Nữ sinh đạt giải Quốc gia trượt ĐH: ĐH Luật Hà Nội lên tiếng!

08/11/2016 - 15:29

PNO - "Chúng tôi hoạt động trong ngành giáo dục, đương nhiên rất thương người học và sinh viên. Tuy nhiên, phải xét trên nhiều phương diện nên chúng tôi đang cân nhắc..."

Liên quan đến việc em Đặng Thị Huyền, học sinh giỏi Quốc gia nhưng trượt đại học vì "không có internet". Cụ thể, trước đó Huyền đã đăng ký đợt 1 vào 2 trường và trúng tuyển vào 2 ngành: ngành Luật của Trường ĐH Luật Hà Nội và ngành Việt Nam học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Trước thông tin này, trao đổi với Báo Dân trí, TS Lê Đình Nghị, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, nhà trường đã nhận được văn bản từ Bộ GD&ĐT cũng như nắm được tinh thần về việc căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của gia đình thí sinh và ý kiến của Sở GD&ĐT Hà Giang để xem xét tiếp nhận thí sinh Đặng Thị Huyền vào ngành học đã trúng tuyển.

"Quyết định cuối cùng là do Hiệu trưởng Trường ĐH Luật. Tuy nhiên, quan điểm ban đầu: Nếu giải quyết trường hợp này, sẽ nảy sinh ra các trường hợp khác bởi bản thân tôi đã phải từ chối 3-4 trường hợp tương tự trong thời gian qua.

Về nguyên tắc, chúng tôi phải làm đúng quy chế. Trong khi đó, mọi việc liên quan đến xét tuyển đều đã xong xuôi. Hiện chúng tôi chưa thể có thông tin chính thức lúc này. Tuy nhiên, trình tự xử lý, trước mắt nhà trường sẽ đưa sự việc ra Hội đồng tuyển sinh nhà trường để có bàn bạc kĩ lưỡng, phân tích những mặt tích cực và tiêu cực nếu nhận thí sinh này vào trường", TS Nghị đặt vấn đề.

Nu sinh dat giai Quoc gia truot DH: DH Luat Ha Noi len tieng!
Em Đặng Thị Huyền.

Theo TS. Nghị, trong buổi họp với Hội đồng tuyển sinh, ông sẽ có những phân tích quan trọng để tham mưu cho lãnh đạo. Theo đó, quan điểm phải tập trung vào chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chứ không phải số lượng là quan trọng.

Thứ nhất, nếu nhận thí sinh Huyền sẽ có tính hai mặt. Mặt tích cực, hoàn cảnh của em rất đáng thương và nhận em vào học là đảm bảo chính sách dân vận dân tộc đối với người dân tộc thiểu số.

Về mặt hạn chế, nếu đặc cách xét thí sinh Huyền sẽ tạo tiền lệ xấu. Thứ hai, Pháp luật không thể áp dụng trường hợp ngoại lệ. Trong quy chế của Bộ GD&ĐT không có trường hợp ngoại lệ.

Thứ ba, hiện rất khó cho trường. Nhà trường hiện đào tạo theo hình thức tín chỉ. Các môn học được tiến hành theo kiểu hết môn học này mới tiến hành sang môn khác. Tuy nhiên, nếu đồng ý nhận thí sinh Huyền vào thời điểm gần kết thúc học kì I thế này, khi các môn học sắp thi học kì đến nơi, nhà trường không thể mở riêng một lớp cho em Huyền bởi đã nhận thí sinh, đương nhiên phải đảm bảo quyền lợi cho người học.

"Chúng tôi hoạt động trong ngành giáo dục, đương nhiên rất thương người học và sinh viên. Tuy nhiên, phải xét trên nhiều phương diện nên chúng tôi đang cân nhắc và khi đưa ra cuộc họp của Hội đồng tuyển sinh, chúng tôi sẽ phải phân tích tất cả các mặt khi tuyển sinh hoặc không tuyển sinh thí sinh Huyền", ông Nghị khẳng định.

Trả lời câu hỏi, nếu việc xét duyệt cho thí sinh Huyền vào nhập học trong năm nay có khó khăn, liệu nhà trường có cho phép em bảo lưu kết quả? TS Nghị cho hay, nhà trường có thể bảo lưu nhưng phải có công văn yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Trước đó, như đã thông tin, em Đặng Thị Huyền (dân tộc Hoa, ở thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cầu cứu vì mình đạt điểm cao, có giải quốc gia mà vẫn không trúng tuyển ĐH. Đến khi các bạn nhập học cả thì Huyền xác định là mình đã trượt, em vô cùng thất vọng. Ngay cả cô giáo chủ nhiệm của Huyền cũng rất tiếc và không hiểu vì sao cô học sinh xuất sắc của mình lại trượt ĐH.

Sau đó, Huyền nhận được giấy mời lên Hà Nội dự lễ tuyên dương học sinh dân tộc đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia, đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tại đây, mọi người mới chỉ cho Huyền gọi điện lên phòng đào tạo các trường để hỏi lý do.

Lúc này, Huyền mới vỡ lẽ, do không thạo sử dụng Internet (trước đó em toàn nhờ cô giáo xem hộ), không có điều kiện cập nhật thông tin về danh sách trúng tuyển trong thời gian các trường công bố, em đã không kịp thời gửi giấy báo điểm để xác nhận mình trúng tuyển. Do vậy, cả 2 trường đều coi em là ... "thí sinh ảo".

Trước thông tin này, người đứng đầu ngành giáo dục đã chính thức lên tiếng. Theo đó, chia sẻ với báo Người Đưa Tin, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Hiện Bộ đang xem xét giải quyết trường hợp em Đặng Thị Huyền để em có thể nhập học sớm nhất".

Đại diện Cục Khảo thí (Bộ GD&ĐT) cho biết hiện Cục đang xác minh tất cả các vấn đề liên quan. Ví dụ như xác định từ địa phương việc không liên lạc được với em Đặng Thị Huyền trong thời gian xét tuyển. Huyền có đoạt giải học sinh giỏi quốc gia hay không... Trước mắt, Bộ sẽ làm việc với 2 trường ĐHSP Hà Nội và Đại học Luật để xem xét giải quyết.

Hà My (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI