Những điểm sáng ở 'Giờ đen tối'

22/01/2018 - 14:24

PNO - 'Darkest hour' (Giờ đen tối) là cuốn phim không phải để kể hay để giải trí, mà để nắm bắt từng khoảnh khắc, lọc ra những chuyển động tinh tế trên 'mâm cỗ' kỳ công đúng kiểu Anh.

Sự cầu kỳ về tạo hình, phong cách thường gắn liền với những bộ phim về nước Anh. Điều này thấy rõ ở Darkest hour - bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về tuần làm việc đầu tiên Thủ tướng Anh Winston Churchill trong Thế chiến II.

Nhung diem sang o 'Gio den toi'

Khắc họa sự hòa quyện vợ - chồng là một điểm sáng của phim

Phim không có cốt truyện kịch tính hay ngã rẽ lắt léo, thay vào đó, hệ thống nhân vật được xây dựng kỹ là sức hút chính. Cáng đáng gần như toàn bộ mạch phim, nhịp phim và “điều khiển” cảm xúc khán giả là nam diễn viên Gary Oldman -“tắc kè hoa của xứ sở sương mù” - người vừa giành chiến thắng ngoạn mục tại lễ trao giải Quả cầu vàng vừa qua. Xem phim, mỗi người hoàn toàn có thể “giải mã” được những điểm thú vị riêng từ cách diễn đạt nhân vật thủ tướng của ngôi sao Anh quốc.

Ngay khi vừa cất tiếng, bằng giọng nói có âm sắc rất riêng, Winston Churchill trong phim đã tạo ấn tượng về một con người đặc biệt và có phần kỳ quặc. Đó là thời điểm vị thủ tướng lỗi lạc nhất nước Anh đứng trước những sự hoài nghi từ phía vua George VI cũng như từ phía người dân về khả năng lãnh đạo.

Trong khi đó, nước Anh đang đối mặt với cả thù trong giặc ngoài. Trong nước, Anh đang khủng hoảng công nghiệp và cả quân sự khi bước vào Thế chiến II mà hậu quả từ Thế chiến I vẫn chưa được khôi phục. Bên ngoài, hàng vạn quân Anh đang bị bao vây, kẹt ở bờ biển Dunkirk. Churchill phải ứng đối với tình cảnh ấy, quyết liệt thực hiện một trong những cuộc di tản quy mô nhất lịch sử.

Đất diễn cực rộng chính là thách thức, bởi với một người quá nổi tiếng trong lịch sử và một câu chuyện không còn xa lạ, Gary Oldman lấy gì để gây ngạc nhiên cho khán giả? Và thật đáng nể: đạo diễn cùng quay phim cứ thoải mái khai thác tối đa cận cảnh - từng cử chỉ, từng cái nhíu mày, dáng đi hay điệu khoát tay, thậm chí là từng nếp nghĩ “phàm tục” của nhân vật thủ tướng đều được phô diễn tinh tế, tự nhiên trên màn ảnh.

Khi kéo khán giả nhập tâm vào nhân vật, Gary Oldman như muốn nói rằng: chúng ta đều biết mình đang xem phim, theo dõi diễn xuất, nhưng đây là nghệ thuật. Và nghệ thuật mà Gary Oldman mang đến chính là truyền cảm xúc và sự tinh tế đến khán giả.

Bên cạnh Gary Oldman, không thể thiếu sự cộng hưởng của Kristin Scott Thomas trong vai người vợ Clementine của Churchill. Ở bà toát lên sự quý phái xen lẫn những nét bình dị của người phụ nữ vô tình phải gồng gánh trên vai quá nhiều trọng trách.

Nếu như vai diễn Churchill thú vị ở khía cạnh đời thường, với những nét tính cách đôi khi có phần “trẻ con”, bộc phát, mất kiểm soát; thì người vợ của thủ tướng chính là người gần như hiểu thấu tài năng cũng như tâm tính của chồng. Bà như nguồn cảm hứng, chỗ dựa để Winston Churchill thăng hoa trên chính trường.

“Sức mạnh nội tâm được ông tích tụ suốt bao năm chính là để giúp ông vượt lên mọi thách thức vào lúc này”. Bà đã nói với chồng như thế trong một tình huống đáng nhớ nhất của phim. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI