Nhớ nhà văn Nguyễn Thành Nhân – một người đã đi “xa nhà”…

01/03/2022 - 14:01

PNO - Sáng ngày 1/3, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm tưởng nhớ cố nhà văn – dịch giả Nguyễn Thành Nhân.

Nhà văn - dịch giả Nguyễn Thành Nhân qua đời vào ngày 7/11/2020. Trước khi mất, ông đã kịp hoàn thiện bản dịch tiểu thuyết Những lớp sóng của nhà văn Virginia Woolf (tác phẩm sau đó được nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành).

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết, Hội Nhà văn TPHCM mong muốn tổ chức buổi tọa đàm đúng dịp kỷ niệm một năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Thành Nhân nhưng vì tình hình dịch bệnh, đến nay buổi tưởng nhớ mới được tổ chức. Đây cũng là dịp để nhìn lại giá trị của các tác phẩm và dịch phẩm của người đã khuất.

Nhà văn-dịch giả Nguyễn Thành Nhân, một người hiền của văn chương
Nhà văn -  dịch giả Nguyễn Thành Nhân, một người hiền của văn chương. Ảnh: Website Hội Nhà văn TPHCM

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân từng tham gia bộ đội tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Tác phẩm Mùa xa nhà – tiểu thuyết duy nhất của anh chính là viết về cuộc chiến đấu của quân đội tình nguyện Việt Nam tại chiến trường K. Tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2004, được nhà xuất bản Trẻ tái bản vào năm 2010. Năm 2017, tác phẩm trở lại nổi bật cùng với loạt sách viết về chiến trường biên giới Tây Nam: Mùa chinh chiến ấy (hồi ức chiến binh của nhà văn Đoàn Tuấn) và Rừng khộp mùa thay lá (nhà văn Nguyễn Vũ Điền).

“Nguyễn Thành Nhân, một cựu chiến binh, người đã hóa thân thành những nhân vật nhân vật người lính trong tiểu thuyết Mùa xa nhà, dù có thoát khỏi chiến trường K vẫn không thể thoát khỏi những dư chấn tâm lý từ sự giết chóc man rợ của một cuộc chiến diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Kể từ đó,  những nhân vật cũng như Nhân, dường như không thể sống được một cuộc sống bình thường. Trái tim Nhân, tâm hồn Nhân chừng như vỡ vụn. Thế mà, Nhân vẫn kiên trì, vẫn nỗ lực, vẫn cố vá víu những rách nát tổn thương, để có thể được sống một cuộc sống bình thường” – nhà văn Bích Ngân cảm nhận.

Chị cũng chia sẻ lý do vì sao nhà văn Nguyễn Thành Nhân đã chọn dịch các tác phẩm của Virginia Woolf. Đó là vì anh đã nhìn thấy trong các tác phẩm  “nỗi đau và cả khát vọng vươn tới những ngọn sáng”, anh đã tìm thấy sự đồng cảm và sẻ chia sâu sắc trong những tác phẩm mà anh chọn dịch.

Những lớp sóng - dịch phẩm cuối cùng của dịch giả Nguyễn Thành Nhân
Những lớp sóng - dịch phẩm cuối cùng của dịch giả Nguyễn Thành Nhân

Ở vai trò dịch giả, anh gửi đến độc giả Việt các tác phẩm: Ba đồng Ghi-nê, Bà Dalloway, Những lớp sóng (đều của nhà văn Virginia Woolf), Trở lại cố hương Jude-Kẻ vô danh (của Thomas Hardy). Nhà văn cũng có thêm tập truyện Nhà văn già và em mọi nhỏ (nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, in năm 2018).

“Là người dịch, Nguyễn Thành Nhân yêu tính lý tưởng của ngôn ngữ. Anh luôn cho rằng mỗi ngôn ngữ đều có sự vẹn toàn lý tưởng của nó. Khi dịch tác phẩm, Nhân tỏ bày sự đam mê nghệ thuật của một nhà thiết kế thời trang khi chăm chút từng từ sao cho hợp ngữ cảnh và phong cách văn của tác giả nguyên tác” – nhà văn Lâm Hà, người bạn thân thiết của dịch giả Nguyễn Thành Nhân nhìn nhận.  

Sinh thời, nhà văn - dịch giả Nguyễn Thành Nhân sống và làm việc lặng lẽ. Ngay cả trong những buổi ra mắt sách của mình, anh cũng rất kiệm lời, từ tốn. “Cõi riêng” của anh chính là căn phòng nơi anh từng ngày, từng đêm cần mẫn viết và dịch sách, cũng là nơi anh đã lặng lẽ từ giã cõi đời… Bức tranh in bìa tiểu thuyết Mùa xa nhà được Hội Nhà văn TPHCM trao tặng gia đình anh dịp này, sẽ được đặt trang trọng vào nơi chốn thân thuộc tĩnh lặng bao năm của cố nhà văn.

Bìa sách sẽ được treo trên tường trong căn phòng nhỏ của Nhân, nơi Nhân lặng lẽ làm việc, lặng lẽ dâng cho đời những con chữ được vắt ra từ nước mắt của tâm hồn, và cũng là nơi Nhân lặng lẽ ra đi, một mình…
"Bìa sách sẽ được treo trên tường trong căn phòng nhỏ của Nhân, nơi Nhân lặng lẽ làm việc, lặng lẽ dâng cho đời những con chữ được vắt ra từ nước mắt của tâm hồn, và cũng là nơi Nhân lặng lẽ ra đi, một mình…" - nhà văn Bích Ngân chia sẻ xúc động trên trang cá nhân

Có một Nguyễn Thành Nhân trong thơ

“Nhân sáng tác nhiều thể loại, văn thơ, nhạc, họa nhưng trong nhiều thể loại sáng tác khác nhau đó của Nhân, tôi thích nhất là thơ. Đó là những bài thơ tình ướt át những nhớ nhung da diết, đó cũng có thể là những bài thơ buồn buồn trước những cảnh đời khiến ta xót xa, thương cảm. Có một bài thơ được Hàn Sĩ Nguyên phổ nhạc với nhan đề Khúc mơ yêu, giai điệu như nỉ non, đi vào lòng người: “Sao dửng dưng/ Trăng dửng dưng/ Sao ta mãi nhớ nhung/ Đêm tịch liêu/ Ơi người yêu/ Bao giờ trở lại?/ Cánh buồm xưa/ xa càng xa/ Chợt nghe sóng biếc nỉ non trăng tà”.

Tôi khá ngạc nhiên với ý thơ già dặn, chín muồi của Nhân khi Nhân còn rất trẻ, trong bài thơ Tình đến tình đi được ghi chú thời điểm sáng tác là tháng 6/1984:…"như dòng sông - cuộc đời/qua thác ghềnh hung hiểm/trắng bờ yêu một thời/rồi bọt bèo vĩnh viễn; hay "rêu đời đã xanh/tay còn mãi trắng…

Lê Thị Hạnh, chuyên viên nghiên cứu Trường Đại học Hoa Sen

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI