên nhân nan giải. Thế nên, trong khi chờ đợi đầu tư các sân bay cũng như người dân quen dần với việc di chuyển bằng đường hàng không, tự thân hãng phải thực hiện biện pháp bảo vệ an toàn cho phi hành đoàn của mình, cũng như trật tự an ninh trên chuyến bay. Ngoài biện pháp huấn luyện kỹ năng “chiến đấu” cho nữ tiếp viên như trên, đầu năm 2016, năm hãng hàng không lớn nhất TQ (Air China, China Eastern, China Southern, Hainan Airlines và Spring Air) đồng thuận thiết lập chung một “danh sách đen” những hành khách ngang bướng và cấm họ sử dụng dịch vụ bay của nhóm.

Tấn Vĩ (Theo Yahoo, Bloomberg, Daily Mail, BBC, Chinaaviationdaily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI