Nông dân biết trồng gì để thoát cảnh được mùa mất giá?

21/02/2023 - 18:51

PNO - Câu hỏi trồng cây gì luôn làm đau đầu bao nhiêu người quyết sống bám vào mảnh vườn của mình.

Với 3 công đất chuyên canh sầu riêng trồng sau khi về hưu, em tôi thu gần tỷ bạc. Mừng cho em vì năm trước đã tốn hàng chục đến trăm triệu để mua nước ngọt cứu sầu riêng. Những người bà con trồng thanh long gần đây cũng vui mừng vì giá thanh long đã trở lại như xưa. Nhưng vườn dừa trong nhà ba tôi không ai đến thu mua, để trái rụng tự do rất nguy hiểm. Đến cam sành hiện cũng rớt giá thê thảm chờ được giải cứu.

 

Cam sành bất ngờ rớt giá thê thảm

Đất đai phù sa mầu mỡ, bản tính cần cù, thông minh, nhạy bén ứng dụng kỹ thuật mới, nông dân miền Tây Nam bộ đã đưa ra thị trường thế giới nhiều loại nông sản với giá cạnh tranh. Do trình độ canh tác lạc hậu, nhiều năm trước các loại trái cây Việt Nam khó vượt qua được "hàng rào" tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước phương Tây, vốn được dựng lên để bảo vệ người tiêu dùng hay sâu xa hơn là bảo vệ ngành nông nghiệp của họ.

Thị trường Trung Quốc có rất đông khách hàng bình dân, lại thuận lợi về giao thông vận tải, là điểm đến chủ yếu của nhiều loại nông sản Việt Nam. Nhưng buôn bán theo kiểu “dễ người dễ ta”, phần lớn là xuất khẩu tiểu ngạch, đặc biệt khi Trung Quốc đóng cửa, hạn chế nhập khẩu do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, đã làm điêu đứng bao nhiêu nông dân Việt Nam.

Những năm gần đây, nhất là trong năm 2022, Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc xuất khẩu chính ngạch. Trái cây Việt Nam đã đến được các kệ hàng khắp các nước châu Âu, sang Mỹ, đến Úc… Xác định mã số vùng trồng một số loại trái cây để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã đẩy giá lên cao đem lại lợi nhuận to lớn cho nông dân, điển hình là sầu riêng có lúc giá lên đến trên 200 ngàn/kg cho trái sầu riêng Mongthom, trên 150 ngàn/kg cho giống RI6. Nhưng, vẫn còn đó những loại trái cây chưa có điều kiện xuất chính ngạch làm cho người trồng bao phen “chết đứng” vì giá thu mua quá thấp, không có đầu ra.

Ai cũng hiểu để phát triển bền vững, việc canh tác phải đáp ứng được các yêu cầu chính quy, hiện đại phù hợp với pháp luật thế giới ngay từ khâu bản quyền của hạt giống, cây giống đến tận yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ngành nông nghiệp đang khuyến khích, thúc đẩy nông dân canh tác theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường mua bán chính ngạch. Về phía người nông dân, nếu muốn “ăn chắc mặc bền” trên mảnh đất của mình, cũng cần phải thay đổi nếp nghĩ, nếp làm ngay từ khi đầu tư xuống giống.

Mới rồi tôi nghe tin vợ chồng cô em gái quyết định chặt bỏ thanh long. Khi thanh long có giá cao trở lại, tôi hỏi em có tiếc không? Câu trả lời của em làm tôi yên tâm: “Không, kỳ này em trồng loại mới với dạng liên kết nhau trong hợp tác xã, có cung cấp giống, có bao tiêu, có hợp đồng chặt chẽ ”.

Tôi vui vì em và nhiều bà con khác của tôi quyết tâm không trồng trọt theo kiểu mong chờ may mắn trúng mùa, trúng giá như xưa nữa. May mắn đợt này, đợt khác, nhưng lấy gì bảo đảm không xảy ra sự việc trồng rồi phá, phá lại trồng nếu cứ canh tác theo kiểu “thấy người ta ăn khoai vác mai mà chạy”?.

Nhưng nên đầu tư trồng cây gì để vài ba năm sau khi thu hoạch có thể bán được với giá có lợi? Câu hỏi đó luôn làm đau đầu bao nhiêu người quyết sống bám vào mảnh vườn của mình.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI