Những khu nhà trọ như gia đình

26/04/2021 - 06:39

PNO - TP.HCM có nhiều khu nhà trọ mà ở đó chủ nhà và người ở trọ đối đãi với nhau như gia đình, giúp nhau khi đau bệnh, hỗ trợ nhau trong cuộc sống chẳng chút đắn đo.

Người với người phải thương lấy nhau

Tại một khu trọ ở khu phố 3A, P.Tân Thới Hiệp, Q.12, bà Lý Thị Mai, 59 tuổi, khập khiễng ôm bao gạo đến cửa phòng chị Hoa và nói: “Cất mớ gạo nấu cơm cho tụi nhỏ bay ơi”. Chị Hoa ái ngại: “Con nợ tiền nhà tùm lum, xấu hổ quá mà cô cứ cho thêm hoài”. Bà Mai rầy: “Bay nghĩ chi nhiều, vợ chồng tao vẫn đủ ăn mà”. Chị Văn Thị Thanh Hoa năm nay 40 tuổi, từ Huế vào TP.HCM thuê trọ và đi giúp việc nhà đã mười năm nay. Chồng chị làm bảo vệ, nhưng từ khi xuất hiện dịch COVID-19, công việc bấp bênh, thất nghiệp. Vợ chồng họ có hai con đang học cấp II. Cháu lớn bị khiếm thính nên giao tiếp và nói năng rất khó khăn. Vì yêu thương nên bà Mai dành nhiều sự quan tâm cho họ. “Cô Mai như người mẹ thứ hai của tôi, là chỗ dựa tinh thần và cả vật chất mà có lẽ tôi không thể tìm thấy ở đâu khác. Mỗi tháng đóng tiền trọ, cô thường cho lại vài trăm dù giá thuê ở đây rẻ, phòng ốc lại rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ. Gạo, mắm thì cứ vài bữa cô lại xách qua cho. Những khi tủi thân, đứa con gái tật nguyền của tôi lại tìm cô Mai, bởi cô luôn lắng nghe và nhẫn nại với con bé”, chị Hoa chia sẻ. 

Bà Lý Thị Mai (trái) dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ gia đình chị Hoa và người thuê trọ  có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Bà Lý Thị Mai (trái) dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ gia đình chị Hoa và người thuê trọ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Bà Mai kể: Khu xóm trọ ngày xưa là nơi trồng rau, trồng bắp, nuôi heo, nuôi bò. Cả đời bà, từ thời con gái, chưa được nghỉ ngơi ngày nào, hết làm công nhân nhà máy lại chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt, chạy chợ. 15 năm trước, tai phải của bà bị viêm, đau nhức rồi mất luôn thính lực, di chứng là những cơn đau đầu triền miên. Rồi thôn xóm dần thay đổi, nhiều công ty, xí nghiệp hình thành, vợ chồng bà dự tính sẽ tích cóp để về già xây xóm trọ. Dự tính ấy thành hình vào năm 2010 với mười phòng trọ, sau tăng lên 17 phòng, mỗi phòng 20m2 có gác, giá cho thuê hiện tại là 1,2 triệu đồng/phòng/tháng. Người ở thuê phần đông là công nhân và lao động tự do, sống thành gia đình và có đông trẻ nhỏ. Ngày nào bà Mai cũng đi giáp vòng xóm trọ để coi ngó, giúp chở đám trẻ con đi học, đi thi và lo cơm nước, tắm giặt mỗi khi cha mẹ chúng tăng ca. 

Trước đây, chồng bà Mai làm công nhân cao su. Từ ngày về hưu, ông cùng vợ chăm lo xóm trọ. Tháng Ba năm ngoái, dịch bệnh xuất hiện, ông bà giảm 50% tiền thuê phòng. Sang tháng Tư, ông bà miễn hẳn tiền thuê như một cách sẻ chia với người lao động. 

Mấy năm trước, xóm trọ có chị phụ nữ, quê ở Cần Thơ, qua đời vì bệnh ung thư, nhưng con cái không có tiền làm ma chay và đưa về quê. Bà Mai phát động rồi cùng mọi người đóng góp để đưa người xấu số về quê và lo tang ma. “Tụi nhỏ ở đây rất dễ thương nên mình cũng chẳng so đo, tính toán. Mình chỉ sống có một lần, nên người với người phải thương lấy nhau”, bà Mai giãi bày. 

Bà chủ trọ mong mọi người có nhà

Trong vườn rau xanh, bà Lê Thị Sáu, 56 tuổi, đưa tay quệt nước mắt và nói: “Gặp được cô Thơ là cái phước của nhà tôi. Nếu không, chẳng biết bây giờ vợ chồng tôi lặn ngụp đâu nữa”. Bà Sáu quê ở Quảng Ngãi. Hơn 30 năm trước, vợ chồng con cái bà dắt díu nhau vào Đắk Lắk lập nghiệp. Nhưng mọi thứ không như ý muốn. Năm 2017, chồng bà bị tai biến, liệt nửa người, còn bà cũng bị ung thư tuyến giáp, giãn tĩnh mạch, hở van tim. Thế là họ lại dắt díu nhau về thành phố ở trọ để tiện lui tới bệnh viện. Hiện tại, gia đình bà có tất cả tám người, cả con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại, đang ở tại khu trọ của chị Thơ. Thương hoàn cảnh của bà, chị Thơ đã miễn cho vợ chồng bà Sáu mấy tháng tiền nhà, thỉnh thoảng lại còn tiếp tế rau củ, gạo mắm. “Sao người dưng mà tốt với tôi vậy”, bà Sáu nghẹn giọng. 

 

Bà Sáu và chị Thơ trong vườn rau xanh mát tại khu nhà trọ
Bà Sáu và chị Thơ trong vườn rau xanh mát tại khu nhà trọ

Nhưng không riêng vợ chồng bà Sáu mà hầu hết những người thuê trọ, khi gặp khó đều được chị chủ Trần Thị Kiều Thơ, 45 tuổi, ở khu phố 2, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức giúp đỡ tận tình. Khu trọ 115 phòng của chị Thơ còn trồng rất nhiều hoa và các loại rau. Những ngày tết Nguyên đán, chị Thơ mở phiên chợ 0 đồng ngay tại nhà mình với đầy đủ bánh kẹo, lạp xưởng, nước ngọt, gạo, dầu ăn để sẻ chia với anh chị em công nhân. Mỗi dịp tết Thiếu nhi, Trung thu, chị lại chiên gà, xúc xích, nấu xúp cho các cháu nhỏ. Dịch bệnh và lũ lụt miền Trung, chị lại cùng chị em phụ nữ trong khu phố ngược xuôi để tiếp tế, tiếp sức, cứu trợ. Hỏi chuyện, chị Thơ bảo: “Xây phòng trọ cốt để kinh doanh, nhưng tôi lại luôn mong mọi người làm ăn thuận lợi để có tiền mua được nhà hoặc có vốn về quê gầy dựng sự nghiệp”. 

Vận động mọi người đi hiến máu

Là người tiên phong nên bà Nguyễn Thị Thu, 61 tuổi, chủ một khu nhà trọ ở khu phố 5, P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức, đã vận động được đông đảo anh chị em trong khu trọ theo mình đi hiến máu. Trong số ấy có anh Lê Tam Tài, 46 tuổi, công nhân khu chế xuất Linh Trung, người đều đặn hiến máu bốn lần mỗi năm. Theo anh Tài, vợ, con trai và cả em gái anh cũng tình nguyện hiến máu mỗi khi bà Thu thông báo. 

Thỉnh thoảng, người ở trọ và bà chủ Nguyễn Ttị Thu (giữa) lại thư giãn

Khu trọ có 15 phòng, được bà Thu chắt chiu xây từ năm 1996. Dù diện tích chẳng được rộng rãi nhưng bà Thu vẫn dành một khoảng sân cho trẻ con có không gian vui chơi. Nơi ấy còn có tủ sách để mọi người thư giãn và trau dồi kiến thức. Công nhân có khi nợ tiền phòng tới sáu tháng liền, bà Thu vẫn vui vẻ gật đầu và còn dặn “đừng lo nghĩ nhiều mà ảnh hưởng sức khỏe”. Ở xóm trọ này, già, trẻ, lớn, bé ai cũng gọi bà Thu là “cô Hai”. Có người đến ở từ khi tóc còn xanh, nay tóc đã ngả màu nhưng vẫn gắn bó. Chị Hoàng Thị Ngọc, 43 tuổi, là người tích cực hiến máu suốt 11 năm qua, bộc bạch: “Ban đầu, tụi tôi tham gia hiến máu là do thương quý cô Hai. Cô sống với mình tình nghĩa quá, thành ra, cô rủ là theo liền. Bây giờ, mỗi lần hiến máu, tôi cảm giác như mình vừa làm một việc tốt”.

Nhờ được tập huấn trong thời gian tham gia dự án Cộng đồng vì trái tim khỏe từ năm 2016 nên bà Thu có kiến thức để tư vấn giúp mọi người phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp và tim mạch. Bởi thế nên hằng ngày bà thường xách máy đi đo huyết áp cho mọi người. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI