Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Biden sắp tới là gì?

08/01/2021 - 13:07

PNO - Đã có bốn người chết trong cuộc tụ họp ủng hộ Tổng thống Donald Trump trên đồi Capitol khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ kiểm phiếu đại cử tri vào ngày 6/1 (giờ địa phương) nhằm phê chuẩn kết quả bầu cử tổng thống. Nhưng có lẽ, điều còn đen tối hơn so với cuộc biểu tình bạo loạn chính là nền dân chủ Mỹ đang bị chất vấn: liệu các nhà lập pháp có đang thực hiện theo ý chí của người dân.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden - Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden - Ảnh: AP

100 ngày đầu tiên trên ghế tổng thống

Ông Joe Biden đã lên án rằng, đó là cuộc tấn công vào nền dân chủ. Ông kêu gọi hành động vì danh dự và tôn trọng pháp quyền. Những khái niệm vốn cơ bản đó lại có vẻ đang trở nên khó khăn với hiện tình nước Mỹ. Trọng trách sửa chữa nó sẽ đè lên vai tân tổng thống. Do vậy, bỏ qua danh sách dài những lời hứa dành cho các vấn đề dân sinh trong 100 ngày đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống như đại dịch COVID-19, thuế, phân biệt chủng tộc, người ta chú ý nhiều đến các thành viên mới nhất trong nội các tương lai.

Ông Biden được cho là có kế hoạch giao chức tổng chưởng lý cho thẩm phán Merrick B.Garland, người từng bị đảng Cộng hòa chặn đề cử vào Tối cao Pháp viện năm 2016. Chọn lựa này phản ánh nỗ lực của tổng thống đắc cử để đưa ra một nhà lãnh đạo phi chính trị nhằm tăng cường sự độc lập của Bộ Tư pháp khỏi chính phủ. Nếu được phê chuẩn, thẩm phán Garland sẽ kế thừa một bộ phận hơi “chuyên chế” dưới thời Tổng thống Trump hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ vụ Watergate. 
Ông cũng sẽ phải đối mặt với các quyết định khó khăn về phân biệt chủng tộc đã gây chấn động đất nước trong năm 2020 và cách tiến hành cuộc điều tra thuế đối với con trai của ông Biden. Với những gì đang diễn ra, ông Garland rất có thể sẽ còn phải đối mặt với áp lực hướng các ưu tiên vào vấn đề nhập cư và tội phạm bạo lực từ chính quyền Trump sang các vấn đề mà đảng Dân chủ thường ưu tiên, như giám sát quyền bỏ phiếu.

Tổng thống đắc cử đề xuất Lisa Monaco - cựu cố vấn an ninh nội địa dưới thời Barack Obama - làm phó tổng chưởng lý; Vanita Gupta - người đứng đầu Bộ phận Dân quyền của Bộ Tư pháp cũng dưới thời ông Obama - là nhân vật số ba sau hai người trên. Kristen Clarke - luật sư về quyền dân sự - được đề cử làm trợ lý tổng chưởng lý. Đây dự kiến sẽ là bộ khung của Bộ Tư pháp dưới thời ông Biden.

Quan hệ Mỹ - Trung vẫn gặp khó

Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS) cho rằng, ông Joe Biden chỉ có hơn một năm để xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh. Thế nhưng, ngay cả những người lạc quan nhất về việc chính quyền Biden có thể mang lại những cơ hội để hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh và tăng cường cam kết với châu Á cũng e ngại những khác 
biệt này.

Phát biểu trong hội đồng của ISEAS ngày 6/1, giáo sư Wang Dong - Giám đốc điều hành Viện Hợp tác và Hiểu biết toàn cầu (Đại học Bắc Kinh) - đồng tình rằng, ông “lạc quan một cách thận trọng” về triển vọng cải thiện mối quan hệ Mỹ - Trung dưới sự lãnh đạo của Biden. Nhưng theo ông, thời gian để Washington hiểu và xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh có thể được rút ngắn. Ông Wang đồng thời cũng trích dẫn nhiều ràng buộc, bao gồm cả “thiệt hại” mà chính quyền Trump đã gây ra cho Trung Quốc trong bốn năm qua cũng sẽ cản đường tiến lên của hai nước.

Trong khi đó, Zack Cooper - chuyên gia Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, trụ sở tại Washington - cho rằng thương mại và đầu tư là tác nhân gây căng thẳng lớn nhất trong những năm gần đây và cần được giải quyết. Nhưng theo ông, đây không phải là vấn đề hệ trọng nhất khiến mối quan hệ song phương bị xấu đi. Điều quan trọng là Trung Quốc và Mỹ không chia sẻ các giá trị cơ bản giống nhau, nhất là các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Đây là thách thức lớn trong chính sách ngoại giao của Tổng thống đắc cử Joe Biden. 

Nam Anh (Theo Telegraph, The Star, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI