Nhiều mối nguy khi bị lộ thông tin cá nhân

29/08/2022 - 06:20

PNO - Khi bị nắm quá rõ thông tin, các cá nhân dễ bị kẻ xấu quấy rối, làm phiền. Một số người ở TPHCM đã bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo sau khi chúng nắm được thông tin cá nhân.

Sập bẫy lừa do bị nắm rõ thông tin

Thời gian gần đây, rất nhiều người phàn nàn về việc thường xuyên nhận các cuộc gọi làm phiền, quấy rối, như tư vấn mua đất nền, tư vấn chứng khoán, quảng cáo. Không ít người còn bị sập bẫy của bọn lừa đảo. Điều này xuất phát từ việc thông tin cá nhân của họ bị lọt ra bên ngoài. 

Bà K.N. (phường 14, quận Gò Vấp) cho biết, suốt 6 tháng qua, bà đã liên hệ với nhiều cơ quan với hy vọng có thể lấy lại được 346 triệu đồng mà mình bị lừa, nhưng vô vọng. Bà K.N. là giáo viên, thường xuyên đọc tin tức trên báo nên rất cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo dựa vào công nghệ. Tuy nhiên, trong một vài phút mất cảnh giác, bà đã bị lừa lấy toàn bộ số tiền lương hưu vừa nhận được.

“Người đó gọi cho tôi bằng số máy bàn, xưng là nhân viên Mobifone muốn kiểm tra và chuyển đổi sim. Ban đầu, tôi cũng nghi ngờ, nhưng người này đọc chính xác nhiều thông tin cá nhân của tôi, kể cả địa chỉ nhà và số căn cước công dân vừa đổi. Tôi nghĩ, họ là nhân viên Mobifone thật nên mới nắm rõ thông tin cá nhân của mình như vậy. Khi tôi làm một vài thao tác theo hướng dẫn, họ đã chiếm đoạt sim của tôi và lấy toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng” - bà kể.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế làm việc với đối tượng (x) chuyên mua bán thông tin cá nhân tại địa phương này - ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế làm việc với đối tượng (x) chuyên mua bán thông tin cá nhân tại địa phương này - Ảnh: Công an cung cấp

Mới đây, một nhóm tội phạm do Phan Văn Trí (quận Bình Thạnh) cầm đầu đã quảng cáo trên mạng về dịch vụ làm dấu tích xanh trên Facebook (dấu xác nhận chính chủ). Rất nhiều người - trong đó có cả diễn viên, ca sĩ - đã liên hệ với nhóm của Trí để làm dấu tích xanh. Nhóm của Trí yêu cầu khách hàng phải cung cấp rất nhiều thông tin cá nhân, như giấy tờ tùy thân, địa chỉ email, mật khẩu và tên đăng nhập tài khoản mạng xã hội… 

“Khi có được những thông tin trên, nhóm của Trí nghiên cứu rất kỹ các tin nhắn để mô phỏng văn phong, cách nói chuyện với bạn bè của nạn nhân. Sau đó, chúng nhắn tin cho bạn bè trên Facebook của nạn nhân để mượn tiền. Do nắm rõ thông tin cá nhân nên chúng mở tài khoản ngân hàng trùng tên với nạn nhân, đề nghị chuyển tiền vào đó và chiếm đoạt. Khi bị bắt, nhóm của Trí đã lừa được khoảng 20 nạn nhân, trong đó có diễn viên, ca sĩ” - một cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM thông tin.

Nhiều rủi ro khi lộ thông tin cá nhân

Mới đây, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) đã gây chú ý trên mạng khi đăng thông tin về việc dữ liệu cá nhân kèm thông tin về trường lớp của 30 triệu người Việt đang bị tin tặc rao bán với giá khoảng 80 triệu đồng. 

Ngô Minh Hiếu cũng cho rằng, đã xảy ra không ít vụ bán dữ liệu mà thực chất là lừa đảo tiền điện tử. Tuy nhiên, nếu sở hữu số dữ liệu cá nhân khổng lồ này, kẻ gian có thể dùng vào những mục đích xấu như spam quảng cáo, tống tiền, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm.

Theo các chuyên gia, tới nay, hầu như chưa có doanh nghiệp nào phải chịu trách nhiệm về việc để lọt thông tin cá nhân khách hàng, dù tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân đã xảy ra rất nhiều trong ngành hàng không, viễn thông, địa ốc, bảo hiểm nhân thọ… Pháp luật đã có quy định về xử lý việc mua bán hoặc làm lộ, lọt thông tin cá nhân nhưng chưa có người tiêu dùng Việt Nam nào khởi kiện. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học - cảnh báo, các chiêu thức của tội phạm công nghệ cao rất đa dạng, tinh vi và phức tạp. Do đó, việc bị lộ thông tin không chỉ khiến các cá nhân bị quấy rối mà có thể còn dễ dàng trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo qua mạng.

“Về tâm lý, khi bạn biết được nhiều thông tin về một người, bạn sẽ dễ tiếp cận người đó hơn. Tội phạm cũng vậy. Khi chúng nắm rõ thông tin cá nhân, chúng sẽ dựng nên những kịch bản khiến nạn nhân dễ tin tưởng hơn. Tội phạm cũng có thể lừa người thân, bạn bè của người bị lộ thông tin cá nhân. Ngoài ra, chúng có thể làm giả giấy tờ tùy thân, tài khoản ngân hàng của nạn nhân với mục đích xấu” - phó giáo sư Đỗ Cảnh Thìn nói.

Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, cách tốt nhất để không bị lộ thông tin cá nhân là không tham, không cung cấp thông tin cho người lạ. Cá nhân chỉ nên cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng hay các tổ chức tài chính có thẩm quyền. Khi bị lộ thông tin, nên báo cho cơ quan chức năng, các ứng dụng tài chính phổ biến để kịp thời ngăn chặn hậu quả. 

Ba nguồn chiếm giữ, làm lộ thông tin cá nhân

Có nhiều nguyên nhân khiến thông tin của các cá nhân bị lộ, bị rao bán, nhưng tựu trung có ba nguyên nhân chính.

Một là do hacker tấn công trang web, chiếm đoạt dữ liệu khách hàng. Thông thường, hacker chỉ có thể tấn công vào các trang web bảo mật kém nhưng có nguồn dữ liệu khách hàng phong phú. Hai là do một tổ chức, đơn vị nào đó sở hữu được một lượng thông tin khách hàng khá lớn nhờ đặc thù ngành nghề, công việc. Họ xem đây là nguồn tài nguyên và bán, chia sẻ cho bên thứ ba. Hành vi này là vi phạm pháp luật nhưng lại diễn ra phổ biến. Ba là, do các cá nhân bất cẩn khi tham gia mạng xã hội, như tùy tiện chia sẻ ảnh chụp căn cước công dân, chứng minh nhân dân, chia sẻ công khai số điện thoại, địa chỉ email.

Ông Lê Vũ Linh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm Bình Minh

Sơn Vinh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI