Những thực phẩm dễ tạo ra nồng độ cồn như uống bia rượu

06/01/2020 - 12:00

PNO - Nước hoa quả lên men, 1 số loại thuốc siro, cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng… đều khiến hơi thở dương tính với nồng độ cồn.

Khi lái xe mà có nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở, người cầm lái sẽ bị xử phạt rất nặng. Tuy nhiên, nhiều người dân lo ngại khi ăn một số loại trái cây, thức ăn có chứa cồn sẽ bị xử phạt khi tham gia giao thông vì trong hơi thở sẽ có nồng độ cồn.

Một số đồ uống, thực phẩm có chứa nồng độ cồn

Lý giải về điều này, tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết ngoài những đồ uống có cồn như bia, rượu, thực tế có rất nhiều thực phẩm, món ăn, thậm chí là thuốc có thể khiến kết quả thử nồng độ cồn hiện dương tính.

Những đồ uống, thực phẩm này bao gồm:

 - Một số thực phẩm như các loại trái cây chín, có lượng đường cao (vải, sầu riêng, chôm chôm…), các loại kẹo cao su không đường, protein bars; các loại nước sốt cay nóng; các món ăn có sử dụng bia, rượu mạnh, rượu vang trong quá trình chế biến.

-  Một số loại siro ho hoặc thuốc ngủ, thuốc hít hen suyễn; một số loại vitamin, nước súc miệng, nước xịt thơm miệng...

 - Một số loại đồ uống như thức uống năng lượng, bia hoặc rượu vang không cồn, soda lên men.

 - Ngoài ra, với một số trường hợp ít gặp, những người bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc những người mắc hội chứng tự sinh rượu - auto-brewery syndrome (còn gọi là hội chứng say xỉn không do uống rượu) cũng có thể có kết quả dương tính khi kiểm tra nồng độ cồn.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Sử dụng thực phẩm này thì sau bao lâu mới nên chạy xe?

"Thực tế, hàm lượng cồn từ những loại thực phẩm, món ăn này rất thấp. Một số món ăn có sử dụng bia, rượu mạnh, rượu vang trong quá trình chế biến, dù chỉ là một lượng nhỏ, không đủ làm say nhưng lượng cồn/rượu này sẽ có thể làm kết quả kiểm tra nồng độ cồn biểu hiện dương tính” - bác sĩ Sơn chia sẻ.

Với những trường hợp trên, cồn chỉ có trong miệng chứ không có trong cơ thể. Sau khi sử dụng đồ uống, thực phẩm có cồn, hãy đợi ít nhất 15 phút trước khi lái xe; súc miệng bằng nước sạch trước khi kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở sẽ tránh được kết quả dương tính.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có những ngưỡng tiêu chuẩn về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Tại Mỹ, Anh, Singapore, Canada, Mexico, ngưỡng quy định là 80mg cồn/100ml máu, 35 microgam/100ml khí thở. Phần lớn các nước châu Âu hiện nay quy định mức vi phạm là 50mg cồn/100ml máu, 22microgam/100ml khí thở nhằm khống chế các vi phạm sử dụng rượu bia nhưng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhiễu đến từ ăn uống, thuốc…

Tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn nhấn mạnh: “Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông tất nhiên là không tốt. Bởi vậy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như bảo vệ sức khỏe người dân, ngăn chặn các hành vi không kiểm soát do rượu bia.

Đây là một bước tiến trong bảo vệ sức khoẻ, an toàn giao thông, phòng, chống các tác hại do lạm dụng rượu bia. Nhưng cần có 1 ngưỡng tối thiểu 20microgam/100 ml khí thở như phần lớn các nước châu Âu và các quốc gia phát triển quy định (đã cân nhắc kỹ và có đủ bằng chứng khoa học). Vì nó sẽ giúp loại bỏ các trường hợp dương tính "giả" do ăn hoa quả, ăn các món ăn chế biến có rượu như 1 loại gia vị”.

Vải là một trong số những thực phẩm có lượng đường cao
Vải là một trong những loại trái cây có lượng đường cao

Người dân không cần quá lo lắng

Về vấn đề khi ăn, uống một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến có thêm rượu bia, một số loại thuốc có dung môi cồn sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở, liệu có bị phạt khi tham gia giao thông, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cơ quan soạn thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia cho rằng người dân không cần quá lo lắng.

Theo bà Trang, đây không phải là vấn đề mới vì quy định người lái ô tô không được có nồng độ cồn trong máu và khí thở đã có từ Luật Giao thông Đường bộ 2009 và đến nay vẫn thực hiện bình thường, chưa có phản ánh nào về việc cảnh sát phạt lái xe có độ cồn do ăn các loại thực phẩm này.

Các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể.

Luật phòng chống tác hại của rượu bia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như bảo vệ sức khỏe người dân
Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như bảo vệ sức khỏe người dân

Bà Trang cho biết: "Thực tế thì hàm lượng cồn từ các loại thực phẩm này rất thấp, tuỳ thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh. Thông thường sau khi ăn, mọi người chỉ cần uống nước lọc, xúc miệng, sau khoảng 15-30 phút sẽ không còn nồng độ cồn. Không phải cứ ăn xong, ra đường là cảnh sát chặn lại thổi phạt”.

Việc dừng xe kiểm tra độ cồn chỉ xảy ra khi bạn có dấu hiệu vi phạm như mặt đỏ gay, đi loạng choạng, phóng nhanh, vượt ẩu; khi có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được phê duyệt hoặc khi bạn phạm một lỗi khác mà cảnh sát nghi ngờ bạn có uống rượu bia.

"Trong quá trình thông tin, giáo dục, tuyên truyền thực hiện Luật, Bộ Y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm bắt được, như với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt" - Bà Trần Thị Trang nói.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI