Những cách hiểu 'chết người' về Covid-19

16/02/2020 - 07:02

PNO - Rất nhiều thông tin về vi-rút Corona chủng mới (2019-nCoV) gây hoang mang cho mọi người. Các chuyên gia y tế đã có sự giải thích cụ thể, rõ ràng, khuyên người dân cần bình tĩnh để cùng chung sức với ngành y tế trong công cuộc phòng, chống dịch.

Chưa có bằng chứng về nCoV lây truyền qua “aerosol”

Ngày 8/2, chuyên gia Trung Quốc đã cảnh báo nCoV có thể lây truyền qua “aerosol”. Chữ “aerosol” đã dấy lên sự tranh cãi vì có thể hiểu theo hai nghĩa. Nhiều kênh truyền thông dịch “aerosol” là bụi khí và điều đó đã khiến tình hình trở nên vô cùng nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc nCoV có thể lơ lửng trong không khí. Ngay khi thông tin này xuất hiện, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua và khen thưởng Bộ Y tế - đã chia sẻ trên trang Facebook của mình rằng nCoV có thể lây lan qua khí dung (một phương pháp điều trị bệnh) chứ không phải qua không khí như công chúng đang hiểu.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - “aerosol” trong thuật ngữ y khoa là khí dung, một số kênh truyền thông dịch lại từ báo Trung Quốc là “bụi khí” khiến người dân thêm rối. 

Dù “aerosol” là khí dung (như cách hiểu của giới y tế Việt Nam) hay là những giọt bắn li ti hòa lẫn trong không khí, ngày 9/2, hãng tin Tân Hoa xã đưa tin tại cuộc họp báo của chính phủ Trung Quốc, ông Phùng Lục Triệu, nghiên cứu viên tại Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc cho biết: “Trước mắt không có bằng chứng cho thấy nCoV lây truyền qua aerosol”. Do đó, người dân không nên quá lo lắng về điều này.

nCoV tồn tại ngoài vật chủ 9 ngày?

Ông Vũ Mạnh Cường - Vụ phó vụ Truyền thông - Thi đua và khen thưởng Bộ Y tế - cảnh báo trên trang Facebook cá nhân của mình về bài dịch đang được chia sẻ trên mạng xã hội cũng như một số kênh truyền thông dẫn lời một nhà khoa học Đức. Theo đó, tựa của bài dịch ghi “nCoV có thể tồn tại ngoài vật chủ 9 ngày” là chưa chính xác. Trên trang gốc của tạp chí Journal of hospital infection, tác giả nói rõ là nhóm của ông đã phân tích 22 nghiên cứu (có sẵn) về các chủng vi-rút Corona gây bệnh SARS, MERS hoặc HcoV. Từ đó cho thấy những loại vi-rút trên có thể tồn tại trên bề mặt 9 ngày. Như vậy nghiên cứu trên không phải nói về nCoV.

Hãy thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy trong 20 giây, đeo khẩu trang đúng cách để phòng tránh dịch nCoV
Hãy thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy trong 20 giây, đeo khẩu trang đúng cách để phòng tránh dịch nCoV

Không mua được nước sát khuẩn tay khô và khẩu trang y tế là... tận thế?

Tiến sĩ hóa học Huỳnh Khánh Duy - giảng viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM đã khẳng định chỉ nên dùng nước sát khuẩn khô trong trường hợp cấp bách. Điều đó có nghĩa rằng rửa tay dưới vòi nước chảy bằng xà bông hoặc sữa rửa tay hiệu quả và an toàn hơn nhiều. Nếu không mua được dung dịch rửa tay khô cũng chẳng sao, mọi người hãy thay thế bằng xà bông và sữa rửa tay, chịu khó rửa dưới vòi nước.

Đối với khẩu trang y tế cũng vậy, ngành y tế đã có hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể về việc nên dùng khẩu trang trong những hoàn cảnh nào. Những đối tượng cần đeo khẩu trang y tế là: cán bộ y tế trực tiếp tiếp xúc và chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, người chăm sóc và tiếp xúc gần với bệnh nhân, người mắc hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, tất cả những ai lui tới các cơ sở y tế.

Những người khỏe mạnh, không có triệu chứng bất thường về đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, chảy mũi chỉ cần đeo khẩu trang vải. Không phải lúc nào cũng đeo khẩu trang, chỉ cần đeo khi tới nơi công cộng đông người như bến xe, sân bay, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... Tại vùng Tây nguyên không cần thiết phải luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài vì nCoV rất sợ nắng, tia cực tím, gió và nhiệt độ cao. Với môi trường khắc nghiệt như Tây nguyên, vi-rút này khó có thể trụ lâu.

Những biện pháp ngừa nCoV có thể gây hại

Các chuyên gia y tế khuyến cáo tất cả những biện pháp đang được nhiều người dân thực hiện sau đây không được khuyến nghị vì chưa chắc đã phòng tránh được nCoV mà còn gây hại cho sức khỏe:

- Đeo nhiều khẩu trang một lúc.

- Uống vitamin C mỗi ngày (dùng vitamin C quá liều sẽ gây các rối loạn như tiêu chảy, buồn nôn, co thắt dạ dày, đầy hơi, sỏi thận…). Do đó, chúng ta không nên tự ý bổ sung vitamin bừa bãi, chỉ cần tăng cường ăn các thực phẩm, trái cây chứa nhiều vitamin C là đủ.

- Tự dùng kháng sinh (tăng gánh nặng cho gan, thận và nguy cơ kháng thuốc).

- Uống đồ uống có cồn như bia, rượu thật nhiều để... diệt khuẩn.

Lây nhiễm nCoV từ vật nuôi?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định với báo chí rằng, nCoV không lây qua vật nuôi như chó mèo. Giải trình từ gen thì gần 90% giống chủng Corona của các loài dơi. Tuy nhiên, mùa này Vũ Hán (Trung Quốc) không có dơi, do đây là mùa ngủ đông của dơi, nên có thể vi-rút lây qua vật chủ nào đó là động vật có vú nhưng hiện các nhà khoa học chưa chứng minh được là loài nào.

Dù thế, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo người dân phải rửa tay sát khuẩn sau khi tiếp xúc với chó mèo để bảo vệ cơ thể khỏi nhiều vi khuẩn gây bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người như E.coli, Salmonella…

Đeo khẩu trang ngâm muối diệt được nCoV?

Trên mạng đang chia sẻ cách tự làm khẩu trang muối vì tin tưởng rằng nó có thể diệt được không chỉ vi-rút Corona chủng mới mà còn là khắc tinh của hầu hết vi khuẩn, vi-rút gây bệnh. Theo cách hướng dẫn này, chỉ cần lấy hai chén muối hòa với một chén nước lọc rồi dùng cọ quét nhiều lần lên mặt ngoài của khẩu trang. Khi bề mặt của chiếc khẩu trang khô, lớp muối đọng lại sẽ như lớp bảo vệ tối ưu, bất khả xâm phạm với các loại vi-rút độc hại, thậm chí ngay cả nCoV cũng sẽ... chết ngay trong vòng năm phút. Xuất phát từ thông tin muối ngăn ngừa được nCoV, một số người dân suy ra rằng đi tắm biển nhiều có thể giúp tăng cường khả năng miễn nhiễm với vi-rút Corona chủng mới.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định thông tin trên là không chính xác. Mọi người hãy đeo khẩu trang đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu chỉ đơn giản phết muối lên khẩu trang mà nCoV bất khả xâm phạm thì thế giới không phải điêu đứng vì dịch bệnh này. Người dân tuyệt đối không làm theo và chia sẻ các chỉ dẫn trên mạng khi chưa có sự kiểm chứng.

Lây trong thời gian ủ bệnh là thế nào?

Khi nghe nói nCoV có thể lây trong thời gian ủ bệnh, nhiều người rất hoang mang. Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích rằng, giai đoạn đầu của thời gian ủ bệnh rất khó lây. Vi-rút không tự nhân đôi mà phải nhờ tế bào của ký chủ (người hay vật). Nó dùng cấu trúc tế bào của ký chủ để tổng hợp thành nhiều vi-rút con. Những con vi-rút đầu tiên khi xâm nhập vào hệ hô hấp cần có thời gian để sinh sôi, phát triển. Khi số lượng vi-rút sinh ra đủ lớn mới tạo ra các triệu chứng như ho, sổ mũi... để phát tán ra ngoài và lây bệnh cho người khác.

Không cho trẻ đi chích ngừa

Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, giới y khoa cũng đã tìm và có một số lý giải cho điều này. Một trong những giả định có tính thuyết phục nhất là nhờ trẻ em được tiếp cận các vắc-xin nên tạo ra miễn dịch chéo. Đã có nghiên cứu cho thấy vắc-xin sởi làm giảm tỷ lệ mắc bệnh vi-rút hợp bào. Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đi chích ngừa đúng lịch và thực hiện đúng theo khuyến cáo của Bộ Y tế về việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Có nên vừa đeo khẩu trang vừa chạy bộ?

Nhiều người cho rằng nên đeo khẩu trang y tế thường xuyên để phòng ngừa lây nhiễm vi-rút Corona. Song, nếu vừa chạy bộ vừa đeo khẩu trang sẽ ảnh hưởng tới việc thở, đồng thời khi vận động như chạy bộ, cơ thể tiết nhiều mồ hôi, mồ hôi trên phần mặt thấm ướt khẩu trang có khi làm khẩu trang mất vệ sinh hơn, khiến nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cao hơn thông thường.

Kháng sinh nào cho vi-rút Corona?

Trên trang web chính thức, WHO khẳng định các loại kháng sinh không có tác dụng điều trị chống lại các loại vi-rút mà chỉ có tác dụng với vi khuẩn. Trong đó, WHO nhấn mạnh rằng, 2019-nCoV là một loại vi-rút, vì thế các loại thuốc kháng sinh không có hiệu quả trong phòng chống loại vi-rút này.
Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV nhập viện, có thể được điều trị bằng kháng sinh vì bệnh nhân có thể đồng nhiễm các vi khuẩn.

Có một số chất khử trùng hóa học có thể giết chết 2019-nCoV trên các bề mặt. Chúng bao gồm các chất khử trùng dựa trên chất tẩy trắng/clo, dung môi, ethanol 75%, a-xít peracetic và chloroform. Dù vậy, chúng có ít hoặc không có tác động đến vi-rút nếu bạn đặt chúng lên da hoặc dưới mũi. Thậm chí chúng có thể gây nguy hiểm cho bạn khi tiếp xúc trực tiếp với da. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI