Những 'Rạng Đông' giữa Sài Gòn - Bài cuối: Tàn phá môi trường vì di dời luẩn quẩn

24/09/2019 - 07:00

PNO - Các nhà máy gây ô nhiễm không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe người dân quanh đó mà còn tàn phá môi trường trên diện rộng, làm cho đất đai bị nhiễm độc, mưa a-xít gia tăng…

Nền trời ở khu công nghiệp (KCN) Tân Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) luôn có màu rất lạ, nhất là mỗi khi có mưa. Đây là KCN nằm gần khu dân cư nhất, thậm chí trên những con đường trong KCN, cũng có nhà dân san sát…

Trời mưa, đua nhau xả… độc

Chiều 18/9, trong khi nền trời ở nhiều khu vực của TP.HCM có màu xám xịt và mưa trút xuống ào ào, nền trời tại KCN Tân Bình lại có màu trắng đục. Trong cơn mưa nặng hạt, đến gần cổng KCN (đường Trường Chinh), chúng tôi mới nhận thấy nhiều cột khói trắng đục từ các nhà máy ùn ùn tỏa ra, quyện lại thành một màu nền khác biệt so với những đám mây đen đang vần vũ xung quanh. 

Nhung 'Rang Dong' giua Sai Gon - Bai cuoi: Tan pha moi truong vi di doi luan quan
Nhiều người dân ở phường Đông Hưng Thuận bị bệnh về đường hô hấp do phải sống chung với các nhà máy ô nhiễm, trẻ em ở trong nhà cũng phải đeo khẩu trang để tránh bụi

Đứng ở đoạn giao nhau giữa đường Trường Chinh với đường Phan Huy Ích, chúng tôi càng thấy rõ nhiều cuộn khói trắng theo gió thổi bay về các khu dân cư bên kia kênh Tham Lương, thuộc địa phận Q.12. Những cột khói trắng đục đua nhau xả ra giữa trời mưa tầm tã, thường kèm theo mùi hóa chất khét lẹt. 

“Mưa xuống, khói không bay lên cao được nên tỏa xuống thấp, mùi hôi càng khó chịu. Tui bán hàng ở đây nhiều năm, quen với mùi hôi này rồi nhưng mỗi khi trời mưa, mùi hôi nặng quá cũng chịu không nổi. Không hiểu sao mỗi khi trời mưa, các nhà máy lại xả khói càng nhiều. Có thể họ lợi dụng lúc trời mưa, không ai chú ý nên xả khói ô nhiễm ra môi trường” - một người bán nước giải khát lề đường gần cầu Tham Lương vừa nói, vừa vội lấy tay bịt mũi.

Từ cầu Tham Lương, chúng tôi đi dọc theo đường bờ kênh thuộc địa phận quận Tân Bình và quận Gò Vấp, chứng kiến cảnh xả khói tương tự ở KCN Tân Bình. 

Đó là những cơ sở sản xuất nằm đan cài trong khu dân cư ở bên kia kênh, thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Chỉ khác là, những cơ sở ở đây không xả ra khói trắng đục mà xả khói đen ngòm, làm cho bầu trời đang xám xịt càng sẫm màu hơn. 

Phường Đông Hưng Thuận từ lâu đã là điểm nóng ô nhiễm với hơn 40 cơ sở sản xuất tập trung. Hầu hết các cơ sở này có công nghệ sản xuất lạc hậu, với các ngành nghề có mức độ gây ô nhiễm cao như dệt nhuộm, bao bì. 

Nhiều người dân địa phương đã bị bệnh về đường hô hấp do khói bụi, nhưng việc di dời những cơ sở sản xuất ô nhiễm ở đây cứ tiếp tục bị trì hoãn. 

Từ năm 2016, UBND TP.HCM đã chỉ đạo di dời toàn bộ cơ sở ô nhiễm ở P.Đông Hưng Thuận nhưng đến nay, nhìn những cột khói đen ngòm đua nhau xả thải lúc trời mưa, đủ thấy nhiều cơ sở vẫn còn hoạt động.

Anh Thuận - từng sống gần các cơ sở ô nhiễm ở khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận - cho biết, do không chịu nổi tình trạng khói bụi ô nhiễm nên gia đình anh đã chuyển đi nơi khác từ 5 năm trước. Đến nay, mỗi khi có dịp quay lại nhà cũ, anh vẫn nghe người ta than phiền.

“Nhà cũ, tôi cho đứa em ở nhờ. Cứ tưởng khu đó đã hết ô nhiễm nhưng đứa em cho biết, vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động, xả khói đen ngòm. Tôi cũng muốn bán căn nhà ở đây để lấy tiền đầu tư kinh doanh nhưng không bán được. Tình trạng ô nhiễm làm cho nhà cửa ở đây mất giá thấy rõ. Có quá nhiều thiệt hại mà người dân ở đây phải cắn răng chịu đựng”.

Dọc các trục đường gần cụm công nghiệp Quang Trung (quận 12), mỗi khi mưa xuống, mùi hóa chất lẫn trong những ống khói đen ngòm tỏa ra càng đậm đặc hơn, khiến người dân vô cùng khổ sở. 

Dù nằm ở phía huyện Hóc Môn nhưng những người trồng hoa màu dọc rạch Cầu Dừa, kênh Trần Quang Cơ cũng bị ảnh hưởng bởi những cột khói đen từ các nhà máy trong cụm công nghiệp Quang Trung theo gió tỏa ra. 

“Mấy nhà máy đó xả khói suốt cả ngày lẫn đêm. Trời nắng, khói bay lên cao còn đỡ chứ mưa xuống, khói luẩn quẩn ở tầng thấp, hôi không chịu nổi” - chị Hương, sống bằng nghề trồng rau gần cụm công nghiệp Quang Trung, phản ánh.

Tàn phá môi trường trên diện rộng

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các quận, huyện vùng ven như Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, các cơ sở ô nhiễm nhiều như nấm, đan cài giữa các khu dân cư mới hình thành. Phần lớn đây là các cơ sở sản xuất lạc hậu, thường xuyên xả nước thải, khói thải ô nhiễm ra môi trường. 

Chỉ cần đi ngẫu nhiên trên một trục đường nào đó dọc các khu dân cư mới, cứ một đoạn ngắn lại thấy có cột khói đen ngòm xả ra. 

Nhung 'Rang Dong' giua Sai Gon - Bai cuoi: Tan pha moi truong vi di doi luan quan
Các nhà máy xả khói đen mọc lên như nấm ở các quận ven, huyện ngoại thành, khói bụi ô nhiễm phát tán khắp nơi

Thỉnh thoảng, nếu bắt gặp đoạn kênh nào có màu xanh đỏ khác thường, thế nào gần đó cũng có cơ sở dệt nhuộm. Dù thuộc vùng ven, nơi có nhiều cụm dân cư mới, nhưng theo thống kê của UBND huyện Bình Chánh, hiện toàn huyện có hơn 3.500 cơ sở sản xuất nằm đan cài trong khu dân cư. Năm 2018, chỉ mới di dời được 118 cơ sở ô nhiễm.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế và Tài nguyên môi trường, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM - cho biết, nhiều năm theo dõi quá trình di dời các cơ sở sản xuất, ông nhận thấy tình trạng này rơi vào vòng luẩn quẩn. 

“Có rất nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp trước đây được quy hoạch ở ngoại thành, nơi ít cư dân sinh sống. Thế nhưng, các khu dân cư mới lại hình thành nhanh chóng nên lại xảy ra tình trạng nhà dân và các cơ sở sản xuất nằm đan xen nhau. Điền hình như cụm các cơ sở ô nhiễm ở phường Đông Hưng Thuận, cụm tiểu thủ công nghiệp Quang Trung. Hay như KCN Tân Chánh Hiệp, bây giờ xung quanh đã là các khu dân cư sầm uất. Trong khi đó, các nhà máy lại sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm rất cao nên gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân”.

Theo tiến sĩ Thuận, vấn đề cần giải quyết là ngăn chặn việc hình thành các cơ sở sản xuất ô nhiễm chứ không phải để các cơ sở này hoạt động, gây ô nhiễm rồi mới di dời.

Giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cũng cho rằng, tình trạng di dời các cơ sở ô nhiễm ở TP.HCM đã và đang gây những hậu quả rất lớn nhưng việc xử lý, di dời giống như đối phó, không giải quyết được cái gốc của vấn đề. 

“Dễ thấy nhất là tình trạng xả khói từ các nhà máy. Khói đen chứng tỏ mức độ bụi ô nhiễm rất cao. Còn khói màu trắng cũng không hẳn là ít ô nhiễm hơn vì nó có thể có những hạt bụi nhỏ hơn và lâu rơi xuống mặt đất hơn, nhưng mức độ độc hại cũng rất đáng sợ vì có thể chứa các chất độc hại như kim loại nặng… Người dân bị ảnh hưởng bởi các nhà máy này rất dễ bị bệnh về đường hô hấp, nhất là người già và trẻ em. Người bị bệnh mãn tính lại càng đáng lo ngại”.

Giáo sư Lê Huy Bá cho rằng, tình trạng ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất mang tính chất “dây chuyền”, gây hậu quả cả một vùng rộng lớn chứ không phải chỉ ở lân cận. 

Ông dẫn chứng: “Ở KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), từ nhiều năm trước, các nhà máy xả khói ô nhiễm làm cho cây cỏ xung quanh bị biến dạng, trắng xóa giống như bị bạch tạng. Khói bụi từ KCN này có thể lan tỏa ra các khu vực khác, có thể làm gia tăng tình trạng mưa a-xít. 

Các chất độc hại trong khói bụi phát tán lên trời rồi rơi xuống khắp nơi, sẽ làm ô nhiễm đất. Tương tự, nước thải từ các cơ sở ô nhiễm không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn làm ô nhiễm đất. Ở những khu vực bị ô nhiễm như thế, khi trồng hoa màu, cây trái thì các chất ô nhiễm cũng tích tụ, gây tổn hại đến sức khỏe người dùng”. 

Di dời chỗ này, chỗ khác mọc lên

Từ năm 2016, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 5187/QĐ-UBND di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch và có nguy cơ cháy, nổ xen cài trong khu dân cư.

Theo đó, việc di dời được chia làm hai đợt, đợt 1 từ năm 2016-2018, đợt 2 từ năm 2018-2020. Đến nay, thời hạn di dời đã sắp hết, nhưng theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM vẫn còn hàng trăm cơ sở chưa xác định rõ thời điểm di dời. Chưa kể, trong năm 2018, còn phát sinh hơn 290 cơ sở mới đan cài trong khu dân cư.

Theo giáo sư Lê Huy Bá, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, cần phải có quy hoạch bài bản, những khu vực nào dành cho dân cư thì tuyệt đối không cho các cơ sở sản xuất hoạt động và ngược lại. Đối với những cơ sở ô nhiễm đang tồn tại trong khu dân cư, không chỉ phải di dời vào KCN mà còn phải bắt buộc chuyển đổi công nghệ, không để xảy ra ô nhiễm nữa.

“Đã dời vào KCN mà còn gây ô nhiễm thì môi trường vẫn tiếp tục bị tàn phá” - giáo sư Lê Huy Bá nói.

Trung Thanh - Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI