Trẻ bị tung lên trong clip cha đánh mẹ bị sang chấn tâm lý thế nào?

27/08/2019 - 19:05

PNO - Chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, việc cha mẹ đánh nhau trước mặt con cái, nhiều người nghĩ sau một thời gian bé sẽ quên, thực ra điều này ám ảnh đứa trẻ suốt đời.

Những ngày qua, mạng xã hội liên tục "dậy sóng" trước đoạn video clip ông Nguyễn Việt Lượng (35 tuổi, ở phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn) đang công tác tại Kho bạc Nhà nước Bạch Thông thuộc Kho bạc Nhà nước Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn đánh vợ trước mặt con trai.

Trước đó là vụ đại úy Lê Thị Hiền (35 tuổi, trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) công an quận Đống Đa chửi bới nhân viên an ninh sân bay Tân Sơn Nhất, gào thét, khóc lóc khi có con gái đi cùng.

Gần đây nhất, 27/8, một lần nữa võ sư Nguyễn Xuân Vinh ở Hà Nội đánh vợ dã man trong khi chị đang bế con mới sinh được 2 tháng tuổi, khiến chị phải nhập viện điều trị. 

Tre bi tung len trong clip cha danh me bi sang chan tam ly the nao?
Ông Nguyễn Việt Lượng đánh vợ trước sự chứng kiến của con trai. Ảnh cắt từ clip

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến – khoa Tâm thể, Bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM – cho hay: “Hành vi bạo lực của cha đánh mẹ, hoặc những lời chửi rủa của mẹ sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, luôn ám ảnh về lời thóa mạ, "chiêu thức" đánh đập.

Đặc biệt, các bé trong những đoạn clip bị tung lên mạng còn bị ám ảnh hơn. Bé có thể mặc cảm, lén lút coi lại các clip và suy nghĩ tiêu cực khi bị trở thành trung tâm để người lớn, bạn bè mang ra dè bỉu. Điều này khiến các bé muốn sống tốt cũng rất khó khăn”.

Những suy nghĩ tiêu cực trẻ luôn ám ảnh khi bị là nhân vật bất đắc dĩ trong các clip bạo hành:

- Trẻ đề phòng, luôn có cảm giác người lớn nói dối mình

Người lớn, nhất là cha mẹ luôn dạy trẻ phải nhận lỗi khi làm sai, nhưng khi cha mẹ cãi vã đổ lỗi cho nhau, lớn tiếng sỉ nhục nhau trước mặt con sẽ khiến trẻ không biết phải tin ai.

Sau đó, cả cha và mẹ đều tiêm nhiễm vào đầu con mình rằng người kia có lỗi, nhưng họ không biết rằng với trẻ, cả hai đều xấu. Điều này sẽ hình thành ở con sự đề phòng, khép kín khi phạm lỗi vì nếu nói ra sẽ bị đánh, bị chửi rủa.

- Sống khép kín, tránh xa mọi mối quan hệ trong xã hội

Khi clip bị phát tán trên mạng, nhà trường, bè bạn, hàng xóm xung quanh đều thấy mặt đứa trẻ khiến bé xấu hổ. Bên cạnh đó, mọi người sẽ lấy cách cư xử của cha mẹ đứa bé  để hăm dọa, trêu ghẹo, bêu xấu khiến trẻ bị tổn thương, đau khổ.

Bé không biết phải làm sao để có thể thoát ra khi luôn bị mỉa mai: “Mẹ mày là người xấu, mẹ mày cãi nhau trên mạng xã hội”, “Lớn lên đừng giống như mẹ mày nha”,… từ đó trẻ thu mình, hình thành những suy nghĩ tiêu cực, thù hận trong quá trình phát triển nhân cách.

Khi bé làm gì có lỗi, người đối diện cũng sẽ đem người cha, người mẹ của trẻ ra để mắng nhiếc. Khi bé cư xử phải phép cũng có thể bị nói là giả tạo. 

Tre bi tung len trong clip cha danh me bi sang chan tam ly the nao?
Bà Hiền chửi bới, xô đẩy nhân viên an ninh sân bay khi đi cùng con gái. Ảnh cắt từ clip

- Bé trở nên bạo lực như chính cha mẹ của mình

Trẻ sẽ có xu hướng cộc cằn, dễ phát sinh đánh nhau trong những mâu thuẫn nhỏ, nóng giận nếu không được đáp ứng yêu cầu. Điều này xảy ra khi trẻ hình thành suy nghĩ cha đánh mẹ “rất oách”, hoặc nếu không đánh đối phương thì chính mình mới là người bị đánh. Thậm chí khi trưởng thành, đứa trẻ có thể có nhiều hành vi phạm tội.

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến cảnh tỉnh: Trung bình mỗi ngày có hàng ngàn đứa trẻ phải chứng kiến hành vi đánh nhau, chửi rủa nhau từ gia đình, trong đó có hơn 50% trẻ bị rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, phát sinh tâm lý tiêu cực, trở nên nóng nảy, tự làm hại mình, thậm chí muốn giết người mà bản thân trẻ không thích.

- Luôn là mục tiêu để bạn bè ức hiếp

Quá sợ hãi khi chứng kiến cảnh cha đánh mẹ, mẹ chửi người khác, bé khiếp sợ cả những người xung quanh, có tâm lý phục tùng, co rúm trước những tình huống bạo lực.

Điều này do trẻ bị ám ảnh bởi tiếng khóc của người mẹ, hoặc mẹ bé “xúi” người khác đánh con trong khi lúc đó trẻ không làm gì sai.

- Ám ảnh đeo bám đến khi trưởng thành:

Ai cũng nghĩ trẻ con sẽ nhanh quên, nhưng những cảnh tượng hãi hùng trẻ chứng kiến sẽ in đậm trong suy nghĩ, tâm trí, ngay khi ngủ, bé cũng sẽ mơ thấy.

Những đoạn clip ấy vẫn còn truyền đi trên mạng xã hội, trang tin đến tận khi trẻ trưởng thành, khiến trẻ muốn quên cũng không được, dẫn đến việc bé tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ tình cảm, công việc và hạnh phúc sau này.

Tre bi tung len trong clip cha danh me bi sang chan tam ly the nao?
Võ sư đánh vợ khi cô đang bế con nhỏ mới sinh. Ảnh cắt từ clip.

Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, ở bất kỳ lứa tuổi nào, tâm lý của trẻ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi trong suy nghĩ đã có những khẳng định xấu – tốt.

Lúc này rất khó để biết trẻ có bị sang chấn tâm lý hay không, nhưng nếu trẻ biến đổi hành vi một cách đột ngột, cha mẹ nên nghi ngờ con đã bị các vấn đề về tâm lý, hãy đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

Dấu hiệu trẻ thay đổi hành vi như thường xuyên bị giật mình khi ngủ, hoặc nghe tiếng người lớn, bé sợ hãi, quấy khóc, trốn vào phòng, ngồi một góc riêng, lầm lì, ít nói; đột ngột giật đồ chơi của bạn, nóng giận, hung dữ, đánh anh em trong nhà, đánh bạn...

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI