Những công trình thay đổi diện mạo giao thông TPHCM

28/01/2022 - 15:05

PNO - Dự kiến, trong năm 2022, sẽ có thêm nhiều công trình giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng.

Nhiều công trình giao thông quan trọng đã được hoàn thành trong năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành. Dự kiến, trong năm 2022, sẽ có thêm nhiều công trình giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng.

Nỗ lực vượt khó trong đại dịch

Hơn mười ngày trước, công trình xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) ngưng thi công để người lao động được về quê đón tết. Sau bữa tiệc chia tay đơn sơ ngay tại công trường, anh Huỳnh Văn Hiếu - thợ lái máy xúc - gom hành lý về nhà trọ ở H.Hóc Môn nhưng hôm sau lại chạy xe máy trở lại: “Ở nhà trọ thấy ngột ngạt nên thấy nhớ công trường”. Anh Hiếu cho biết, vài hôm nữa, công ty của vợ anh mới nghỉ tết; lúc đó, vợ chồng anh sẽ cùng nhau về quê. Còn lý do “nhớ công trường” là do anh đã gắn bó với nó suốt mùa dịch. 

Cầu Bưng mới được thông xe vào đầu tháng 12/2021, được xem là điểm nhấn của ngành giao thông sau thời gian dịch bệnh, TP.HCM bước vào giai đoạn khôi phục sản xuất
Cầu Bưng mới được thông xe vào đầu tháng 12/2021, được xem là điểm nhấn của ngành giao thông sau thời gian dịch bệnh, TP.HCM bước vào giai đoạn khôi phục sản xuất

Dãy lán trại của công trường khá rộng, một góc chất đầy chén bát, xoong nồi, quần áo và giày bảo hộ. Nơi này, cách đây chưa lâu là “nhà” của anh Hiếu và hơn 30 công nhân, kỹ sư làm việc theo phương thức “ba tại chỗ” để xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Tháng 7/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội ở TP.HCM, trong tổng số 40 công trường thuộc sự quản lý của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là một trong ba công trường được UBND TP.HCM cho phép thi công xuyên suốt. Lúc đó, khu lán trại dành cho công nhân nghỉ trưa được nới rộng thêm mấy gian để làm chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt theo “ba tại chỗ”. Do tính cấp bách, quan trọng của dự án nên giữa lúc thành phố vắng lặng do giãn cách xã hội, công trường vẫn nhộn nhịp, hối hả, tất bật.

 “Khi thi công, tụi tui phải đảm bảo khoảng cách, mồ hôi chảy ròng ròng  vẫn phải đeo khẩu trang. Ai nấy đều rất sợ nhiễm bệnh nên hễ một người ra khỏi công trường về là cả đám bắt tắm kỹ hoặc xịt cồn khử khuẩn toàn thân” - anh Hiếu kể. Mỗi ngày, đội thi công luân phiên cử một người mua đồ, nấu ăn. Đội thường xuyên khử khuẩn máy móc cả công trường, lán trại và xét nghiệm COVID-19 bảy ngày/lần. Dự kiến cuối năm 2022, hầm chui này hoàn thành, góp phần giải tỏa “điểm đen” về ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc TCIP - việc thi công ba dự án trong thời gian giãn cách xã hội (hai công trình còn lại là dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chín lô đất thuộc khu chức năng số 1, khu đô thị mới Thủ Thiêm) gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu hậu cần: “Nguồn cung nguyên vật liệu có lúc không áp ứng tiến độ do vận chuyển khó khăn. Trong quá trình làm việc, một số công nhân bị nhiễm bệnh, phải điều trị và cách ly những người còn lại cũng ảnh hưởng đến tiến độ”.

Năm 2022, tái khởi động hàng loạt dự án lớn

Sau tết Nhâm Dần, ngành giao thông TP.HCM có hàng loạt dự án hoàn thành và tái khởi động nhiều dự án lâu nay chậm tiến độ, ngưng thi công. Theo ông Lương Minh Phúc, một trong những lý do khiến phần lớn dự án bị ách tắc trong nhiều năm liền là do không được bàn giao mặt bằng. Năm 2022, gần 40 dự án đã đạt được thỏa thuận đền bù, di dời hiện trạng. 

Ngồi thảnh thơi trong ngôi nhà mới xây xong chừng hai tháng trước, bà Phan Thị Thêm - ở xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè - cởi mở: “Nói chớ tui rất muốn cây cầu này xây xong, coi mặt mũi nó ra sao rồi chết cũng an lòng”. Cây cầu mà bà Thêm vừa nhắc là cầu Long Kiểng, tương lai sẽ chạy qua phía trước nhà bà. Bà Thêm nhớ lại, dự án này được phê duyệt từ năm 2001 nhưng trước đó, khi bà mới 30 tuổi, đang mang bầu đứa con đầu lòng, bà đã nghe đồn sẽ có một cây cầu nối liền H.Nhà Bè với Q.7, thông suốt đến tỉnh Long An. Giờ, bà ngoài 60 tuổi, năm người con đều đã lập gia đình, vẫn chưa thấy cây cầu đâu. 

Sau hơn 20 năm khởi công, cầu Long Kiểng vẫn lơ lửng. Năm 2022 với việc bàn giao mặt bằng của người dân, dự án sẽ tái khởi động
Sau hơn 20 năm khởi công, cầu Long Kiểng vẫn "lơ lửng". Năm 2022 với việc bàn giao mặt bằng của người dân, dự án sẽ tái khởi động

Bà Thêm về sống ở xã Nhơn Đức khi nơi này còn hoang sơ, bốn bề chỉ có dừa nước và lúa. Đường dẫn từ khu dân cư ra lộ lớn chỉ là một con hẻm sình lầy. Đường sá dần được mở rộng, bê tông hóa, giá đất cũng tăng. Lần đầu, chính quyền thông báo chuyện xây cầu, ai nấy đều ủng hộ, nhưng giá đền bù lúc này lúc kia, dân thì người chịu người không nên cây cầu nhiều lần phải dừng thi công. Nhà bà vướng mặt bằng xây cầu hơn 200m2. Ban đầu, bà không đồng ý với mức giá đền bù. “Giữa năm 2021, cán bộ xuống nói chuyện. Gia đình tui đồng ý, đến tháng Mười thì được bồi thường hơn 1 tỷ đồng” - bà Thêm cho hay.

Điều khiến bà phấn khởi là chính quyền còn đền bù cho bà hai phòng trọ. Nguyên trước đây, khi bà Thêm xin xây tạm dãy phòng trọ cho thuê, dù đất nằm trong diện quy hoạch, chính quyền vẫn cho gia đình bà xây dựng với điều kiện là công trình tạm bợ, phải di dời khi có yêu cầu và chính quyền không chịu trách nhiệm cho phần tài sản phát sinh này. “Dãy nhà trọ vướng trong dự án hai căn phòng. Hồi đó cam kết vậy nhưng vừa rồi họ cũng đền bù cho tui hai căn phòng đó, được hơn 30 triệu đồng” - bà Thêm cười tươi, rồi chỉ ra hàng dừa trước hiên nhà, cũng được đền bù tiền.

Không chỉ cầu Long Kiểng, các dự án cải tạo kênh Nước Đen, mở rộng đường Hoàng Minh Giám, Hoàng Hoa Thám… đều được người dân đồng thuận. Theo ông Lương Minh Phúc, việc đạt được thỏa thuận đền bù ở nhiều dự án “giậm chân tại chỗ” sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công. 

Ông Lương Minh Phúc nói: “Trong năm 2022, chúng tôi sẽ chạy nước rút để bù cho năm 2021”. Năm 2022, ngành giao thông TP.HCM tập trung vào hai nhóm việc: một là nỗ lực về đích đúng kế hoạch các dự án giải quyết điểm nóng về giao thông của TP.HCM, như cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cầu Nguyễn Khoái; hoàn thiện đường Đặng Thúc Vịnh, đường Kênh Nước Đen, cầu Vòm Sắt 2 Cần Giờ; khởi công dự án xây dựng nút giao An Phú - cửa ngõ phía đông của TP.HCM, dự án Quốc lộ 50 mở ra cửa ngõ TP.HCM - Long An…

“Hai là nhóm dự án mà khi hoàn thành sẽ thay đổi cơ bản cục diện giao thông của TP.HCM, đó là cụm dự án cửa ngõ, cao tốc, vành đai. Mục tiêu cho năm 2022 là được thông qua chủ trương đầu tư công các dự án lớn để thực hiện trong 5 năm tới đây. Chúng tôi hy vọng, khi đó, cục diện giao thông của TP.HCM sẽ có thay đổi lớn” - ông Lương Minh Phúc nói.

Theo ông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông ở nội đô TP.HCM lâu nay là do mọi trục đường nối các tỉnh đều chạy xuyên trung tâm thành phố. Việc hoàn thành các tuyến vành đai không chỉ giải quyết được bài toán này mà còn tăng kết nối liên vùng, tiền đề cho sự phát triển của TP.HCM thông qua việc tiếp cận giao thông được nhiều hướng. 

Năm 2021, TCIP đã đưa vào khai thác, sử dụng 19 gói thầu, dự án, như Tỉnh lộ 9, đường Nguyễn Hữu Cảnh... Trong đó, dự án chín lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có 6/9 hạng mục hoàn thiện. Không chỉ phục vụ công tác đấu giá, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố, dự án này cũng sẵn sàng kết nối trực tiếp với đường dẫn cầu Thủ Thiêm 2 (dự kiến thông xe trong quý II/2022), góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng cho khu vực Q.2 cũ.

Đặc biệt, sự kiện thông xe nhánh số 1 cầu Bưng mới, mới đây được xem là điểm nhấn trong lĩnh vực giao thông của TP.HCM trong năm 2021. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định, đây là hạng mục công trình giao thông đầu tiên được hoàn thành trong thời gian thành phố khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội sau đại dịch là tín hiệu vui, có ý nghĩa đối với quá trình phục hồi, phát triển của TP.HCM nói chung, quá trình hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố nói riêng.

Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI