Nhiều quốc gia đứng trước áp lực gỡ bỏ giãn cách

29/04/2020 - 10:00

PNO - Số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu vượt mốc ba triệu, gây lo ngại khi nhiều quốc gia đang thực hiện giảm bớt biện pháp giãn cách xã hội.

Số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu vượt mốc ba triệu vào thứ Hai 27/4, với gần một triệu trường hợp từ Mỹ. Đây là yếu tố đáng lo ngại khi nhiều quốc gia đang thực hiện các bước nhằm giảm bớt biện pháp giãn cách xã hội vốn được duy trì suốt hai tháng qua.

Cột mốc mới về số ca mắc COVID-19 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có hơn ba triệu ca nhiễm COVID-19 trong vòng chưa đầy bốn tháng qua, tương đương số ca mắc bệnh nặng do cúm mùa trên thế giới mỗi năm (khoảng 3-5 triệu ca). Có trung bình 82.000 trường hợp mắc COVID-19 được báo cáo mỗi ngày trong tuần qua, hơn 25% trong số đó là ở Mỹ và hơn 43% ở châu Âu. Số người chết do COVID-19 tính đến ngày 28/4 là 212.566. Một số quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở châu Âu - bao gồm Ý, Pháp và Tây Ban Nha - có tốc độ gia tăng hằng ngày chậm lại trong những tuần gần đây.

Học sinh trung học phổ thông quay lại trường ở Bavaria, Đức - Ảnh: EPA
Học sinh trung học phổ thông quay lại trường ở Bavaria, Đức - Ảnh: EPA

Ý sẽ cho phép một số nhà máy hoạt động trở lại vào ngày 4/5, trong khi Tây Ban Nha nới lỏng giãn cách từ ngày 26/4, cho phép trẻ em vui chơi ngoài trời. Một tuần sau khi mở lại trường mầm non, Na Uy cũng cho phép học sinh tiểu học trở lại lớp với tối đa 15 trẻ mỗi phòng, sau một tháng rưỡi học từ xa. Thợ cắt tóc Thụy Sĩ quay lại công việc và nhiều cửa hàng của Cộng hòa Séc mở cửa. 

Áp lực gỡ bỏ chính sách 

Ở các nước châu Âu, các nhà lãnh đạo đang chịu áp lực tái “mở cửa”. Những người dân bị giam hãm trong nhà suốt nhiều tuần đang trở nên thất vọng và lo lắng; hoạt động kinh tế kém và suy thoái kéo dài được dự báo ở nhiều quốc gia. Nhưng khi chưa có thuốc điều trị hiệu quả hoặc vắc-xin phòng COVID-19, các nhà lãnh đạo cũng nhận thức sâu sắc về sự nguy hiểm của làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Đức vẫn chưa đưa ra quyết định về cách thức và thời điểm dỡ bỏ các hạn chế trong bối cảnh lo ngại nguy cơ đánh mất tất cả thành quả đạt được từ đầu mùa dịch. Cho đến nay, Đức đã hạn chế sự bùng phát ở dưới mức 160.000 ca và chỉ hơn 6.000 trường hợp tử vong, thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia lân cận. Tuy vậy, Wolfgang Schäuble - chính khách lâu năm và là Chủ tịch của Hạ viện Liên bang Bundestag - cho rằng, các vấn đề kinh tế và xã hội từ lệnh giãn cách nên được cân nhắc kỹ lưỡng cùng sinh mạng người dân. Đồng thời, Thủ tướng Angela Merkel đưa ra cảnh báo, một số bang tại Đức đang nới lỏng quá nhanh chính sách hạn chế di chuyển, tiếp xúc.

Tại Pháp, áp lực đối với Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang gia tăng khi Thủ tướng Édouard Philippe trình bày kế hoạch nới lỏng hạn chế từ ngày 11/5. Một cuộc khảo sát công bố vào cuối tuần qua cho thấy, chưa tới một nửa dân số (43%) ủng hộ duy trì các biện pháp giãn cách chặt chẽ. Ở Tây Ban Nha, gần 47 triệu người đã trải qua hơn sáu tuần thực hiện lệnh phong tỏa chặt chẽ nhất trên thế giới và các nhà chức trách đang thận trọng chuẩn bị các bước tiếp theo để nới lỏng chính sách từ ngày 27/4.

Ý - nơi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao thứ ba thế giới, với hơn 26.000 người chết - sẽ cho phép các nhà máy, các công trình xây dựng mở cửa trở lại từ ngày 4/5 và người dân cũng có thể thực hiện các chuyến thăm gia đình hạn chế.

Trong khi đó, tại Mỹ, Nhà Trắng đã hủy cuộc họp báo hôm 27/4 về COVID-19. Tổng thống Donald Trump từ chối tham dự cuộc họp, đăng trên Twitter rằng, các cuộc họp báo “không xứng” với thời gian và công sức bỏ ra. Nhiều người tin rằng, Nhà Trắng muốn tập trung vào việc mở cửa lại nền kinh tế hơn là cập nhật tình hình dịch bệnh. 

Linh La (theo Reuters, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI