Những năm cuối đời, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ gì?

23/06/2022 - 19:12

PNO - Ở bức chân dung tự họa cuối cùng, họa sĩ Bùi Xuân Phái viết: “Bây giờ chỉ cần nhất là có sức khỏe và không bệnh tật gì”. Ngày ông qua đời, nhiều bức vẽ còn dở dang.

Tại triển lãm Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái, ngoài 50 bức tranh sơn dầu và tranh bột màu, thuộc bộ sưu tập của gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái và Trần Hậu Tuấn, còn có nhiều ghi chép, phác thảo, kỷ vật của cố họa sĩ được trưng bày.

Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái là cuộc trưng bày cũ mà mới. Cũ ở chỗ vẫn những dáng phố thân quen, những bức tự họa, tranh khỏa thân, những sân khấu chèo làm nên thương hiệu của Bùi Xuân Phái. Nhưng, những cũ kỹ ấy lại trở nên mới vô cùng khi nhiều bức trong số đó lần đầu được công bố. Nhiều người ngạc nhiên vì dù thân cận với cố họa sĩ, họ cũng lần đầu được ngắm.

Không gian triển lãm Nhớ hoạ sĩ Bùi Xuân Phái.
Không gian triển lãm Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái nhân 100 năm ngày sinh của ông

Họa sĩ Lê Đại Chúc, người từng đón họa sĩ Bùi Xuân Phái từ Hà Nội vào Sài Gòn sống 3 tháng, kế cận như người thân trong nhà, nói rằng ông vô cùng ngạc nhiên vì không nghĩ còn nhiều tác phẩm mình chưa biết đến thế.

Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái là triển lãm khá hoành tráng vì tại đây, có một số tác phẩm của bác Phái mà tôi chưa từng xem qua. Xét về kích cỡ, nhiều tranh khổ lớn rất quý. Ngoài ra còn số một số đồ vật, nhật ký, phác thảo của bác mà tôi cũng chưa được xem trực tiếp. Những tác phẩm, kỷ vật cho thấy sự đồ sộ của bộ sưu tập Bùi Xuân Phái mà tôi tin rất nhiều người mong muốn sở hữu”, họa sĩ Lê Đại Chúc chia sẻ.

Ông nói thêm, nếu người xem đã quen với phố, với chèo, với tự họa, tĩnh vật, phong cảnh trong tranh của Bùi Xuân Phái, thì nay sẽ được xem thêm chân dung phụ nữ qua ánh nhìn của Bùi Xuân Phái. Ngoài ra còn có một số tranh trừu tượng - nhóm thể loại không phải thế mạnh của cố họa sĩ.  

Tranh vẽ về
Nghệ thuật hát chèo xuất hiện khá nhiều trong tranh của của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái

Trong triển lãm, nhóm tác phẩm gắn với 2 chữ cuối cùng được người xem chú ý gồm tranh khỏa thân cuối cùng, bức tự họa cuối cùng, nét bút cuối cùng... Đây được xem là những tư liệu quý, hiếm khi được tiết lộ rộng rãi với công chúng. Nhưng không chỉ quý và gây tò mò vì là “cuối cùng”, những tư liệu ấy cho thấy tâm tư của một người đang trong phút sinh tử mỏng manh, khát khao sống nhưng hơi thở bên trong cứ yếu dần.

Ở bức tự họa cuối cùng năm 1988, họa sĩ Bùi Xuân Phái viết: “Bây giờ chỉ cần nhất là có sức khỏe và không có bệnh tật gì”. Ở những nét bút cuối cùng trước lúc qua đời (2g40 ngày 24/6/1988), họa sĩ Bùi Xuân Phái viết: “Trong lúc ốm đau thời gian đi cực kỳ chậm! Nhất là đêm gần về sáng”.

Bức tự hoạ cuối cùng của cố hoạ sĩ.
Bức tự họa cuối cùng của cố họa sĩ

Nhiều trang nhật ký ông viết lúc mới biết tin mình mắc ung thư, viết khi bệnh tiến triển nặng hơn và viết về từng ngày đối mặt đầy đớn đau với bệnh tật khiến người xem xúc động. Có lúc, ông chấp nhận bệnh như thể buông xuôi: “Đau thì cũng phải chịu vậy”. Nhưng có lúc, ông mạnh mẽ đối mặt bằng chính nội lực của bản thân hay thông qua hội họa: “Đối với tôi bây giờ, sức khỏe là quý hơn cả. Thiếu sức khỏe là thiếu tất cả”, “Vẽ là một nguồn vui vô tận”, “Sức sống - một điều kiện quan trọng để làm nghệ thuật. Lòng say mê - một sức mạnh ghê gớm”...

Cuốn nhật ký của cố hoạ sĩ được trưng bày tại triển lãm.
Cuốn nhật ký của cố họa sĩ được trưng bày tại triển lãm

Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái (1/9/1920 - 24/6/1988). Sự kiện dự kiến khai mạc vào ngày 1/9/2020, nhưng vì dịch COVID-19 nên phải dời lại cho đến nay.

Sinh thời, họa sĩ Bùi Xuân Phái chỉ có một triển lãm cá nhân vào năm 1984. Sau khi ông qua đời, gia đình và giới nghệ thuật làm triển lãm tranh Bùi Xuân Phái khoảng 15 lần. Trong đó, 9 lần gia đình làm với các nhà sưu tập như Phạm Văn Bổng, Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí…, đều có tên là Triển lãm những tác phẩm chưa trưng bày, từ lần 1 vào năm 1989. Ở lần thứ 10 này, tên triển lãm được thay đổi thành Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Triển lãm diễn ra từ ngày 24/6 đến 4/7/2022 tại 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, TPHCM.

Nhân sự kiện này, NXB Trẻ cũng phát hành 2 cuốn sách là Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi, do Trần Hậu Tuấn viết, dày hơn 180 trang, gồm 12 tùy bút in kèm rất nhiều tranh Bùì Xuân Phái của nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn.
Nhân sự kiện này, NXB Trẻ cũng phát hành 2 cuốn sách là Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi, do Trần Hậu Tuấn viết và cuốn thứ hai là Bùi Xuân Phái - Con mắt của trái tim, gồm 25 bài viết của 14 nhà nghiên cứu - phê bình, nhà sưu tập tranh, văn nghệ sĩ

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI