Nữ sinh bị buộc thôi học vì xăm tên lên ngực: Không phải trường tư là được đưa ra 'luật riêng"

13/05/2021 - 06:40

PNO - Nữ sinh lớp 11 tại TP Biên Hoà (Đồng Nai) bị buộc thôi học vì liên quan việc xăm tên lên ngực đăng lên mạng xã hội.

Thầy Phạm Ngọc Đoán -Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) cho biết: nhiều năm nay, nhà trường đều bắt buộc phụ huynh và học sinh phải ký cam kết tuân theo các quy định của trường khi theo học.

Trong đó, có quy định ghi rõ đối với nữ sinh: "Mặc đầm ngang đầu gối, áo không được cắt ngắn, đi giày dép có quai hậu cao không quá 5cm, không sử dụng son phấn, gắn lông mi giả, sơn móng tay móng chân. Không nhuộm tóc màu, không xịt keo, không xăm hình".

Với trường hợp nữ sinh đang theo học lớp 11 tại trường xăm tên lên ngực, trước khi vào trường cũng đã ký cam kết chấp hành nội quy của trường. Gần đây, nữ sinh này đăng hình ảnh xăm tên mình trên ngực lên facebook.

Theo thầy Đoán, phía phụ huynh học sinh có đề nghị nhà trường cho con em họ tiếp tục theo học đến hết lớp 12. Tuy nhiên, nhà trường không đồng ý.

Trường THPT Nguyễn Khuyến (ảnh: NLĐ)
Trường THPT Nguyễn Khuyến (ảnh: NLĐ)

Sự việc này ngay lập tức thu hút sự tranh cãi của nhiều người. Đa số cho rằng dù có là kỷ luật học sinh thì cũng nên tạo cho các em cơ hội được sửa sai nhất là những năm gần đây Bộ GD-ĐT khuyến khích các biện pháp kỷ luật tích cực.

“Pháp luật không hề quy định ở độ tuổi nào thì được xăm hình cũng không cấm xăm hình. Dù là trường tư thục thì cũng không nên tự đưa ra luật cấm như thế. Hơn thế, môi trường giáo dục nhân văn là giúp học sinh nhìn nhận ra sai lầm và giúp các con sửa chữa, tạo cơ hội cho các con chứ không phải cứ vi phạm là đuổi”, chị Nguyễn Thái An – một phụ huynh tại Tp. Biên Hòa nói.

Một số khác thì cho rằng ở môi trường dân lập, nhà trường được quyền đưa ra các nội quy của mình và thực hiện nghiêm nếu không có những biện pháp kỷ luật “thép” thì khó mà đào tạo được học sinh.

Trao đổi với báo Phụ Nữ, thầy Trần Đức Ngọc – Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) khẳng định:  “Đúng là pháp luật không cấm việc xăm hình và nhiều người coi đó là nghệ thuật, nhưng trong góc nhìn của nhiều người thì việc xăm hình không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ở góc độ nào đó cũng cần tôn trọng những điều pháp luật không cấm, có thế mới thuyết phục học sinh khi mình xử phạt.

Tôi nghĩ, nếu phát hiện học trò đăng lên mạng xã hội hình xăm tên ở ngực thì nhà trường cũng nên xử lý kín đáo. Có thể gọi học sinh, phụ huynh đến trao đổi việc này là vi phạm quy định của nhà trường và đề nghị gỡ hình ảnh trên facebook. Cùng với đó, phân tích cho học sinh hiểu việc xăm hình với học trò chưa phù hợp và điều cần làm là tập trung học tập”.

Cũng theo thầy Ngọc, quan trọng là nhà trường đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng, cho các em cơ hội được sửa sai.

“Nếu làm căng quá, học sinh ở độ tuổi nhiều biến động tâm lý, các em không phục dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát. Ở góc độ giáo dục như vậy là không nên, còn nói để giáo dục học sinh chưa ngoan thì có nhiều cách, không nhất thiết phải đuổi học”, thầy Ngọc cho hay.

Còn theo Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội), ngay cả những đối tượng vị thành niên mà vi phạm pháp luật thì mức án đưa ra vẫn mang tính chất tạo cơ hội cho các em.

“Điều mà tôi băn khoăn là liệu việc quy định học sinh xăm hình bị đuổi học của trường học này có phù hợp với chủ trương của Bộ GD&ĐT về quy định khen thưởng, kỷ luật cho học sinh không. Kể cả có khen thưởng, kỷ luật cũng phải có sự thống nhất giữa các cơ sở giáo dục chứ không thể nói vì là trường tư nên tự ý đưa ra luật riêng”, Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam nói.

Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/T-BGDĐT có nhiều điểm mới so với quy định cũ.

Theo đó, đối với học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:

- Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm;

- Khiển trách và thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm;

- Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.

Như vậy, so với quy định cũ, hiện nay đã bỏ hình thức xử lý phê bình trước lớp, trước trường, bỏ cảnh cáo ghi học bạ và đặc biệt học sinh trung học không còn bị buộc thôi học (đuổi học) có thời hạn mà thay vào đó chỉ tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI