Những vụ án giết hại phụ nữ chấn động nước Anh

28/12/2020 - 20:34

PNO - Ở Anh, cứ mỗi 3 ngày có một phụ nữ bị mưu sát bởi nam giới. Tội ác có thể đa dạng, nghiêm trọng trên nhiều cấp độ, thế nhưng tỉ lệ thống kê này đã không đổi suốt một thập niên qua.

Năm 2013, nữ sinh 16 tuổi Sasha Marsden đến phỏng vấn ứng tuyển cho công việc dọn dẹp bán thời gian tại một khách sạn. Người đàn ông hẹn gặp Marsden (vờ làm quản lý tại đây) đã dụ dỗ, tấn công tình dục và dùng dao giết chết cô gái trẻ. Danh tính Marsden chỉ có thể được xác định nhờ DNA lấy từ chiếc bàn chải đánh răng nạn nhân để lại tại hiện trường. Kẻ thủ ác David Minto lĩnh án 35 năm tù. Dẫu vậy với gia đình Marsden, nỗi đau mất người thân dường như sẽ kéo dài vô hạn.

Không lâu sau, Gemma Aitchison, chị của Marsden, quyết định lập ra nhóm nhân quyền YES Matters UK (trụ sở ở Chorlton, ngoại ô thành phố Manchester, miền Bắc nước Anh). “Tôi muốn hiểu vì sao "cơn ác mộng" ấy lại xảy đến với Sasha. Tôi muốn biết liệu mình có thể giúp chấm dứt nó cho nhiều phụ nữ khác”, Aitchison nói.

Một phần quan trọng trong mục tiêu hoạt động của YES Matters là việc giao lưu - trò chuyện với thanh thiếu niên về an toàn tình dục, sức ảnh hưởng từ truyền thông trước vấn đề nhạy cảm hiện nay như ý niệm giới tính, hình ảnh phụ nữ. Aitchison lý giải: “Những năm hoạt động nhân quyền vừa qua khiến tôi hiểu, khi còn tiếp tục bị đối đãi như chủ thể khiêu gợi, hơn là những cá nhân con người với quyền bình đẳng, phụ nữ chúng tôi sẽ tiếp tục bị xem thường”.

Gemma Aitchison thành lập tổ chức xã hội YES Matters UK – như một nỗ lực đấu tranh trước vấn nạn giết hại phụ nữ, sau khi em gái cô Sasha Marsden bị thảm sát năm 2013. (Ảnh: The Observer)
Gemma Aitchison thành lập tổ chức xã hội YES Matters UK, như một nỗ lực đấu tranh trước vấn nạn giết hại phụ nữ, sau khi em gái cô Sasha Marsden bị giết hại năm 2013 - Ảnh: The Observer

Thứ tư, 25/11 vừa qua, đánh dấu Ngày Quốc tế bài trừ bạo lực đối với phụ nữ, đi cùng hàng loạt sự kiện xã hội, tọa đàm xoay quanh đề tài bạo lực do xung đột giới tính trên khắp thế giới. Đây đồng thời là ngày mà Bảng điều tra thực trạng giết hại phụ nữ (Femicide Census) được công bố, gây rúng động truyền thông nước Anh.

Tập tài liệu tổng hợp toàn bộ những vụ thảm sát phụ nữ Anh từ 14-100 tuổi, do nam giới gây ra, trong tổng thời gian 10 năm, từ 2009-2018.

Tội ác giết hại phụ nữ được bảng điều tra định nghĩa là “hành vi bạo lực chết chóc của đàn ông nhắm vào phụ nữ”. Tài liệu nhấn mạnh, trung bình mỗi 3 ngày lại có một phụ nữ bị mưu sát - một tỉ lệ ghê rợn nhưng bất biến suốt một thập niên qua. Dẫu nước Anh đã chứng kiến sự lớn mạnh của những công trình nghiên cứu xã hội, hàng loạt làn sóng đấu tranh vì nhân quyền, những bộ luật lẫn hệ thống hành pháp được liên tục cải thiện, “thói hành xử bạo lực ở nam giới vẫn ẩn hiện từng ngày”, nội dung báo cáo nhận định.

Karen Ingala Smith, giám đốc điều hành Nia - quỹ từ thiện đấu tranh trước vấn nạn bạo hành phụ nữ, đồng thời là nhà sáng lập dự án tài liệu Femicide Census. (Ảnh: The Observer)
Karen Ingala Smith, giám đốc điều hành Nia - quỹ từ thiện đấu tranh trước vấn nạn bạo hành phụ nữ, đồng thời là nhà sáng lập dự án tài liệu Femicide Census - Ảnh: The Observer

Hiện trạng thiếu hụt động thái can thiệp nghiêm túc hơn trước vấn nạn giết hại phụ nữ ở Anh, một phần nguyên nhân nằm ở cách truyền thông nước này vẫn đang nhìn nhận nhiều vụ án mạng “như những tai nạn riêng lẻ”. Bảng báo cáo cho biết, thông tin cung cấp từ cảnh sát thường thiếu tính liên kết về mặt hành vi bạo lực ở nam giới. Một số thông tin được công khai chia sẻ, mặt khác, “quá rời rạc hay không hoàn chỉnh”, vốn gây khó khăn trong nỗ lực xây dựng nhận thức cộng đồng.

“Để giải quyết một vấn đề, trước hết, bạn cần hiểu chính xác nó là gì”, Karen Ingala Smith, giám đốc điều hành Nia - một tổ chức quyên góp vì nhân quyền (chuyên trách vấn nạn tấn công tình dục và bạo lực gia đình), bày tỏ.

Cô và đồng nghiệp Clarissa O’Callaghan, cựu cố vấn pháp luật nay là thương nhân kiêm nhà hoạt động xã hội, đăng tải Bảng điều tra thực trạng giết hại phụ nữ lần đầu tiên vào năm 2016. 3 dự án tài liệu điều tra thường niên đã được xuất bản tiếp nối, nhờ sự giúp sức từ một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu và tư vấn luật.

Giờ đây, khi một thập niên mới trôi qua, báo cáo điều tra của nhóm Ingala Smith bắt đầu “vẽ” ra bức tranh hoàn chỉnh hơn về thực trạng bạo hành, tấn công phụ nữ tại Anh.

Một người tham dự với tấm biển “Quyền phụ nữ chính là nhân quyền” trong sự kiện diễu hành vì quyền phụ nữ tháng 1.2019 tại London, Anh. (Ảnh: Insider)
Một người tham dự với tấm biển “Quyền phụ nữ chính là nhân quyền” trong sự kiện diễu hành vì quyền phụ nữ tháng 1/2019 tại London, Anh - Ảnh: Insider

Trong số 1.425 nạn nhân được bảng báo cáo ghi nhận, đa số là trường hợp bị mưu hại bằng hung khí phổ biến như dao. Không ít lần hành vi gây án thường kèm theo dấu vết đánh đập, hành hung, vốn có thể bị xem nhẹ trong tiến trình điều tra.

Có 62% trường hợp, người phụ nữ bị tấn công bởi chồng/bạn trai ngay tại nhà riêng. Bên cạnh đó, trong 59% vụ việc, kẻ thủ ác cho thấy biểu hiện rình rập, đe dọa nạn nhân từ trước về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Ingala Smith chia sẻ: “Tôi không nghĩ chúng tôi là nhóm hoạt động xã hội duy nhất đang thu thập dữ liệu dạng này. Nhưng sự thật đúng là vậy. Chúng ta vẫn đang rất thiếu cái nhìn bao quát trước thực trạng giết hại phụ nữ”.

“Phía hành pháp tại Anh rất cần tiếp tục cải tiến để bảo vệ phụ nữ tốt hơn. Một số chính sách cần đổi mới, một số nguồn ngân quỹ cần được hỗ trợ phát triển, nhiều khuyến nghị nên được lắng nghe. Chưa nỗ lực đủ để cứu lấy mạng sống những phụ nữ vô tội, đồng nghĩa rằng chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân quyền”, cô tiếp tục.

Người hành nghề dịch vụ tình dục, người nhập cư và đa sắc tộc ở Anh thường bị xem nhẹ trên “biểu đồ” tội ác giết hại phụ nữ. (Ảnh: HuffPost)
Người hành nghề dịch vụ tình dục, người nhập cư và đa sắc tộc ở Anh thường bị xem nhẹ trên “biểu đồ” tội ác giết hại phụ nữ - Ảnh: HuffPost

Suốt một thập niên, theo thống kê từ báo cáo điều tra, động cơ xâm hại gây nên 4%, tức 57 vụ án mạng. Trong 57 nạn nhân, chiếm đa số là phụ nữ hành nghề dịch vụ tình dục. Đặc biệt, trường hợp người đa sắc tộc nhập cư vào Anh bị giết hại tàn nhẫn, hiếm khi được cảnh sát địa phương ghi nhận, liệt vào danh sách "tội ác tấn công phụ nữ".

“Nếu các cơ quan có thẩm quyền vẫn không xem xét thấu đáo hơn một thực tế rằng, hành vi bạo lực nhắm vào phụ nữ có thể xuất hiện ở bất kỳ bối cảnh nào, họ sẽ không thể hiểu mỗi phụ nữ đang phải đối mặt với nguy cơ ra sao”, nội dung báo cáo chỉ ra.  

Song song đó, thái độ thờ ơ của xã hội trước một số mối bất cập - xung đột về giới, theo Ingala Smith, khiến vấn nạn chết chóc này chưa được đánh giá thật sự nghiêm túc. “Chúng ta đã có chương trình phòng chống bạo lực gia đình, nhưng vẫn đang rất thiếu những gói hỗ trợ đấu tranh trước nạn bạo lực nhắm vào phụ nữ”.

Bìa cuốn tài liệu điều tra xã hội “Femicide Census”. (Ảnh: Glazier Design)
Trang bìa tập tài liệu “Femicide Census” - Ảnh: Glazier Design

“Mọi người bảo, đó chỉ là "vài vụ án nhỏ lẻ" mỗi tuần”, Gemma Aitchison nói, “Nhưng đã có "vài vụ án nhỏ lẻ" như thế xuất hiện mỗi tuần từ khi tôi sinh ra. Và tôi nay đã 34 tuổi. Như điều bảng báo cáo điều tra nhấn mạnh, mỗi phụ nữ phải ra đi vì hành vi tội ác đều đáng được trân trọng”.

Giữa lúc dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, bạo lực gia đình và vấn nạn giết hại phụ nữ có khuynh hướng “leo thang” tại Anh. Tài liệu thống kê xã hội của nhóm Ingala Smith biểu trưng tiếng nói nhân quyền mạnh mẽ, thúc giục những cơ quan hữu trách có hành động cấp thiết hơn nhằm chấm dứt tội ác bạo lực nhắm vào phụ nữ.

 

Như Ý (theo TheGuardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI