Nhọc nhằn tìm người giúp việc nhà sau Tết

06/03/2015 - 07:32

PNO - PN - Dù đã đi làm việc trở lại được gần hai tuần nay nhưng nhịp sống của nhiều gia đình vẫn bị xáo trộn bởi người giúp việc (NGV) chưa “khởi động”, hoặc bỗng dưng… mất hút.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Vật vã” vì thiếu người giúp việc

Mới đầu năm đầu tháng, chị Phương Trà (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã nhăn nhó, than thở: “Mọi người đã đi làm trở lại, còn mình phải xin nghỉ việc không lương để ở nhà ôm con vì NGV về quê ăn Tết rồi một đi không trở lại. Không khéo mình sớm bị đuổi việc mất thôi”. Đây cũng là tình trạng chung rất nhiều gia đình.

Chị Thương (Q.8, TP.HCM) còn nan giải hơn vì chị có đến hai bé sinh đôi mới hơn hai tuổi. Trước Tết, chị thuê hai NGV nhưng nay cả hai đều xin nghỉ. Việc ở công ty thì ngập đầu, hai con lại còn nhỏ, chưa thể gửi đi học. Chị Thương đã phải năn nỉ người thân trong gia đình lên giúp một thời gian để chờ tìm NGV mới. Thế nhưng, ba ngày nay, chạy khắp các trung tâm giới thiệu việc làm, chị đều nhận được câu trả lời giống nhau: hiện không có sẵn lao động giúp việc nhà.

Do NGV gia đình chưa lên nên chị Nguyễn Thị Hòa (Hà Đông, Hà Nội) phải xin được làm việc ở nhà để trông con nhỏ. Chị bức xúc: “Thời gian nghỉ Tết đã qua nhưng bác giúp việc vẫn chưa lên với lý do bận… ăn rằm”. Dẫu vậy, nhưng vì NGV cho chị có tính cẩn thận và chăm trẻ khéo nên chị cũng không dám làm “căng” vì sợ họ… giận rồi bỏ làm.

Chị Vũ Hồng Vân (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cũng phải nghỉ việc sau Tết vì NGV bỗng dưng… “mất dạng”. “Trước Tết, chị ấy hẹn mùng 7 lên nhưng không thấy đâu. Mình điện thoại về thì chị khất mùng 8. Rồi mùng 8 lại khất đến mùng 9. Hai ngày nay thì điện thoại không liên lạc được”, chị Vân chia sẻ.

Trường hợp chị Minh Hằng (chung cư Ehome 2, Q.9, TP.HCM) có may mắn hơn, nhưng để giữ được NGV, chị cũng trải qua không ít chuyện “trần ai khoai củ”. Dù được nhiều ưu ái như lương tháng 3,5 triệu đồng, bao ăn ở; thưởng Tết bốn triệu đồng, cộng thêm 1,2 triệu tiền quà Tết, vé xe, quần áo… nhưng NGV nhà chị Minh Hằng vẫn “đe dọa” có thể không quay trở lại vì làm phụ bếp được năm triệu đồng/tháng mà mỗi ngày chỉ làm có vài tiếng…

Ngay sau những ngày nghỉ Tết, qua người quen giới thiệu, chị tìm được một NGV cùng quê. Chị đã phải bỏ tiền mua vé xe để đón NGV vào, nhưng chỉ sau ba ngày, bà giúp việc mới tuyên bố nghỉ với lý do… làm không quen, nhưng lại “đánh tiếng” cho chủ biết là thấy lương NGV bên hàng xóm cao hơn.

Nhoc nhan tim nguoi  giup viec nha sau Tet

Cứ Tết xong là nhiều gia đình hốt hoảng vì người giúp việc nghỉ ngang - Ảnh minh họa: Phùng Huy

Trung tâm giới thiệu việc làm: thiếu trầm trọng lao động giúp việc nhà

Sàn giao dịch việc làm - Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) TP.HCM những ngày đầu tháng 3/2015 có khá nhiều người đến tìm việc. Tuy nhiên, đa phần là lao động có trình độ từ trung cấp trở lên. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn tìm người GVN, một nhân viên của TT cho biết, hiện TT không có bất kỳ lao động giúp việc nhà nào để cung ứng. Chỉ thỉnh thoảng TT mới có lao động đến đăng ký nhưng thường họ sẽ được giới thiệu chỗ làm ngay vì cầu nhiều mà cung thì ít. Đặc điểm của nhóm lao động này là họ cần việc ngay nên sẽ không để lại hồ sơ cho TT.

Tình hình cũng tương tự ở nhiều TT khác. Tại TTGTVL Vinhempich, nhân viên cũng đề nghị người tuyển dụng để lại thông tin và yêu cầu cụ thể rồi sẽ thông báo sau. Với hệ thống hội phụ nữ luôn sát sao với cuộc sống của chị em tại 24 quận huyện, TT GTVL của Hội LHPN TP.HCM vốn có thế mạnh trong việc cung cấp lao động giúp việc nhà theo giờ. Tuy nhiên, những ngày này, TT cũng chưa nhận được người đăng ký giúp việc nhà. Lý do được đưa ra là làm việc vất vả cả năm, các chị em vẫn còn muốn nghỉ ngơi đến qua rằm tháng Giêng và đi chùa đầu năm rồi mới quay trở lại làm việc.

Theo bà Kim Phụng, đại diện TTGTVL Thanh Niên (TP.HCM), vì mới sau ngày làm việc chính thức (sau nghỉ Tết​) một tuần nên lượng người lên tìm việc giúp việc nhà chưa nhiều. Thông thường, phải sau rằm tháng Giêng, lao động phổ thông mới lên thành phố nhiều. Đến nay, mới có khoảng 20 lao động đăng ký giúp việc nhà, ​chủ yếu trong độ tuổi 30-50, nhiều nhất là người ở các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, do nhu cầu tìm NGV của các gia đình luôn nhiều hơn số người đăng ký giúp việc nhà nên TT thường không đủ cung ứng.​ Mức lương giúp việc nhà được các gia đình đề nghị cũng tương đối cao, từ 3,5 - 5tr/tháng.

Giúp việc gia đình vẫn “nằm ngoài luật”

Đại diện Công ty giúp việc Huyền Bình (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, năm nay, tình trạng thiếu NGV có xu hướng trầm trọng hơn mọi năm. Nguyên nhân là đối tượng NGV chủ yếu tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thêm. Do năm 2014 nhuận hai tháng nên thời điểm sau Tết Nguyên đán vào đúng vụ cấy nên họ sẽ lên thành phố chậm hơn so với thông thường.

Thêm vào đó, tâm lý “Giỗ Tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” khiến nhiều lao động cố nán lại để “ăn rằm”. Mức lương của lao động GVN hiện tại dao động từ 3,5 - 5 triệu đồng, tùy thuộc vào chất lượng và thỏa thuận lao động của mỗi gia đình. Đặc biệt, vào những ngày đầu năm, nhiều gia đình chấp nhận mức giá cao hơn thông thường từ 500.000đ - 1.000.000đ để có NGV.

Theo TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội, nguyên nhân sâu xa của việc thiếu hụt lực lượng lao động này vẫn nằm ở mối quan hệ lao động lỏng lẻo, chủ yếu dựa trên những cam kết miệng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Giúp việc gia đình trở thành đối tượng được điều chỉnh trong Bộ luật Lao động 2012 và chính thức có hiệu lực năm 2013. Năm 2014, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục ra Nghị định 27/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2012 đối với giúp việc gia đình.

Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết những quy định trên vẫn chỉ nằm trên giấy khiến người lao động “vui thì làm, không vui thì nghỉ”.

Một số gia đình vẫn ràng buộc NGV bằng cách giữ lại một-hai triệu đồng tiền lương, nhưng theo TS Khuất Thu Hồng, số tiền đó là chưa đủ. “Nếu sử dụng hợp đồng lao động, chủ sử dụng lao động hoàn toàn có thể kiện NGV không thực hiện đúng hợp đồng ra tòa. Không chỉ dừng lại ở vài triệu đồng như thỏa thuận mà NGV còn phải trả tới chục triệu, hai chục triệu cho “chi phí cơ hội” của chủ lao động. Đây là số tiền họ mất khi phải ở nhà để làm thay công việc của NGV đã ký kết”, TS Hồng phân tích.

Bên cạnh đó, việc chủ sử dụng lao động đảm bảo cho NGV những lợi ích theo đúng quy định như giờ làm việc, tiền bảo hiểm xã hội… sẽ khiến NGV có trách nhiệm hơn với công việc, tránh tình trạng bỏ việc diễn ra vào mỗi dịp sau Tết Nguyên đán hàng năm.

HUYỀN ANH - AN HÀ - ĐĂNG THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI