Nữ công nhân giữa vòng vây COVID-19 - Bài 1: Gắn đời mình với khu nhà trọ “ổ chuột”

14/12/2021 - 06:05

PNO - Khi dịch COVID-19 ập đến, cuộc sống của nữ công nhân ở TPHCM vốn đã khốn khó càng thêm bấp bênh. Để trụ lại thành phố, việc tìm kiếm thu nhập, cho con cái học hành, lo chỗ ở luôn rất đỗi nhọc nhằn.

Với mức lương công nhân ít ỏi, chị Bích chỉ có thể thuê phòng trọ với giá 750.000 đồng/tháng. Ở khu trọ này, mọi người phải xài nước giếng bơm, đi vệ sinh bằng “cầu tõm”. Tại TPHCM, có rất nhiều khu nhà trọ tạm bợ, chật chội, nguy cơ cháy nổ cao. 

Phòng trọ “bốn không”

Chiều Chủ nhật, anh Lê Văn Nung - 41 tuổi, quê ở tỉnh An Giang - chở vợ và hai con nhỏ trên chiếc xe máy cũ đến một siêu thị cách khu nhà trọ gần 4km để “đổi gió”. 

Gia đình anh Nung sống ở khu nhà trọ gồm hơn 30 phòng ở đường Láng Le Bàu Cò, ấp 7, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh. Đây thật ra chỉ là những căn phòng được lợp tôn cũ tạm bợ, diện tích mỗi phòng chỉ chừng 10m2, vừa đủ để đặt một tấm nệm và vài vật dụng sinh hoạt thiết yếu cho gia đình. Khoảng cách giữa hai phòng trọ chỉ vừa đủ để dựng chiếc xe máy nên ngoài giờ làm, vợ chồng anh Nung và hai con nhỏ chỉ loay hoay bên chiếc giường nhỏ, mở điện thoại xem YouTube. “Mấy tháng dịch, hai đứa nhỏ phải ở trong phòng trọ suốt, thấy xót lắm. Hôm nay rảnh rỗi, tui tính chở mấy mẹ con đi chơi nhưng cũng không biết đi đâu. Nghe nói siêu thị cuối tuần có bán đồ khuyến mãi nên tui chở bả tới coi sao, sẵn tiện cho mấy đứa nhỏ vô khu trò chơi trẻ em” - anh Nung tâm sự.

Các nữ công nhân ở khu nhà trọ Ao Sen đang dùng chung nước giếng bơm ở một bể chứa nước
Các nữ công nhân ở khu nhà trọ Ao Sen đang dùng chung nước giếng bơm ở một bể chứa nước

Dọc theo đường Láng Le Bàu Cò, có đến vài chục dãy phòng trọ giống như nơi anh Nung đang sống. Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, nhiều người thuê trọ đã “bỏ phố về quê” nên các dãy trọ này có vẻ thoáng, dễ thở hơn nhưng không gian sinh hoạt của mỗi gia đình cũng chỉ bó buộc trong 10m2. Đã vậy, khu vực này có nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động nên không khí luôn ô nhiễm.

Chỉ tay ra con kênh C nước đen kịt cách cửa phòng trọ chỉ vài chục bước chân, chị Nguyễn Thị Thùy Vân - quê ở H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - cho biết, 14 năm trước, khi chị tới đây thuê trọ, chiều tối, mọi người hay đem bàn ra bờ kênh ngồi nướng bắp ăn và trò chuyện giải khuây. Nhưng vài năm nay, kênh C trở thành nỗi ám ảnh của những người thuê trọ. Những ngày nắng nóng, nước từ kênh đen bốc mùi hôi nồng nặc, bay vào nhà khiến mọi người không biết ứng phó thế nào.

Chị Vân kể: “Năm ngoái, kênh này được nạo vét nhưng vẫn còn ô nhiễm. Khu vực này có nhiều nhà máy quá, nước kênh đen ngòm, hay đọng rác nên rất hôi. Được cái là ở đây giá phòng trọ rất rẻ, chỉ 800.000 đồng/phòng nên mọi người mới trụ lại. Bây giờ mà ra ngoài kia thuê thì giá phòng phải 1,5 - 2 triệu đồng. Lương ít, không đủ trả tiền nhà nên phải bấm bụng ở lại đây”.

Mấy hôm nay ở nhà trông con, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích - quê ở H.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - cột một chiếc võng gần đường đi, nằm cho đỡ nóng bức. Khu trọ của chị Bích nằm ven bờ một cái ao lớn trước đây có trồng sen, đối diện Công ty Pouyuen Việt Nam (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) nên người ta gọi đây là khu trọ Ao Sen. Do vướng quy hoạch, không xây dựng được nên chủ đất lợp tạm mái tôn, ngăn vách gỗ làm hơn 100 phòng trọ cho công nhân thuê với giá rẻ.

Hơn 10 năm trước, vợ chồng chị Bích đến TPHCM lập nghiệp, lương khởi điểm chỉ 1,3 triệu đồng/tháng nên chỉ có thể thuê trọ ở khu Ao Sen. Sau 10 năm, mức lương tăng lên được 7 triệu đồng/tháng nhưng vợ chồng chị Bích cùng hai đứa con nhỏ vẫn ở trong căn phòng trọ “ổ chuột” này vì giá thuê chỉ 750.000 đồng/phòng.

Căn phòng trọ của chị Bích tối om, diện tích chỉ đủ để đặt một chiếc giường, một bếp gas mini, xoong nồi còn quần áo phải mắc trên tường vì không có chỗ để đặt tủ. Ngày nắng, gia đình chị Bích thường ăn cơm, sinh hoạt ở lối vào hai dãy phòng trọ. Những ngày mưa gió, bốn người trong gia đình chị phải ăn uống, sinh hoạt trong căn phòng hẹp, tối.

Do không có nhà vệ sinh, người dân ở xóm trọ Ao Sen phải sử dụng cầu tõm
Do không có nhà vệ sinh, người dân ở xóm trọ Ao Sen phải sử dụng cầu tõm

Người dân ở khu Ao Sen gọi đây là xóm trọ bốn không: không số nhà, không ánh sáng, không nước sạch, không nhà vệ sinh. Do đây là khu quy hoạch, không có số nhà để bắt đồng hồ nước nên mọi người phải dùng nước giếng bơm. Nước được bơm ra những bể chứa bằng bê tông, việc tắm, giặt, rửa đồ ăn đều diễn ra ở khu bồn nước. Ở đây, mọi người đi vệ sinh trên ba chiếc cầu tõm dựng bằng thân cây trên ao. 

Chị Bích tâm sự: “Tôi cũng mơ có một căn nhà ở đất Sài Gòn này, nhưng khó quá. Chồng làm thợ hồ, vợ làm công nhân, tiền lương vừa nhận đã mang đi trả nợ hết thì lấy đâu ra mà mua nhà. Giờ chỉ mong được khỏe mạnh để đủ sức nuôi hai đứa nhỏ ăn học, rồi sau này vợ chồng tôi về quê sống, chứ ở nhà trọ bức bối lắm”.

Nhiều nỗi lo dịp cuối năm

Từ đầu tháng 11, các khu nhà trọ công nhân trên Tỉnh lộ 10, đoạn gần Khu công nghiệp Tân Tạo, bắt đầu có đông người trở lại sinh sống. Khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, nhiều công nhân ở các tỉnh miền Tây đã về quê tránh dịch, nay họ quay lại làm việc để kiếm thu nhập, trang trải dịp cuối năm.

Chị Trương Kim Nhung - quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - cho biết: “Sau khoảng bốn tháng ở nhà, tôi đã được đi làm lại từ đầu tháng 11. Tôi cũng vừa lãnh lương tháng này, được 9 triệu đồng, bằng với lúc chưa xảy ra dịch COVID-19. Mọi năm, từ đầu tháng 12, công ty đã rục rịch trả lương tháng 13 nhưng năm nay, chưa nghe nói gì. Tôi chỉ lo năm nay làm ăn khó khăn, người ta cắt mất tiền thưởng tết”.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm nay, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM và các tỉnh phía Nam sẽ giảm từ 30 - 50% tiền thưởng tết so với năm ngoái. Điều này sẽ khiến không ít người lao động gặp khó khăn bởi trong nhiều tháng, họ đã phải nghỉ việc không hưởng lương hoặc chỉ nhận 30% lương.

“Năm ngoái, tôi nhận các khoản thưởng cuối năm được hơn 12 triệu đồng, đủ để về quê và mua sắm các thứ dịp tết. Công nhân làm lương tháng nào xài hết tháng đó, chỉ trông chờ mấy khoản thưởng cuối năm để về quê. Nếu cắt giảm tiền thưởng, chắc năm nay vợ chồng tôi sẽ ở lại Sài Gòn ăn tết” - chị Nguyễn Thị Thành, công nhân may ở quận 12, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, ngậm ngùi.

Gần ba năm sau vụ cháy lớn, căn nhà trọ số 378 Hồ Học Lãm, P.An Lạc, quận Bình Tân vẫn đang là nơi trú ngụ của hàng chục công nhân. Khu nhà trọ này chật hẹp, chỉ có một cửa ra duy nhất thường được khóa kín vào ban đêm khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận hiện trường khi xảy ra cháy.

Theo số liệu khảo sát của Sở Xây dựng TPHCM, TPHCM hiện có 99.108 hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, 1.699.000 người thuê, trong đó có 886.000 công nhân. Năm 2020, sở đã ban hành hướng dẫn về việc xây nhà trọ, trong đó đưa ra tiêu chí lớn nhất là đảm bảo cứu hộ, cứu nạn và phòng cháy, chữa cháy. 

Theo Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TPHCM, hiện có nhiều dãy nhà cho thuê được dựng tạm bợ bằng các vật liệu dễ cháy. Diện tích mỗi phòng nhỏ nhưng phải chất đầy đồ đạc, thiết bị tiêu thụ điện, xe máy và người thuê đun nấu ngổn ngang trong phòng. Thời điểm cuối năm, do gia tăng các hoạt động sản xuất nên nguy cơ cháy nổ luôn cao. Ở các khu nhà trọ chỉ có duy nhất một lối thoát, rất dễ gây thiệt hại nhân mạng nếu xảy ra cháy.

Hiện nay, dịch COVID-19 ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp. Các chuyên gia y tế cho rằng, với việc người lao động trở lại thành phố, các cơ quan chức năng cần tính toán phương án để hạn chế sự lây lan dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác ở các khu nhà trọ. 

Sơn Vinh

Kỳ tới: Chết mòn do môi trường độc hại

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI