Nông dân miền Tây ngất ngư trong cơn hạn, mặn

26/02/2020 - 14:10

PNO - Đường sá bị sụt lún nghiêm trọng, ruộng vườn xơ xác vì khô hạn, sông cạn dòng, kênh rạch trơ đáy, từng tốp thanh niên quẩy chiếc túi nhẹ bâng rời nhà đi tìm kế mưu sinh… Đó là những gì đang diễn ra tại hầu hết các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kênh cạn dòng, đất lở

Giữa khuya 18/2, đoạn đê phòng hộ biển Tây dài khoảng 180m thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng. Trong đó, khoảng 100m bị sụt lún hoàn toàn mặt đê (đường bê tông rộng 5,5m và lề đất mỗi bên rộng 1m), chiều sâu từ 1,8-2m. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, đoạn sụt lún này nằm trong dự án nâng cấp đê biển Tây của tỉnh, có tổng nguồn vốn khoảng 1.600 tỷ đồng. Vị trí sụt lún nằm trong đoạn có chiều dài hơn 4km, vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng. 

“Đoạn này có thể tiếp tục xảy ra lún. Chúng tôi đang nhanh chóng tìm nguyên nhân để khắc phục, đảm bảo an toàn cho vùng ngọt hóa. Nguyên nhân ban đầu có thể là do bên dưới đê có túi bùn, cộng với mùa khô hạn năm nay khắc nghiệt, tuyến kênh bên trong không còn lượng nước để phản áp nên xảy ra sụt lún” - ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, nhận định.

Trước đó, cuối tháng Một và đầu tháng 2/2020, đã xảy ra liên tiếp hai vụ sụt lún đất trên tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc với tổng chiều dài khoảng 50m, lún sâu khoảng 2m, rộng từ 2-5m tùy vị trí. 

Nhiều con sông, kênh rạch nội đồng đều đang trong tình trạng cạn dòng, phơi đáy
Nhiều con sông, kênh rạch nội đồng đều đang trong tình trạng cạn dòng, phơi đáy

Từ đầu mùa khô đến nay, do hạn nặng, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 900 vụ sụt lún, sạt lở đất trong vùng ngọt hóa. Nắng hạn gay gắt còn gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tính riêng ở huyện U Minh, đã có gần 10.000ha lúa bị thiệt hại do hạn sớm; trong đó, chỉ khoảng 3.000ha bị thiệt hại từ 30-70%, còn lại thiệt hại trên 70%.

Gia đình ông Diệp Tấn Đạt - ấp 9, xã Khánh An, huyện U Minh - có 3ha đất trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Năm ngoái, gia đình ông thu hoạch được 135 bao lúa; năm nay, chỉ thu được 55 bao. “Lúc lúa mới chuẩn bị làm đòng thì gặp hạn gay gắt, quá nửa bông lúa bị lép. Vụ này, tôi đầu tư hết khoảng 10 triệu đồng, bán chắc được 3 triệu đồng, đã tốn công lại còn lỗ vốn” - ông Đạt than. Hai đứa con của ông, vừa phụ thu hoạch lúa cho gia đình xong, liền vội vàng quẩy ba-lô đón xe khách liên tỉnh đi làm thuê cho kịp.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, tính đến giữa tháng 2/2020, toàn tỉnh có khoảng 42.000ha lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại. Trong đó, hơn 18.000ha đã bị thiệt hại và phần lớn thiệt hại trên 70%. Diện tích hoa màu trong vùng ngọt hóa có nguy cơ thiệt hại khoảng 340ha. 

“Hạn hán năm nay gây thiệt hại rất lớn cho tỉnh. Theo dự báo, tình hình hạn hán sẽ còn kéo dài. Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, thống kê và xem xét toàn diện mức độ thiệt hại. Sắp tới, nếu đủ điều kiện công bố tình huống thiên tai thì sẽ công bố. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý các khuyến cáo của ngành chuyên môn trong hoạt động sản xuất. Khi đã công bố thiên tai, hộ dân nào đã thực hiện đầy đủ các khuyến cáo mà vẫn bị thiệt hại, mới được hỗ trợ theo quy định” - ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết.

Vùng ngọt hóa không còn nước

Ngồi ở đầu 9 công ruộng, ông Thạch Thương - 60 tuổi, ở khu 9, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - quơ giò tìm chỗ đặt chân lên mặt đất ruộng khô khốc, chi chít vết nẻ như mạng nhện. “Nó sống sót tới giờ này là may mắn nhờ vào sương đêm thôi. Rễ bám đất có loe hoe vài cọng thì sao mà trổ nổi đòng đòng” - ông Thương vừa nói, vừa chỉ tay vào gốc mớ lúa vừa nhổ, chẳng thấy cọng rễ nào.  

Gia đình ông Thương có hơn 10 người. Mấy người con lập gia đình xong, đi làm ăn xa, để lại cho vợ chồng ông mấy đứa cháu đang nhảy lò cò trước sân. Ông có 9 công đất, vừa xuống giống gieo sạ được hơn tháng rưỡi. Lúa non đang lớn, đất ruộng nẻ đầy gốc lúa, kênh lại cạn dòng. Ông nạo đáy vét sòng, mướn máy bơm rồi canh nước gom về, nổ máy, chạy cả thảy hai ngày hai đêm. Bơm canh ngày canh đêm vậy mà nước lên ruộng chưa đủ ngấm gốc.  

Ông Thạch Thương đặt cả lẽ đói no vào một vụ mùa gần như mất trắng
Ông Thạch Thương đặt cả lẽ đói no vào một vụ mùa gần như mất trắng

Phía bên kia bờ con kênh trước nhà ông Thương là một dãy thẳng tắp mía, thân gầy đét, cao chỉ hơn 1m mà đã trổ cờ. Quanh thân mía, đám lá bám quắt queo chen đặc kịt mà chủ ruộng chẳng thèm tước lá. “Không có nước tưới nên người ta bỏ vụ mía đó luôn rồi, chờ bớt gió là đốt bỏ, làm phân” - ông Thương giải thích. 

Đi xuyên cái xóm cạnh con kênh Bao Biền của huyện Long Phú, dọc theo dãy mía úa là hàng trăm ngàn mảnh ruộng héo úa. Lúa đã gieo sạ nhiều ngày, không nước tưới, chủ ruộng đành bấm bụng bỏ cả vụ mùa này luôn. Trước đó, ngành chức năng đã nhiều lần dự báo, tình trạng khô hạn sẽ xảy ra sớm hơn so với năm ngoái, nhưng vì thấy lúa vụ ba thường được mùa trúng giá nên ông Thương cùng bao nông dân khác vẫn mạnh tay xuống giống gieo sạ. 

Cũng ở địa phương này, dọc theo sông Hậu, từ thị trấn Long Phú trải dài đến các xã Long Đức, Châu Khánh, Trường Khánh, Tân Hưng, ruộng rặt một màu khô cháy. Do ảnh hưởng của khô hạn, hàng ngàn héc-ta lúa thiếu nước nghiêm trọng khiến nông dân mất trắng. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Long Phú, trong vụ mùa ba (đông - xuân) năm nay, toàn huyện có khoảng 3.700ha nhưng hiện đã có hơn 1.500ha lúa bị ảnh hưởng của khô hạn. Với tình hình khô hạn như hiện nay, tổng diện tích lúa, hoa màu, cây trái bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục tăng.

Dọc dài gần 150km theo con đường Nam Sông Hậu kéo dài từ TP. Cần Thơ qua tỉnh Sóc Trăng, đến tận Bạc Liêu, con nước mùa này đều bị nhiễm mặn. Độ mặn được cơ quan chức năng thông báo lần lượt từ 1, 2, 3 rồi lên 4, 5, 6 phần ngàn và càng tăng dần về hướng hạ lưu. 

Mặn nhiễm sâu nội đồng

Ở phía đối diện bên kia sông Hậu, hàng ngàn hộ nông dân của các huyện Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú của tỉnh Trà Vinh cũng trong hoàn cảnh thiếu nước tưới cho ruộng lúa. Đồng lúa thuộc ấp Ô Chích B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành dọc theo Quốc lộ 60 vào giờ sáng mát mà không một bóng người. Giữa các bụi lúa cấy là đất trắng phau phau, phơi đường nẻ nham nhở. “Sao không thấy ai đi thăm ruộng?” - chúng tôi hỏi một chị bán nước giải khát ven đường. “Khô hạn vầy thì ra để làm gì? Ông xã tôi cũng bỏ đám ruộng đó, đi làm thuê cả tuần nay rồi” - chị chỉ tay về đám ruộng chớm vàng lá mà chúng tôi vừa ngang qua.  

Xách hai thùng nước múc từ giếng khơi trong sân nhà đổ vào các thau để rải rác trong chuồng vịt bằng lưới trên bờ kênh, ông Trần Văn Sáu - ở ấp Ô Ét, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần - ngồi thở dốc. Cả tháng nay, ông Sáu phải gom vịt vào chuồng, phải ưu tiên trả lại đáy kênh cho bà con nông dân móc vét bùn, tạo đường cho nước rịn dòng mà bơm cứu lúa.  

Một cống ngăn mặn nhưng luôn trong tình trạng thiếu nước
Một cống ngăn mặn nhưng luôn trong tình trạng thiếu nước

Dù cánh đồng vẫn màu xanh nhưng lúa hầu hết đã “phơi chân”. Cả đồng lúa này đang làm đòng. Dọc theo bờ kênh Long Thới là các máy bơm được bà con trong ấp lắp thùng cố định, khóa cẩn thận cho an toàn rồi để luôn ngoài đồng. “Nhà nào tát được ướt đất thì phải tắt máy để nhường cho chủ ruộng lúa kế bên. Lúa đương mần đòng mà thiếu nước là coi như xong” - ông Sáu nói. 

Mới hồi sáng nay, ông Sáu nghe trên đài báo rằng, ranh giới mặn đã lên đến hơn 4 phần ngàn rồi mà lại còn kéo sâu cả 70km. Hiện tại, ở huyện Trà Cú, tất cả cống điều tiết nước buộc phải đóng kín để ngăn mặn. Nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện được chi viện từ huyện Cầu Kè nhưng với mức hạn chế. Trên toàn tỉnh Trà Vinh, có hơn 60.000ha trồng vụ lúa vụ ba đã xuống giống. Lãnh đạo ngành NN-PTNT tỉnh này cho biết, trong số này, hơn 5.000ha lúa của gần 7.000 hộ dân bị thiệt hại do mặn xâm nhập nội đồng, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng.

Hồi trước tết, nước nhiễm mặn đột ngột mà gia đình không biết, cứ bơm tưới vô tư, đến khi nghe thông báo thì đã muộn. Sui gia của ông ở ấp Thanh Khê kề bên trồng sầu riêng cũng bị nhiễm mặn nhẹ cùng đợt. “May mắn là chỉ có vài ba cây quéo lá thôi” - ông Mỹ cười nhẹ hều. Do ở trong đê bao, nước dưới mương trong vườn nhà ông Mỹ vẫn còn đủ cầm cự tạm qua mùa hạn mặn. Một số gia đình thiếu nước tưới cây chọn giải pháp bỏ chăm bón phân, kéo lục bình đắp cho mát gốc, để nguyên cỏ dại để giữ ẩm. 

Cái may mắn của hai hộ nông dân sui gia ở xứ Cù Lao Dài nằm lọt thỏm giữa con sông Tiền này cũng là may mắn chung của nhiều hộ nông dân trồng hơn 1.000ha cây ăn trái ở hai xã Thanh Bình, Quới Thiện vì có được đê bao khép kín. Bên kia sông (thuộc xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng là cù lao nhưng không có được may mắn này. 

Mười ngày qua, ông Bảy Đây - ở cù lao Ngũ Hiệp - như ngồi trên đống lửa vì vườn sầu riêng gần 20 công không có nước tưới. Mương ao trong vườn ông cạn nước, phơi trơ bùn đất. “Ai trồng sầu riêng, mới biết sầu chung, cả ngày đầu tắt mặt tối ở suốt ngoài vườn để chăm sóc. Sầu riêng mà thiếu nước sạch một ngày cũng ảnh hưởng đến mùa vụ cho bông, cho trái” - ông Bảy nói như mếu.

Trên cù lao nổi tiếng về sầu riêng này, có hơn 1.600ha trồng cây ăn trái. Ở vùng sông nước mênh mông, vườn cây ăn trái lại nằm xen lẫn giữa kênh rạch chằng chịt như mạng nhện. Do chưa có cống đập khép kín nên hiện tại, nước nhiễm mặn đã xâm nhập vào toàn khu vực. Mỗi hộ nông dân như ông Bảy Đây phải tự đào đắp đê bao bảo vệ cho vườn nhà mình. 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, gần 80.000ha vườn cây ăn trái tại tỉnh này đang bị hạn mặn đe dọa. Nước nhiễm mặn đã lấn sâu vào hơn 70km. 

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI