Những bà mẹ tuổi “teen” ở Philippines

15/02/2022 - 04:41

PNO - Mỗi ngày có hàng trăm trẻ em gái vị thành niên ở Phillipines sinh con. Xuất thân từ những gia đình nghèo khó, cùng với những hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế và xã hội do đại dịch COVID-19, đã khiến cho việc sinh và nuôi dạy con của các em trở nên gian nan, trong khi phải bỏ lỡ việc học và đối mặt với một tương lai bất định.

Erlyn, 18 tuổi, đã nghỉ học sau khi người anh trai của em mắc bệnh hen suyễn qua đời vào năm 2019.

Erlyn và Daisy (trái) tại nhà mẹ chồng của Daisy
Erlyn và Daisy (trái) tại nhà mẹ chồng của Daisy

Bạn của em, Daisy, 16 tuổi, bị mất mẹ vào năm 2017. Gia đình Daisy không biết nguyên nhân khiến bà tử vong vì quá nghèo, không đủ tiền để khám chữa bệnh cho bà.

Tinh thần suy sụp cùng với sự túng thiếu đã đẩy Erlyn đến với nghề xoa bóp. Qua công việc, Erlyn gặp một người đàn ông ngoài 30 tuổi, và đã nhanh chóng trở thành vợ của anh ta.

Trong khi đó, Daisy đã bỏ nhà đi từ năm 15 tuổi để sống với bạn trai bằng tuổi cũng nghỉ học như em và hiện giờ là chồng của em.

Erlyn nhanh chóng sinh con trai đầu lòng, tên Hades, vào tháng 12/2020. Daisy cũng sinh được một bé trai, tên Reysy Vee, vào tháng 10/2021.

Erlyn và Daisy sống gần nhau trong một cộng đồng đô thị ở thành phố Quezon, gần thủ đô Manila. Cả hai đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải nuôi con đầu lòng trong đại dịch COVID-19, trong khi sức khỏe và thể trạng của các em lại không tốt, nên cần nhiều thời gian hồi phục sau khi sinh.

Erlyn không được sinh con ở một bệnh viện lớn vì không có tiền để làm xét nghiệm COVID-19 bắt buộc trước khi sinh. Vì vậy, em phải sinh con tại một cơ sở nhỏ, với ít các điều kiện hạn chế hơn. (Tại Philippines, chi phí để thực hiện xét nghiệm COVID-19 khoảng 60 USD, trong khi mức lương tối thiểu hàng ngày của người lao động chỉ là 11 USD).

Do nghèo đói, chuyện học hành trước đây đã khó đối với các em, thì nay lại càng trở nên xa vời. Erlyn cho biết không muốn sinh thêm một lần nữa. Còn Daisy cũng cảm thấy cuộc sống bế tắc khi biết được mẹ chồng của em, hiện đang bán đồ ăn vặt với thu nhập rất thấp, lại đang mắc nợ nhiều người.

Theo dữ liệu từ Cơ quan thống kê Philippines, mỗi ngày nước này có khoảng 500 em gái ở tuổi vị thành niên sinh con. Số bà mẹ tuổi “teen” tăng nhanh đã khiến Tổng thống Rodrigo Duterte phải ký một sắc lệnh hành pháp, tuyên bố việc ngăn chặn tình trạng mang thai ở trẻ vị thành niên là “ưu tiên quốc gia” vào tháng 6/2021.

“Khi xảy ra đại dịch COVID-19, một số cơ sở y tế ở các vùng nông thôn Philippines đã phải ưu tiên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm căn bệnh này. Kết quả là phụ nữ ít được tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục. Một số phụ nữ phải sinh tại nhà”, Cecilia Villa - một chuyên gia về quyền, sức khỏe sinh sản và tình dục của Oxfam Philippines - cho biết.

Theo tờ SCMP, nghèo đói là vấn đề chung của nhiều bà mẹ trẻ Philippines. Dữ liệu của Ủy ban Dân số và phát triển Philippines (POPCOM) cho biết, trong năm 2020, hơn một nửa số người ở độ tuổi thanh thiếu niên (chiếm khoảng 57%) của nước này được xếp vào nhóm 40% dân số nghèo nhất.

“Do số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh, và nhiều bệnh viện tuyên bố bị quá tải, những bà mẹ ở tuổi vị thành niên và nghèo khó ở Philippines không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội và y tế cơ bản.

Trong khi đó, chính phủ chỉ phân bổ 189,76 tỷ peso (khoảng 3 tỷ USD) cho Bộ Y tế, nhưng lại chi ra đến 213,78 tỷ peso (4,1 tỷ USD) cho Lực lượng vũ trang, và 190,69 tỷ peso (khoảng 3,7 tỷ USD) cho Cảnh sát quốc gia của nước này. Đây là một sự bất công nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em”, bà Arlene Brosas - một dân biểu của Đảng Phụ nữ Gabriela - lên tiếng và cho biết, đa số các bà mẹ trẻ vị thành niên ở Philippines hiện đang phải bỏ dỡ việc học hành.

Bà Villa của tổ chức Oxfam cho rằng, tình trạng số bà mẹ vị thành niên ở Philippines gia tăng còn do một quan niệm sai lầm về giáo dục đến giới tính và tình dục, theo đó chỉ nên thảo luận về vấn đề này với trẻ em ở tuổi dậy thì trở lên.

Theo nhận định của tờ SCMP, tình hình sẽ có thể được cải thiện trong thời gian tới, khi Philippines sửa đổi luật, nâng độ tuổi có thể chấp thuận tình dục từ 12 lên 16. Mặt khác, Tổng thống Duterte cũng đã ký dự luật cấm tảo hôn, và luật cấm bóc lột tình dục trực tuyến cũng đang được thông qua.

“Nhưng đã quá muộn để thay đổi cuộc đời của nhiều con người”, ông Juan Perez III - Giám đốc POPCOM - lên tiếng và cho biết, chức này đã ghi nhận tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên trong thời kỳ đại dịch giảm 14%. “Tuy nhiên, đây không phải là lúc để tự mãn, vì cũng có sự gia tăng đáng báo động về các trường hợp mang thai ở trẻ em gái 10-14 tuổi, với khoảng 40-50 em sinh con mỗi tuần”, ông Perez III nói thêm.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI