Những nữ nông dân thời công nghệ cao

14/05/2021 - 12:06

PNO - Nhiều nữ nông dân trên địa bàn TP.HCM đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ, hệ thống nhà lưới, nhà màng cho sản xuất và bước đầu thu được những kết quả khả quan.

Mạnh dạn đầu tư công nghệ cao

Cuối tháng Ba vừa qua, tại buổi gặp mặt do Hội Nông dân TP.HCM tổ chức tại H.Nhà Bè, thành viên các câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn thành phố đã mang tới nhiều sản phẩm được sản xuất theo quy trình công nghệ cao để giới thiệu tới đông đảo mọi người. Đó là những quả xoài của H.Cần Giờ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; dưa leo, cà chua bi trong nhà lưới của nông dân Q.Bình Tân; rau mầm và rau ăn lá thủy canh từ TP.Thủ Đức; các loại hoa lan của nông dân H.Bình Chánh, TP.Thủ Đức… 

Từ cuối năm 2019 đến nay, trong bối cảnh toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ngành nông nghiệp và nông dân TP.HCM phải đối mặt với thách thức khi nhiều chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra bị đứt gãy, hàng hóa khó tiêu thụ, sức mua giảm; việc rót vốn đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm gặp vô vàn khó khăn. Nhưng nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chủ động về cây giống, con giống và liên kết thông qua các mô hình hợp tác xã, giới thiệu sản phẩm vào hệ thống chợ, siêu thị… nên tình hình sản xuất nông nghiệp của thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Đáng chú ý là sự xuất hiện của nhiều nữ nông dân dám nghĩ, dám làm, chấp nhận rủi ro để hướng tới những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, vừa cung cấp sản phẩm sạch, an toàn ra thị trường, vừa góp phần bảo vệ môi trường. 

Chị Trần Thị Phải đầu tư nhà lưới với hệ thống phun sương tự động cho trồng rau mầm
Chị Trần Thị Phải đầu tư nhà lưới với hệ thống phun sương tự động cho trồng rau mầm

Năm 2010, vợ chồng chị Trần Thị Phải, 61 tuổi, ở P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức, đã cải tạo mảnh đất hơn 100m2 nhà  mình để làm nhà lưới trồng mầm rau muống và rau cải. Vì chưa có kinh nghiệm nên những lứa rau mầm đầu tiên đã bị hỏng. Đến năm 2012, khi đã có mối lấy rau từ các nhà hàng tiệc cưới, nhận thấy 100m2 không đủ đáp ứng nhu cầu nên vợ chồng chị đã chuyển nhà sang P.Tân Phú để đầu tư trang bị hệ thống nhà lưới rộng gần 500m2 với quy trình kỹ thuật từ ủ giống, xử lý giá thể bằng máy, phòng cắt rau, hệ thống phun sương tự động. Số lượng và loại mầm rau được trồng cũng tăng lên, gồm các loại củ cải đỏ, củ cải trắng, rau muống, hướng dương.

Chị Phải phấn khởi: “Khởi đầu, tại Q.9, chỉ có gia đình tôi làm mô hình này, gọi là “Rau mầm Phong Phú”, khách hàng chủ yếu là chị em nội trợ ở địa phương và một số tiểu thương bên Q.Gò Vấp. Tới tháng 4/2016, anh em chung chí hướng rủ nhau thành lập Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tân Đức (P.Tân Phú, TP.Thủ Đức) gồm bảy thành viên, để có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng nhau xây dựng thương hiệu để phát triển lâu dài. Tôi thấy hợp lý nên tham gia. Với sự tiếp sức về vốn vay từ Hội Nông dân, kỹ thuật và quy trình sản xuất rau VietGAP của Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, chúng tôi đã đưa được rau mầm vào hệ thống siêu thị MM Mega Market, AEON mall”. 

Từ chỗ đầu ra èo uột, giờ đây mỗi ngày gia đình chị Phải đã xuất được từ 50-60kg rau mầm các loại, vào dịp cận tết Nguyên đán, số lượng xuất ra có thể lên tới 100-120kg/ngày, với giá bán từ 55.000 đồng - 200.000 đồng/kg tùy loại. Công việc làm không xuể nên chị phải thuê thêm sáu nhân công làm việc lâu dài. 

Hướng tới làm du lịch sinh thái

Cũng như chị Phải, thạc sĩ  Trần Thị Ngọc Thảo, 43 tuổi, đã đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng và tự nuôi cấy mô để không bị động nguồn cung giống hoa lan. 

Năm 2012, từ P.Phước Long B, TP.Thủ Đức, chị Thảo quyết định sang xã Đa Phước, H.Bình Chánh thuê đất gầy dựng cơ nghiệp với hoa lan Dendrobium, giống nhập từ Thái Lan. Theo học chuyên ngành vi sinh - sinh học phân tử Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, sau khi tốt nghiệp, chị công tác ở bộ môn công nghệ sinh học, phụ trách nuôi cấy mô phôi. Sau khi hoàn tất bậc học thạc sĩ chuyên ngành sinh lý thực vật, chị chuyển sang làm việc tại Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu suốt 15 năm. 

Từ chỗ phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu, hiện chị Trần Thị Ngọc Thảo đã chủ động được khoảng 20 - 30%  cây giống
Từ chỗ phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu, hiện chị Trần Thị Ngọc Thảo đã chủ động được khoảng 20 - 30% cây giống

Thời điểm 2012, Đa Phước hãy còn là vùng đất thuần nông, nhiễm phèn. Vợ chồng chị Thảo bắt đầu với việc chuyển đổi 1.800m2 đất trồng lúa sang trồng lan trên kệ cao trong nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động. Dù có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, nhưng chị Thảo thừa nhận hành trình làm nông của mình gặp khá nhiều cam go. Giống lan Dendrobium phải nhập khẩu từ Thái Lan, về đến nơi đã hư hại ít nhiều. Nhiệt độ quá thấp cây sẽ rụng lá, nắng nhiều lá sẽ cháy, còn thiếu nắng thì cây còi cọc, khó ra hoa. “Ở Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu suốt 15 năm, tôi chủ yếu cấy mô cây dừa, tinh dầu, hương liệu. Sang Thái Lan tập huấn, được biết và quá thích lan Dendrobium nên khoảng năm 2009, tôi đầu tư giống, tận dụng không gian làm giàn trồng hoa lan dưới tán cây dừa ở Q.Bình Thạnh. Tuy nhiên, sau vài năm, dừa lên cao che bóng mát, lan không ra hoa được, thất bại hoàn toàn. “Cú ngã” đó dạy mình phải cẩn trọng hơn, nên khi về Đa Phước, tôi dồn hết tâm sức vào lan, không lăn tăn thêm loại cây nào khác”, chị Thảo chia sẻ. 

Nhờ nhà lưới giúp hạn chế ánh sáng và hệ thống tưới phun tự động, cộng với sự kiên trì xử lý lá sâu, lá vàng nên vườn lan của chị Thảo ngày càng phát triển tốt, hoa ra đều quanh năm, với khoảng 40 màu. Năm 2014, chị thuê thêm đất, mở rộng diện tích nhà lưới lên 6.000m2 với hơn 100.000 cây giống. Tới năm 2016, khi đầu ra đã ổn, vừa cung cấp cho các nhà vườn nhỏ từ Bắc chí Nam, vừa bán lẻ, tổng cộng mỗi ngày từ 300-500 cây, dịp lễ tết có thể lên đến 1.000-1.200 cây/ngày, chị Thảo quyết định đầu tư thêm 6.000m2 đất nữa để hình thành vườn lan Sơn Hà 1 và 2 tại xã Đa Phước. Ngoài vợ chồng chị, vườn lan Sơn Hà luôn có từ 12-15 nhân công làm việc.

Đam mê nghiên cứu, cuối năm 2019, chị Thảo hợp tác với một phòng thí nghiệm nuôi cấy mô. Hiện, vườn của chị đã tự cung được 20-30% giống lan. 

Bà Nguyễn Thanh Xuân (giữa) - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM - đánh giá cao sản phẩm và động viên bà con nông dân tiếp tục đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để đạt hiệu quả cao
Bà Nguyễn Thanh Xuân (giữa) - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM - đánh giá cao sản phẩm và động viên bà con nông dân tiếp tục đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để đạt hiệu quả cao

Chị Thảo dự tính, trong năm 2021 chị Thảo sẽ mở rộng diện tích thêm 5.000m2 để làm nhà màng nuôi cây con, hướng tới mục tiêu cung cấp giống lan Dendrobium cho các nhà vườn. Chị cũng vạch kế hoạch làm tiểu cảnh, phối hợp cùng Hội Nông dân địa phương xây dựng tour du lịch sinh thái quanh Bình Chánh theo hướng đưa khách tham quan từ vườn lan, qua các vườn mai, cây kiểng, bưởi da xanh... 

Mạnh dạn đầu tư và quyết tâm theo đuổi mô hình nông nghiệp công nghệ cao như chị Phải, chị Thảo cũng là tinh thần chung của Hội Nông dân các cấp. Tại buổi gặp gỡ vào tháng Ba vừa qua, bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM - đã đề nghị Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi mạnh dạn nghiên cứu, thực hiện và nhân rộng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, tham gia sản xuất nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng (rau, hoa, cây cảnh, tôm nước lợ, cá cảnh…). Từ đó giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, cùng góp sức hoàn thành một trong 12 chương trình trọng điểm mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra - chương trình phát triển giống cây, giống con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020-2030. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI