Những món quà vô giá từ hai ông già Noel ngoại quốc

26/12/2022 - 07:38

PNO - Sáng 24/12, ông Marc De Muynck khoác bộ quần áo ông già Noel đi vào nhà mở Phoenix Orphanage ở tỉnh Long An phát quà Giáng sinh cho các em nhỏ. Tíu tít nhận quà, các em không nhận ra ông già Noel là ông Minh - người trông nom các em. Tại mái ấm Chúc Từ, quận Bình Thạnh, TPHCM cũng có một ông già Noel người Ấn Độ ghé thăm.

Chuyện về Ông già Noel người Pháp tên Minh

Giáng sinh là ngày bận rộn của ông Marc De Muynck - người Pháp, 74 tuổi, được các bé yêu quý gọi là ông Minh. Trong vai ông già Noel, ông tặng quà và chụp hình với từng bé để chúng có tấm ảnh kỷ niệm như đã mong chờ cả tuần nay.

Tặng quà xong, ông già Noel Minh ngồi kể cho các bé về các sự tích liên quan lễ Giáng sinh. Các em còn rất nhỏ để hiểu hết câu chuyện, nhưng cũng có thể hình dung về một đêm an lành có tuyết rơi bên ngoài cửa sổ và tiếng chuông kêu leng keng từ chú tuần lộc. Có em tròn mắt nghe kể chuyện Giáng sinh như mới nghe lần đầu, nhiều em đã nghe kể chuyện lần thứ hai, thứ ba nhưng vẫn thích nghe.

Ông Marc De Muynck phát quà Giáng sinh cho các em nhỏ ở Long An
Ông Marc De Muynck phát quà Giáng sinh cho các em nhỏ ở Long An

Các bé nhỏ tuổi hơn, vẫn còn nằm trong cũi, cũng được ông già Noel Minh đến thăm và nựng nịu. Trẻ em trong nhà mở Phoenix là trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi. Ngoài ông Marc là người sáng lập nhà mở, các em cũng được các cô giáo người Việt chăm sóc và dạy học. 

Ngoài các môn bắt buộc như học chữ hay đếm, các em còn được học ngoại khóa thông qua trò chơi. Như trong bài học giác quan, các em được bịt mắt để phân biệt và nhận biết vải thô hay trơn, từ đó biết cách phán đoán và cảm nhận qua đôi tay, đôi mắt. Giờ học về thực hành cuộc sống, các em lau lá, chăm sóc cây để biết yêu quý thiên nhiên, có thói quen bảo vệ thiên nhiên. 

Ngoài ra, các em còn được học hội họa, múa và diễn kịch. Những bài học này giúp các em năng động, có chiều sâu trong suy nghĩ, cảm nhận để sau này dễ hòa nhập với xã hội. Các em lớn cũng được nhà mở cho đến trường để học kiến thức phổ thông.

Cả tuần nay, ông Marc cùng các cô giáo dạy các em múa hát để tối Giáng sinh biểu diễn tại nhà thờ Giáo xứ Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đêm Giáng sinh, các em xúng xính trong những bộ đầm đỏ, áo trắng dắt tay nhau theo ông Marc đi đến nhà thờ. Các em hát những bài về thỏ trắng, về bé vâng lời mẹ. Biểu diễn xong, các em xuống sân khấu, hòa mình vào dòng người xem diễn kịch về Giáng sinh. Ông Marc đứng một góc trong nhà thờ mỉm cười nhìn các em. 

Hạnh phúc của ông Marc là giúp các trẻ em khó khăn có cuộc sống tươi đẹp hơn: “Tôi có con trai năm nay 47 tuổi và 2 cháu nội. Cháu gái Lauryne năm nay 18 tuổi, cháu trai Elyot, 13 tuổi. Tôi lo lắng khi nghĩ về thế giới tương lai của các cháu mình. Cuộc sống ngày càng khắc nghiệt hơn. Tôi sẽ thấy yên tâm hơn khi mang lại tương lai ít nhọc nhằn hơn, ít gai góc hơn cho bọn trẻ”.

Tên Minh là do các phụ nữ cùng chung tay với ông trong hoạt động thiện nguyện đặt. Trong chuyến du lịch 3 tháng đến Việt Nam năm 2001, ông Marc - cựu binh nghỉ hưu - đã đến thăm một nhà mở cho trẻ mồ côi ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Các mảnh đời ở đây thôi thúc ông tham gia tích cực vào các hoạt động thiện nguyện. Vẫn thấy mình còn có thể làm nhiều hơn, ông tình nguyện làm việc ở tổ chức Tình nguyện viên thế giới (Volunteers for the World) và Swiss NGO (tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển). Ông đã trở lại Việt Nam vài lần và nhận ra rằng, ông có một tình cảm đặc biệt với xứ sở này. Năm 2007, ông trở lại Việt Nam và quyết tâm làm từ thiện bài bản ở đây.

Ông nói: “Hoạt động của các tổ chức nhân đạo cũng giúp được nhiều người, nhưng tôi thấy chưa đủ bởi chúng thiếu tính tiếp nối, người hoạt động đến rồi đi theo từng dự án. Tôi đã tìm đến các làng nghèo hẻo lánh ở Việt Nam và gửi kết quả báo cáo về các tổ chức liên minh của Pháp để tìm nguồn vốn hỗ trợ cho từng làng. Và tôi quyết định xây mái ấm cho những người nghèo hơn mức nghèo để họ có chỗ ở”.  

Lúc đó, ông liên hệ với những người làm thiện nguyện mà ông từng gặp để thực hiện hoài bão của mình. Ông đã thành lập tổ chức “Les Enfants du Dragon” (Những đứa con của rồng) cùng bác sĩ nha khoa Bùi Huy Lân - sống ở miền Bắc nước Pháp. Les Enfants du Dragon đã được đăng ký với các cơ quan chức năng và với Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) để tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, xây nhà cho các gia đình vô gia cư và nhiều hoạt động khác. Ngoài những trẻ em trong Phoenix, nhà mở cũng hỗ trợ 3 trẻ mồ côi và 100 trẻ em sống trong điều kiện khó khăn.

Khi ông Marc đang trò chuyện với chúng tôi, bọn trẻ reo hò xung quanh, bởi chúng mới được chơi với 2 chú ngựa non về. Khách đến thăm nhà mở Phoenix vừa tặng 2 chú ngựa nhỏ để các em tập làm quen với thế giới động vật. Chúng kể với ông “chú ngựa con khịt mũi, thở”, “con chụp hình với chú ngựa”. Ông Marc nói, 2 chú ngựa đã tạo ra một đàn chim sẻ là các bạn nhỏ này đây. Chúng đi theo 2 chú ngựa, ngắm nghía cả ngày.  

Ông già Noel người Ấn của trẻ em cơ nhỡ

Trong ngày lễ Giáng sinh năm nay, một ông già Noel người Ấn Độ cũng đến thăm trẻ cơ nhỡ ở các mái ấm tại TPHCM. Đó là Robin Deepu - chủ nhà hàng Baba’s Kitchen. Mỗi khi anh đến, bọn trẻ con lại ào vào đòi bế.

Anh Robin Deepu chăm sóc trẻ cơ nhỡ ở mái ấm Chúc Từ
Anh Robin Deepu chăm sóc trẻ cơ nhỡ ở mái ấm Chúc Từ

Hơn 1 năm nay, mỗi tuần, anh và các bạn người nước ngoài khác sống ở TPHCM đều đến thăm các mái ấm. Lần này anh không trổ tài nấu ăn, mà mang sữa, trứng, trái cây, phô mai, khay thức ăn hay bỉm, sữa vì các bé còn nhỏ không ăn được thức ăn thông thường.  

Dù khổ người to lớn, nhưng Robin chăm em bé rất khéo không khác một người cha, người mẹ thật sự. Cho các bé bú sữa xong, anh quay sang bế các bé lớn hơn để các em cảm nhận được tình yêu thương.

Năm ngoái, khi dịch COVID-19 bùng phát, người dân TPHCM phải giãn cách xã hội để chống dịch, bếp nhà hàng của anh luôn đỏ lửa để nấu thức ăn từ thiện phục vụ người dân.

Mới đầu mỗi ngày anh và các nhân viên trong nhà hàng nấu 50 phần ăn rồi 100 phần ăn chuyển đến những khu vực khó khăn nhất. Sau đó, nhiều người nước ngoài cũng tham gia hỗ trợ Robin. Họ quyên góp gạo, mì gói, dầu ăn, nước tương, sữa hoặc bất cứ thực phẩm nào có được để anh nấu lên đến hơn 1.000 phần ăn một ngày. Cứ 6 giờ sáng mọi người đã bắt tay vào việc, nấu xong anh cùng họ đi phát, nhà nào có các bé nhỏ sẽ được tặng thêm sữa bột.

Khi dịch COVID-19 lắng xuống, Robin vẫn tiếp tục với các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn. Khi thì anh giúp đỡ trẻ em mồ côi, hỗ trợ bệnh nhi mắc bệnh nặng và cả những người già neo đơn.  

Anh Robin cũng hay đến các trung tâm trẻ khuyết tật để hỗ trợ chăm sóc các em. Hình ảnh của anh dần trở nên thân thuộc. Nhiều em bé dù khuyết tật phải nằm một chỗ nhưng thấy Robin đến ánh mắt lạ lóe lên niềm hạnh phúc. 

Là người hoạt động thiện nguyện sôi nổi nhưng anh lại là người kín tiếng, ít khi nói về bản thân mình và những việc mình làm. Anh cứ lặng lẽ giúp người, giúp đời và kết nối nhiều người làm thiện nguyện. Mới đây, anh đã kêu gọi được European eye center (Trung tâm Khám mắt châu Âu) đến thăm và khám mắt cho trẻ cũng như nhân viên trong các mái ấm dành cho trẻ khuyết tật. 

Hành động của Robin Deepu đã truyền cảm hứng cho nhiều người nước ngoài. Hiện nay, có nhiều người nước ngoài và tổ chức đã tìm đến những nơi cần giúp đỡ thông qua lời kêu gọi của anh. 

Ngày 6/12, trong lễ trao cúp Pháp - ASEAN 2022 tại dinh Đại sứ Pháp ở Singapore, ông Marc de Muynck đã nhận được cúp Xã hội và Nhân đạo nhờ các hoạt động thiện nguyện của ông ở Việt Nam. Được trao cúp nhưng ông không mấy vui bởi hoạt động của tổ chức Les Enfants du Dragon đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Năm nay, Les Enfants du Dragon ít tài trợ gói thực phẩm đến các hộ nghèo hơn mọi năm mà chỉ duy trì hoạt động xây 12 căn nhà cho hộ nghèo, nâng tổng số lên 154 căn trong vòng 12 năm.


Mỹ Huyền


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI