Nơm nớp lo núi đổ, đất đá đè nhà

04/01/2021 - 06:45

PNO - Theo khảo sát của chuyên gia địa chất, tỉnh Quảng Trị hiện có 177 điểm trượt lở và nguy cơ trượt lở đất, đá; tỉnh Thừa Thiên - Huế có 48 điểm đã và sẽ xảy ra lũ quét với mật độ rất cao.

Nghe mưa, thấy núi nứt là chạy

14 hộ dân sống ở chân đèo Phú Gia, thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thấp thỏm lo sạt lở núi. Từ phía quốc lộ, dễ dàng nhận rõ vết nứt gãy núi kéo dài. Dưới chân núi là nhà dân sống rải rác.

Chị Trần Thị Hoàng Phương - nhà ngay dưới chân núi - cho biết từ khi xảy ra vụ sạt lở gây chết người ở Thủy điện Rào Trăng 3 đến nay, cả nhà cứ thấp thỏm không yên.

Một ngôi nhà ở xã Hướng Việt, H.Hướng Hóa bị đổ sập do sạt lở đất và lũ quét trong trận lũ lụt giữa tháng 10/2020
Một ngôi nhà ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa bị đổ sập do sạt lở đất và lũ quét trong trận lũ lụt giữa tháng 10/2020

Ông Phan Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến - thông tin trong tháng 12/2020, chính quyền địa phương đã bốn lần yêu cầu 14 hộ dân (65 nhân khẩu) sống dưới chân đèo Phú Gia di dời khẩn cấp.

Khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi vì vết nứt gãy dài khoảng 200m, rộng khoảng 1,5m, xuất hiện từ năm 2008. Nguyên nhân nứt là do trước đó, đơn vị khai thác đất, đá đã đào hổng chân núi.

Từ năm 2008 đến nay, vết nứt không dài và rộng thêm nhưng nguy cơ sạt trượt vẫn rất cao trong mùa mưa bão.

Những ngày này, rất đông người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn từ trung tâm huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đến các xã Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập của huyện này, đặc biệt là các đoàn cứu trợ từ mọi miền đất nước, các lực lượng vũ trang, tổ chức thiện nguyện giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ.

Dọc 60km đoạn đường này, có 27 điểm sạt lở lớn nhỏ khiến giao thông ùn tắc kéo dài nhiều cây số. Tại một số điểm, đường bị hỏng nặng nên mỗi ngày chỉ thông tuyến hai lần, mỗi lần khoảng 2 giờ. 

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh này, vào đêm 8/10, một vụ lở núi đã vùi lấp căn nhà của anh Hồ Văn Hang - thôn Pa Tầng, xã Đakrông, huyện Đakrông. Anh Hang mồ côi cha mẹ, được các tổ chức xã hội xây tặng nhà tình thương. 

Đêm 8/10, phát hiện ngọn núi sau nhà có hiện tượng nứt vỡ, cây cối ngả nghiêng, anh Hang đưa vợ con đến lánh tạm ở nhà hàng xóm. Đến 2g sáng thì nghe một tiếng nổ vang và toàn bộ ngôi nhà của anh bị đất đá vùi lấp. 

Đakrông và Hướng Hóa là hai huyện miền núi có nhiều điểm sạt lở mỗi khi mưa lớn. Hiện các vết nứt trên đỉnh núi Ta Bang, thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa ngày càng lớn và một góc núi bị sạt xuống, lấp bít đường lên núi.

Ông Đặng Trọng Vân - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - cho biết đã lập đoàn kiểm tra, xác minh các khu vực có nguy cơ cao. Đoàn ghi nhận, nhiều đoạn núi có vết nứt dài 150-200m, rộng khoảng 40-60cm, nguy cơ sạt lở rất lớn.

Không đủ kinh phí tái định cư cho dân

14 hộ dân ở chân đèo Phú Gia chủ yếu sống dựa vào trồng rừng, sản xuất nông nghiệp. Cứ đến mùa mưa bão, các hộ dân phải chạy đến các địa điểm an toàn như công trình công cộng hoặc các khu dân cư. Người dân luôn có tâm lý sẵn sàng di tản.

Từ năm 2013, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân và chính quyền địa phương đã nêu nguyện vọng được hỗ trợ và có phương án di dời.

UBND huyện đã nêu phương án hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để dân dời đến khu tái định cư Phước Lộc cùng xã nhưng các hộ dân không đồng ý do kinh phí hỗ trợ di dời không đủ để xây nhà, nơi tái định cư xa nơi sản xuất.

UBND xã cũng đề xuất UBND huyện hỗ trợ đền bù công trình trên đất cho các hộ di dời nhưng huyện không có kinh phí để đáp ứng. 

Cũng theo ông Cường, ngoài 14 hộ ở thôn Phú Gia, còn có 25 hộ ở các thôn Trung Kiền, Thổ Sơn cũng sống gần chân núi trong phạm vi vài trăm mét, cũng có nguy cơ không an toàn trong mùa mưa bão.

Ông Cường nói: “Ở đó, nước chảy thành dòng từ trên núi xuống mỗi khi mưa to nên nguy cơ sạt trượt trong mùa mưa là rất lớn. Các hộ dân này cũng được địa phương đưa vào diện di dời khẩn cấp trong mỗi đợt mưa bão. Nhưng việc bố trí tái định cư nằm ngoài khả năng của UBND xã”.

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết, trong đợt bão lũ vừa qua, huyện Hướng Hóa có 37 người chết do thiên tai, trong đó có 32 người chết do sạt lở đất, đá.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người do sạt lở, UBND huyện Hướng Hóa đã rà soát, thống kê các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để sớm di dân. Khó khăn nhất trong vấn đề di dời vẫn là nguồn vốn để xây dựng các khu tái định cư. 

Đến cuối tháng 12/2020, nhiều điểm sạt lở nặng trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào xã Hướng Việt, H.Hướng Hóa vẫn chưa được khắc phục
Đến cuối tháng 12/2020, nhiều điểm sạt lở nặng trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa vẫn chưa được khắc phục

Hiện toàn huyện có năm xã có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao, gồm Hướng Sơn, Húc, Hướng Phùng, Hướng Lập, Hướng Việt. Tổng số hộ cần di dời, tái định cư là 220 hộ, gồm xã Hướng Sơn 45 hộ với 171 nhân khẩu, xã Húc 85 hộ với 385 nhân khẩu, xã Hướng Phùng 51 hộ với 202 nhân khẩu, xã Hướng Lập 19 hộ với 97 nhân khẩu và xã Hướng Việt 20 hộ với 105 nhân khẩu. 

“Trước mắt, chúng tôi chỉ cho đặt biển cảnh báo để người dân tránh đến khu vực có nguy cơ sạt lở nhưng giải pháp căn bản là bố trí nguồn vốn ngân sách của địa phương và vốn từ sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân khắp cả nước để sớm xây dựng khu tái định cư cho người dân” - ông Vân nói.

Phải trồng thêm rừng 

Hiện tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có hơn 200 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Theo khảo sát mới nhất của tiến sĩ Trần Hữu Tuyên (Khoa Địa lý - Địa chất, Trường đại học Khoa học Huế), tỉnh Quảng Trị có 177 điểm trượt lở và nguy cơ trượt lở, trong đó riêng huyện Hướng Hóa có 81 điểm, tập trung ở các xã Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Húc.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 48 điểm xảy ra lũ quét với mật độ là 0,0096 điểm/km2, thuộc loại rất cao. 

Theo tiến sĩ Tuyên, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tai biến địa chất như trượt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá thường xảy ra ở vùng núi thấp, có độ cao từ 250-750m với độ dốc từ 15-25% như ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và Hương Thủy, chiếm khoảng 36% diện tích toàn tỉnh.

Lũ quét thường xuyên xảy ra nhưng do phần lớn diện tích đồi núi của tỉnh này không có cư dân sinh sống nên số vụ lũ quét ít được ghi nhận. 

Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh có lượng mưa nhiều nhất nước, lượng mưa trung bình hằng năm trong toàn tỉnh đều trên 2.700mm
Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh có lượng mưa nhiều nhất nước

Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh có lượng mưa nhiều nhất nước, lượng mưa trung bình hằng năm trong toàn tỉnh đều trên 2.700mm, có nơi trên 4.000mm như Bạch Mã, Thừa Lưu.

Do sự tác động giữa địa hình và hoàn lưu khí quyển, nên đã hình thành hai trung tâm mưa lớn. Trung tâm mưa lớn thứ nhất là Bạch Mã, Truồi, Thừa Lưu, Nam Đông, Phú Lộc với lượng mưa hằng năm dao động trong khoảng 3.400-4.000mm; trung tâm mưa lớn thứ hai chịu ảnh hưởng của dãy Trường Sơn với Động Ngài cao 1.774m nằm ở huyện A Lưới, có lượng mưa hằng năm trên 3.400mm, năm mưa nhiều nhất vượt trên 5.000mm.

Ông Đặng Văn Hòa - Phó chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng để ứng phó lũ quét và trượt lở đất, cần có giải pháp công trình và phi công trình.

Theo đó, ngoài tăng cường khả năng thoát lũ của lòng dẫn, xây tường chắn, hồ chứa kiểm soát lũ, cần lắp đặt, vận hành các hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số nơi tập trung đông dân cư và các hoạt động kinh tế có nhiều khả năng xuất hiện lũ quét và trượt lở đất.

Ngoài ra, địa phương cần quy hoạch, điều chỉnh khu dân cư, tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét và trượt lở đất, cắm các biển báo nơi có nguy cơ. Và điều quan trọng hơn là cần tăng độ che phủ mặt đệm bằng cách trồng rừng kết hợp với canh tác hợp lý, bảo đảm độ ổn định của kết cấu đất. 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có hơn 1.700 hộ với 6.200 nhân khẩu thuộc 26 xã của bốn huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh và Triệu Phong cần di dời đến nơi ở mới do sạt lở núi và bờ sông.

Trong đó có 21 hộ với 82 nhân khẩu ở xã Hướng Sơn và Hướng Lập, huyện Hướng Hóa cần di dời khẩn cấp.

Tuy nhiên, việc di dời hiện gặp khó khăn do các xã miền núi thiếu quỹ đất bố trí chỗ ở mới, làm đường giao thông, hệ thống điện, nước. Ngoài ra, do tập quán sinh sống của người thiểu số nên cần thời gian vận động để người dân đồng thuận di dời. 

Thuận Hóa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI