Những chiếc bập bênh màu hồng xuyên bức tường biên giới Mỹ - Mexico đạt giải quốc tế

21/01/2021 - 20:21

PNO - Những chiếc bập bênh màu hồng mang thông điệp của sự hàn gắn và kết nối con người được lắp đặt xuyên qua bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico đã đạt giải cao trong cuộc thi thiết kế quốc tế năm 2020.

Những chiếc bập bênh màu hồng dành cho trẻ em bắc xuyên qua hàng rào là bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico đã vinh dự nhận được giải thưởng Thiết kế của năm 2020 đầy danh giá - được tổ chức hàng năm bởi Bảo tàng Thiết kế London.

Những người biến sáng kiến độc đáo và táo bạo này thành hiện thực cho biết, họ hy vọng những chiếc bập bênh sẽ khuyến khích con người cùng nhau xây dựng những “chiếc cầu hòa bình” giúp kết nối các cộng đồng với nhau.

Những chiếc bập bênh màu hồng được lắp đặt ngay giữa hàng rào ngăn cách Mỹ - Mexico đã được trao giải thưởng Thiết kế của năm 2020 - Ảnh: Luis Torres/AFP/Getty Images
Những chiếc bập bênh màu hồng được lắp đặt ngay giữa hàng rào ngăn cách Mỹ - Mexico đã được trao giải thưởng Thiết kế của năm 2020 - Ảnh: Luis Torres/AFP/Getty Images

Công trình có tên “Bức tường lảo đảo” (The Teeter Totter Wall) này, vốn là điểm kết nối vật lý giữa thành phố El Paso thuộc bang Texas (Mỹ) và thành phố Ciudad Juárez (Mexico), được ban giám khảo giải thưởng Thiết kế của năm 2020 đánh giá rằng, đó không chỉ là một “hình ảnh mang tính biểu tượng quan trọng” mà còn làm nổi bật ý tưởng “Không gì là không thể”.

“Cha đẻ” của những chiếc bập bênh này là Ronald Rael, giáo sư ngành Kiến trúc tại Đại học California và Virginia San Fratello, giáo sư ngành Thiết kế tại Đại học bang San José với mong muốn phá bỏ sự ngăn cách của bức tường để thúc đẩy sự đối thoại thay vì chia rẽ.

Do tính chất nhạy cảm của công việc này nên phải mất hơn 10 năm thì những chiếc bập bênh mới được lắp đặt trên thực địa - Ảnh: Licc UK
Do tính chất nhạy cảm của công việc này nên phải mất hơn 10 năm thì những chiếc bập bênh mới được lắp đặt - Ảnh: LICC UK

Cả hai đã ấp ủ ý tưởng này cách đây hơn 10 năm kể từ khi Đạo luật Hàng rào an toàn (Secure Fence Act) được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2006 cho phép xây thêm hàng ngàn km tường rào dọc biên giới Mỹ - Mexico nhằm ngăn chặn tình trạng di dân bất hợp pháp. Tuy nhiên, 2 tác giả của công trình chỉ chính thức bắt tay vào thực hiện hồi tháng 7/2019.

“Chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng thật nhiều chiếc cầu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thay vì những bức tường bằng thép cao vút vô cảm mà chúng ta đang thấy”, giáo sư San Fratello chia sẻ.

“Những bức tường này không hề ngăn chặn được người ta vượt qua để vào Mỹ”, giáo sư Rael bổ sung thêm, “Chúng cũng không thể ngăn chặn được sự lây lan của virus. Vì vậy, chúng ta phải nghĩ đến việc bằng cách nào để tăng cường sự kết nối và hợp tác cùng nhau thay vì làm tổn thương nhau với những bức tường như thế này”.

Những chiếc bập bênh này không chỉ là nơi các em nhỏ ở 2 quốc gia láng giềng được chơi đùa cùng nhau mà còn trở thành biểu tượng của sự hàn gắn - Ảnh:
Những chiếc bập bênh này không chỉ là nơi các em nhỏ ở 2 quốc gia láng giềng được chơi đùa cùng nhau mà còn trở thành biểu tượng của sự hàn gắn - Ảnh: Public Delivery

Thiết kế này đã xuất sắc vượt qua hơn 70 ứng cử viên nặng ký khác đến từ khắp nơi trên thế giới trong cuộc tranh tài của năm 2020.

“Sản phẩm này giúp khuyến khích các cách kết nối mới giữa người với người”, Tim Marlow, Giám đốc điều hành Bảo tàng Thiết kế London nói, “Hơn thế, nó còn nhắc nhở chúng ta rằng, con người có thể hàn gắn được vết thương của sự chia cắt bằng nhiều cách khác nhau”.

Những chiếc bập bênh màu hồng đặc biệt này thu hút sự chú ý của nhiều người khi đến đây tham quan - Clip: Global News

  Nguyễn Thuận (Theo Guardian, CNN)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI