Nhức đầu nhiều năm mới biết... trong mũi có túi bóng khí

27/09/2022 - 05:59

PNO - Nhiều người bị nhức đầu, nghẹt mũi nhiều năm, tự uống thuốc không hết. Khi đi khám, họ được phát hiện trong mũi bị kích thích, chèn ép do có túi bóng khí. Nếu can thiệp chậm trễ, túi bóng khí trong mũi có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe, khiến việc điều trị thêm phức tạp, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống.

 

Nghẹt mũi kéo dài có thể là triệu chứng của bệnh vẹo vách ngăn mũi và có túi bóng khí trong mũi  ẢNH MINH HỌA
Nghẹt mũi kéo dài có thể là triệu chứng của bệnh vẹo vách ngăn mũi và có túi bóng khí trong mũi (Ảnh minh họa) 

Nghẹt mũi nhiều năm vì “vật thể lạ” trong mũi

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết đơn vị mình đã phát hiện và can thiệp điều trị cho rất nhiều ca bị túi bóng khí trong mũi. Tình trạng túi bóng khí thường đi kèm bệnh lý vẹo vách ngăn mũi, chiếm tỷ lệ trên 30% dân số nhưng thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm mũi dị ứng hoặc quá phát cuốn mũi, nên đa số người bệnh thường phải chịu đựng trong thời gian dài, thậm chí là nhiều năm trời. Tỷ lệ vẹo vách ngăn mũi ở người lớn khi có triệu chứng nghẹt mũi kéo dài chiếm khoảng 80% và ở trẻ em là khoảng 25 - 30%.

Trong số những ca được phát hiện và điều trị thành công túi bóng khí trong mũi, mới đây nhất là trường hợp nữ bệnh nhân tên N.N.M.T. (23 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TPHCM). Chị T. bị nghẹt mũi và nhức đầu kéo dài nhiều năm. Chị tưởng rằng mình bị cảm cúm, rồi bị viêm mũi dị ứng, thậm chí nghĩ cả tới khả năng bị viêm xoang. Thế nhưng, dù chị T. đã uống rất nhiều loại thuốc mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Bệnh nhân cảm thấy băn khoăn bởi nếu bị cảm cúm hay viêm mũi dị ứng thì không thể nghẹt mũi và nhức đầu thường xuyên như thế. Nghi ngờ mình mắc bệnh lý khác, chị T. đã đến khám tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Sau khi khám, bác sĩ chỉ định cho chị đi chụp CT - scan. Thông qua kết quả CT - scan, bác sĩ phát hiện cuốn mũi giữa của bệnh nhân phình to, trong cuốn mũi còn có một túi bóng khí làm hẹp hốc mũi. Sở dĩ bệnh nhân bị nhức đầu là do ba nguyên nhân. Thứ nhất, sự kích thích giữa túi bóng khí và vách ngăn mũi. Thứ hai, túi bóng khí tạo ra áp lực khí âm ở mũi. Thứ ba, sự chèn ép, hẹp tắc khiến não bị thiếu oxy làm bệnh nhân không chỉ nhức đầu mà còn có triệu chứng chóng mặt thoáng qua.

Chị T. được phẫu thuật bóc tách túi bóng khí. Sau ca mổ, bệnh nhân lập tức hết nhức đầu, cảm giác đường thở thông thoáng, thoải mái.

Chị T. đã chia sẻ, giới thiệu cho nhiều bạn bè, hàng xóm có triệu chứng giống như mình, thuyết phục những người này thay vì ở nhà chịu đựng và tự điều trị thì đến bệnh viện khám để tìm ra căn nguyên chính xác. 

Biến chứng nghiêm trọng nếu không can thiệp kịp thời

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, tình trạng túi bóng khí ít khi xảy ra đơn độc mà thường đi kèm bệnh lý vẹo vách ngăn mũi. Nếu bệnh nhân bị vẹo vách ngăn bên phải thì bên trái hay có túi bóng khí và ngược lại. Khi thực hiện phẫu thuật bóc tách túi bóng khí, các bác sĩ thường đồng thời tiến hành chỉnh hình lại vách ngăn mũi bị vẹo cho người bệnh.

Vẹo vách ngăn mũi là một bệnh lý bẩm sinh, xảy ra trong giai đoạn bào thai, ở quá trình vách ngăn và cuốn mũi hình thành, phát triển. Đôi khi vẹo vách ngăn mũi cũng có thể do chấn thương. Mũi người được chia làm hai bên, ở giữa có một vách ngăn cấu tạo bằng một phần xương và sụn. Vẹo vách ngăn mũi được chia làm 3 dạng: vẹo đơn thuần (chữ C), vẹo chữ S, gai mào vách ngăn mũi. 

Nếu tình trạng vẹo vách ngăn, có túi bóng khí trong mũi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Một số ảnh hưởng do túi bóng khí trong mũi gây ra là tắc hốc mũi, lấn vào lỗ thông xoang gây ứ dịch, viêm lỗ thông xoang, bội nhiễm, viêm xoang mạn tính, ứ mủ trong xoang.

Các triệu chứng khi bị túi bóng khí trong mũi không khó nhận biết. Người bệnh thường xuyên bị nghẹt mũi, nhức đầu, hắt xì, chóng mặt thoáng qua. Tuy nhiên, dù có thể phát hiện bệnh từ sớm, việc can thiệp vùng xoang mặt chỉ nên thực hiện với bệnh nhân trên 18 tuổi bởi từ độ tuổi này trở đi, cấu trúc sọ mặt mới phát triển đầy đủ, ổn định. 

Để phát hiện bệnh lý bất thường về mũi, bệnh nhân sẽ được thăm khám, chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng cần thiết. 90% các ca bị phình to cuốn mũi, vẹo vách ngăn mũi được bác sĩ phát hiện thông qua phương pháp nội soi. Tuy nhiên, để xác định bệnh nhân có bị túi bóng khí hay không, cần sử dụng kỹ thuật CT - scan. 

Qua đó, bác sĩ Hùng khuyến cáo người dân, nếu thấy các dấu hiệu nghẹt mũi, nhức đầu kéo dài thì không nên tự ý mua thuốc điều trị mà cần đến khám tại cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa tai - mũi - họng, từ đó được chẩn đoán chính xác và đưa ra hướng can thiệp phù hợp. Rất nhiều trường hợp tự ý dùng thuốc không có chỉ định của bác sĩ đã dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. 

Lợi bất cập hại khi tự ý lạm dụng thuốc chữa nghẹt mũi

Vẹo vách ngăn mũi không chỉ xảy ra đối với người lớn mà còn ở cả trẻ em. Trước đó, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tường Thi, Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 2, đã cảnh báo không ít trường hợp bị vẹo vách ngăn dẫn tới nghẹt mũi kéo dài nhưng phụ huynh lạm dụng thuốc xịt để chữa nghẹt mũi đã khiến bé bị nhiều biến chứng nặng nề.

Điển hình là một bé trai bị nghẹt mũi nặng tới mức mất luôn khứu giác. Người mẹ đã ra nhà thuốc miêu tả lại triệu chứng của con mình và được bán cho lọ thuốc xịt mũi. Người mẹ đã xịt thuốc trên liên tục suốt ba tháng cho bé.

Ban đầu, bệnh nhi chỉ bị nghẹt nặng một bên mũi nhưng sau khi dùng thuốc, cả hai bên mũi đều nghẹt. Bé phải dùng miệng để thở khiến cơ thể mệt mỏi, hay la hét, quấy khóc làm tình trạng khó thở thêm trầm trọng.Khi khám cho bệnh nhi này, bác sĩ Thi phát hiện niêm mạc mũi của bé phù nề, xung huyết.

Theo bác sĩ Thi, người mẹ dùng thuốc xịt có thành phần chứa corticoid và chất làm co mạch cho con trong thời gian quá dài gây ra hậu quả như trên. Thông thường, những loại thuốc xịt mũi chỉ được dùng trong thời gian ngắn (7-10 ngày).

Thuốc chống nghẹt mũi có thể gây tác dụng phụ, đặc biệt là một số loại sử dụng theo đường uống thường được phối hợp với paracetamol trong các chế phẩm để điều trị triệu chứng cảm lạnh. Có thể liệt kê một số tác dụng phụ của thuốc: mất ngủ, thần kinh căng thẳng, run tay...

Thuốc điều trị nghẹt mũi còn được khuyến cáo phải thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân tim mạch, tăng huyết áp hoặc cường giáp vì tác dụng co mạch, co cơ trơn có thể tác động xấu tới hệ tim mạch. Chính vì tác dụng co mạch, co cơ trơn, thuốc điều trị nghẹt mũi có thể bất lợi đối với những bệnh nhân bị bệnh mạch vành, đau thắt ngực hoặc tăng huyết áp (tình trạng có thể tăng lên do thuốc gây tác dụng trên tim mạch), bệnh nhân cường tuyến giáp. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI